Đem năng lực, trí tuệ xây dựng quê hương

06:05, 19/05/2022

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta những di sản vô giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, trong đó "ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" là một trong những tư tưởng lớn mà ai cũng mong muốn vận dụng, học hỏi và làm theo. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta những di sản vô giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, trong đó “ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một trong những tư tưởng lớn mà ai cũng mong muốn vận dụng, học hỏi và làm theo. 
 
Trong loạt bài này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc những tấm gương điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác, qua đó vận dụng linh động, sáng tạo, thiết thực góp phần xây dựng, phát triển quê hương. Mỗi cá nhân, tổ chức thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tùy theo vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình mà học và làm theo Bác, nhằm đem hết năng lực, trí tuệ của mình để cống hiến và phấn đấu làm theo lời dạy: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”. 
 
Kỳ 1: Tự lực vươn lên, giúp nhau làm giàu 
Trồng sầu riêng hiệu quả, anh Lực sẵn sàng chia sẻ với mọi người về kinh nghiệm, kỹ thuật.
Trồng sầu riêng hiệu quả, anh Lực sẵn sàng chia sẻ với mọi người về kinh nghiệm, kỹ thuật.
 
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng nông dân và coi phát triển nông nghiệp là một tất yếu khách quan, là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp khác. Người đã từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, đồng thời khẳng định: “Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện”. Nhờ học theo tư tưởng “trọng nông” cùng “ý chí tự lực, tự cường” của Bác, anh Nguyễn Tấn Lực- ấp Mỹ Long (xã Chánh An- Mang Thít) đã vươn lên làm giàu bằng chính mồ hôi, công sức của mình trên mảnh đất quê hương, đóng góp thiết thực cho chương trình xây nông thôn mới (NTM) nâng cao của xã nhà. 
 
Học ở Bác đức tính siêng năng, cần cù
 
Trong căn nhà tường khang trang trị giá cả tỷ đồng, xung quanh nhiều gốc mai có giá trị hàng trăm triệu, thật khó mà nghĩ rằng chủ nhân của căn nhà này- anh Nguyễn Tấn Lực, từng sống trong căn chòi xập xệ, đắp đổi qua ngày. Cách nay gần 20 năm, anh Lực được cha mẹ cho ra riêng với 1,5 công vườn tạp, vốn liếng không có, anh phải vay nợ để cải tạo vườn, đầu tư trồng nhãn tiêu da bò rồi chuyển dần sang trồng sầu riêng khổ qua. “Khi đó, tui vay có mấy chục triệu đồng mà trả nợ trần thân”- anh Lực nhớ lại. Có thời điểm anh Lực đi làm sầu riêng chia với chủ vườn, được một thời gian, anh Lực lại mạnh dạn đi… vay tiền để mướn đất tự chủ làm ăn. 
 
Nhờ chí thú làm ăn lại biết tích cóp, nên khi có người kêu bán đất là anh mua liền. “Tuy thiếu nợ nhưng tui có đất… Với số nợ cả tỷ đồng nhưng chỉ cần bán một vụ sầu riêng được giá là có thể thoát nợ”- anh Lực cười tươi. Nhờ “có gan làm giàu” và biết tính toán mà đến nay anh có trong tay 13 công đất và mướn thêm 4 công đất trồng sầu riêng, kinh tế cũng ngày càng khấm khá “tiền đẻ ra tiền”. Chúng tôi hỏi về kinh nghiệm trồng sầu riêng, anh Lực cho biết: Anh về quê vợ ở cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang), nơi nổi tiếng là “vương quốc sầu riêng” để học hỏi kỹ thuật và vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời, chuyển sang trồng giống sầu riêng Ri6 và sầu riêng Monthong, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống cũ. 
 
Mỗi ngày, anh Lực đều ra vườn để chăm chút cho từng cây sầu riêng, từ xem đọt, cắt tỉa nhánh, tưới cây… đến nhìn gốc cây để “bắt mạch”, “chẩn đoán” bệnh cây để “chữa trị” kịp thời. Không phụ lòng người chăm sóc, cây sầu riêng đã đem lại giá trị kinh tế ngày càng lớn cho gia đình anh Lực với lợi nhuận trên 600 triệu đồng/năm. Nhờ kinh nghiệm dày dặn, tay nghề cao, nên khi thu hoạch, trái sầu riêng cho múi có cơm rất mịn và dày. Bởi anh Lực chủ yếu bón phân hữu cơ sinh học. “Tuy chi phí đầu tư cao hơn phân hóa học, nhưng an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng, giữ độ bền cho cây và xanh lá hơn”- anh Lực nói. 
 
Ông Trần Hoàng Tín- Chủ tịch Hội Nông dân xã Chánh An cho biết thêm, để tối đa hóa lợi nhuận, anh Lực mua phân bón với số lượng lớn từ đại lý cấp 1, nên chi phí đầu tư rẻ hơn. Trái sầu riêng của anh Lực có chất lượng, tạo được uy tín, thương lái rất tin tưởng, mua với giá cao hơn một số nhà vườn khác. Nhờ làm nông hiệu quả, anh Lực đã xây cho mình cơ ngơi bạc tỷ, chăm lo tốt cho gia đình và con cháu học hành đàng hoàng. 
 
Học tập Bác từ những điều bình dị
 
Xác định việc học tập và làm theo Bác là nhiệm vụ rất quan trọng và “ai cũng có thể học và làm theo để trở thành một công dân tốt”, anh Lực cho biết là nông dân nên anh “học và làm theo Bác từ những điều nhỏ và bình dị nhất”. Anh rất quý tư tưởng “trọng nông” của Bác. Bằng tình yêu nghề nông và noi gương Bác ở ý chí kiên trì, đổi mới, sáng tạo trong lao động, sản xuất, anh Lực đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương Chánh An của mình. Những việc làm thiết thực của anh đã truyền cảm hứng cho hội viên, nông dân cùng học ở Bác “ý chí tự lực, tự cường” và “khát vọng vươn lên”.
 
Với vai trò là Chi hội trưởng Nông dân, anh Lực tích cực tuyên truyền, phát động phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; xây dựng NTM và đô thị văn minh gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Anh cho rằng: “Muốn vận động, tuyên truyền cho mọi người, thì bản thân phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm. Khắc ghi lời dạy của Bác “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”. Từ những bài học đó, anh đã thúc đẩy các phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên, nông dân ngày càng  hiệu quả. 
 
Mô hình trồng sầu riêng của anh Lực đang tạo việc làm cho 5 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Từ khi có “của ăn của để”, anh tích cực đóng góp các nguồn quỹ, kinh phí xây dựng cầu đường, đóng góp cho các hoạt động từ thiện, các phong trào do địa phương phát động. Anh còn thường xuyên hướng dẫn các hộ hội viên nông dân về kỹ thuật, về vốn với số tiền hàng chục triệu đồng/năm để phát triển kinh tế, đã tạo “cú huých” giúp cho nhiều nông hộ vươn lên thoát nghèo… Từ những việc làm tưởng như đơn giản đó, anh cũng đã góp phần cùng Đảng bộ xã Chánh An nâng chất các tiêu chí về hạ tầng, thu nhập, nghèo đa chiều và lao động trong xây dựng NTM nâng cao. 
Hàng ngày, anh Lực đều dành thời gian ra vườn để săn sóc cây sầu riêng.
Hàng ngày, anh Lực đều dành thời gian ra vườn để săn sóc cây sầu riêng.
Ông Đặng Trung Hoành- Bí thư Đảng ủy xã Chánh An cho biết: Việc học tập và làm theo Bác đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ hàng ngày, cụ thể là tính gương mẫu của cán bộ, của cấp ủy, người đứng đầu các đoàn thể được nâng lên.
 
Qua đó, góp phần tích cực trong thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ xã, các phong trào thi đua ở địa phương nhất là phong trào chung sức xây dựng NTM và trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Qua học tập Bác theo chuyên đề năm 2021, xã Chánh An có 4 cá nhân là người dân được biểu dương, trong đó anh Nguyễn Tấn Lực là nông dân và giáo dân Công giáo tiêu biểu của xã được Tỉnh ủy biểu dương, khen thưởng.
 
Trong đó, việc học và làm theo Bác của anh Lực đã thể hiện rõ qua việc vượt khó, năng động, sáng tạo để vực dậy kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu, góp phần tích cực trong các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng NTM, giữ gìn an ninh trật tự… Song song đó, anh Lực còn đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội do xã vận động, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và vốn cho hội viên nông dân thiếu vốn sản xuất để cùng nhau vươn lên làm giàu, xây dựng xã nhà thêm giàu đẹp.

Ông Đặng Trung Hoành- Bí thư Đảng ủy xã Chánh An: Việc học và làm theo Bác có ý nghĩa thiết thực, gần gũi với đời sống của mọi người, ai cũng có thể học và làm theo được từ những việc làm rất nhỏ với tinh thần ý thức cao.


Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN
 
(Còn tiếp)
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh