Những ngày tháng 5 đầy nắng và gió, chúng tôi xếp tư trang và tạm rời xa những bộn bề của phố thị để về với Đất Mũi (Cà Mau)- mảnh đất xinh đẹp cuối trời cực Nam của Tổ quốc.
Video clip: Đường về Đất Mũi |
Những ngày tháng 5 đầy nắng và gió, chúng tôi xếp tư trang và tạm rời xa những bộn bề của phố thị để về với Đất Mũi (Cà Mau)- mảnh đất xinh đẹp cuối trời cực Nam của Tổ quốc.
Từ Vĩnh Long đi qua Cần Thơ rồi đến Sóc Trăng, men theo Quản Lộ- Phụng Hiệp chúng tôi lần hồi qua địa phận Hậu Giang, Bạc Liêu rồi đến TP Cà Mau. Cái nắng chói chang những ngày đầu hè phản phất cùng mùi hương hăn hắt của “vị biển mằn mặn” thật thân quen.
Từ đây, đi thêm độ chừng 20km là đến địa phận ấp Đông Hưng, ấp Láng Tượng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước. Nơi được xem là “thủ phủ” của cây bồn bồn- một loại đặc sản của đồng đất Cà Mau. Lòng tôi bỗng nhớ câu ca của nhạc sĩ Hoàng Bửu: “Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng/ Thương em một đời dãi nắng, dầm mưa”.
Một góc trời bình yên nơi mũi Cà Mau. |
Theo bà con địa phương, cây bồn bồn xuất hiện từ rất lâu trên vùng đất này. Ông Phan Văn Xuân (thị trấn Cái Nước- huyện Cái Nước) cho biết: “Đến mùa nước nổi, cây bồn bồn mọc lên dày đặc trên những cánh đồng. Thế là nông dân phải phát bỏ để cấy lúa. Thời khai khẩn, người ta chỉ biết đến cây bồn bồn như một thứ rau đồng. Trong những năm chiến tranh, bồn bồn lại trở thành nguồn thực phẩm quan trọng trong cuộc sống. Chỉ cần một mớ bồn bồn tươi và vài con cá rô đồng đủ để nấu nồi canh là có thể đủ dinh dưỡng cho một ngày”.
Còn trong hiện tại bồn bồn trở thành đặc sản, trong nhiều buổi tiệc tùng người dân ở đây thường lấy bồn bồn chế biến nhiều món ăn để đãi đằng khách. Bồn bồn tươi xào tép, làm dưa…hay còn là món quà biếu không thể thiếu sau những chuyến hành trình của du khách gần xa khi về thăm Đất Mũi.
Sau hơn 6 tiếng hành trình, xe chúng tôi đã tiến gần hơn đến Công viên Văn hóa- du lịch mũi Cà Mau. Hạ hết kính xe, chúng tôi ung dung cảm nhận bầu không khí tuyệt vời khi đi trên đường Hồ Chí Minh giữa rừng đước thẳng tắp, xanh thẳm đến tận chân trời. Bầu trời trong vắt, gió thổi mát lành. Không biết vô tình hay hữu ý, chiếc radio trên xe lại vọng ra những giai điệu ngọt ngào của bài vọng cổ “Về Đất Mũi” như tiếng mời chào thân tình: “Đất Mũi quê em đậm tình bao câu hát, man mát lời ru tha thiết ngọt ngào/Tiếng đàn reo vui như đón như chào/Chào người phương xa về nơi cuối đất, vùng đất nghĩa tình son sắc thủy chung/ Từ bao lâu với nỗi khát khao, một lần đến quê em ngắm biển trời lộng gió/Mũi đất Cà Mau như mũi tàu ta đó, vẫn vững vàng trước những phong ba”.
Chúng tôi quá bất ngờ bởi sự đổi thay nơi đây. Con đường dẫn vào Công viên Văn hóa- du lịch mũi Cà Mau được đầu tư khang trang, nhiều hạng mục được xây dựng phục vụ nhu cầu khách tham quan, thưởng lãm. Giá vé vào cổng mỗi người 30.000 đồng, du khách có thể chọn đi bộ hoặc xe điện để tham quan công viên với biểu tượng “Đường Hồ Chí Minh điểm cuối Cà Mau Km 2436” hay đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, giá chỉ từ 10.000- 20.000 đồng mỗi lượt, tùy đường gần xa.
Xe điện len lỏi qua giữa rừng đước để đến cột mốc tọa độ GPS 0001. Biểu tượng hình con tàu hướng mũi ra biển hiện ra, trông thật hiên ngang. Trên cánh buồm in đậm dòng chữ “Mũi Cà Mau”, toạ độ: 8o37’30” Vĩ Độ Bắc, 104°43′ Kinh Độ Đông.
Tài xế xe điện- anh Trần Văn Thạch (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi) tình nguyện làm hướng dẫn viên, cho chúng tôi biết đang di chuyển đến cột cờ mũi Cà Mau- điểm xa nhất tính từ cổng vào là 2km, và cũng là điểm dừng chân cuối cùng. Trong gió biển dạt dào, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước biển khơi dấy lên trong chúng tôi niềm tự hào cực độ!
Rời xe điện, trên chiếc vỏ lãi tiếp tục đưa chúng tôi len lõi qua những cánh rừng thăm thú dòng kênh Rạch Mũi, Tám Thương, Lạch Vàm, tận tay chạm vào những cây chang, cây đước “lão” và nghe người dân bản xứ kể về loài cây này trong quá trình bảo vệ từng mạch đất quê hương trước biên khơi. Những dải hàu nuôi lồng san sát dần hiện ra, đưa chúng tôi đến với câu chuyện về một nghề đem lại nguồn lợi kinh tế ổn định cho người dân Đất Mũi.
Dừng chân tại khu vực bãi bồi- nơi “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” như lời của Nguyễn Tuân, thì đây là địa điểm thú vị nhất, để tha hồ ngắm nhìn những đàn chim di trú, thi thoảng lại hét lên đầy phấn khích khi vô tình bắt gặp sự cựa quậy, chuyển động của hằng hà các thủy hải sản đặc trưng ở xứ này.
Biểu tượng con tàu vươn khơi thật vững vàng trên vùng biển mũi Cà Mau. |
Trời vừa tắt nắng, tạm nghỉ chân bên hàng quán nhỏ trên “xóm Mũi” khi bụng đói cồn cào, gọi một vài món ăn “trứ danh” địa phương. Anh Hùng- chủ quán thân tình, mang bình rượu sáp ong chiêu đãi khách phương xa, và không ngại ngân nga mấy câu vọng cổ ngọt như mía lùi…
Lần trở lại với nơi “đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi”, chúng tôi vẫn cảm nhận vẹn nguyên sự hồn hậu của mảnh đất và con người nơi đây. Thiên nhiên trù phú “biển bạc cá vàng” bên rừng đước, rừng mắm đã đem đến cho những cư dân địa phương cuộc sống ấm no, góp phần tạo nên khí chất hào sảng, dễ thương, dễ gần của con người Đất Mũi.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin