Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có chung một sai lầm, sai lầm "chết người" là sa chân vào con đường nghiện ngập. Họ gặp nhau ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long, được sự dìu dắt, nâng đỡ của những người thầy, cán bộ quản lý nơi đây trên con đường thức tỉnh và trị liệu để tìm lại chính cuộc đời mình.
Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có chung một sai lầm, sai lầm “chết người” là sa chân vào con đường nghiện ngập. Họ gặp nhau ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long, được sự dìu dắt, nâng đỡ của những người thầy, cán bộ quản lý nơi đây trên con đường thức tỉnh và trị liệu để tìm lại chính cuộc đời mình.
Con đường “quay đầu” không bao giờ dễ dàng, suôn sẻ, luôn cần có sự hỗ trợ, giải pháp đồng bộ và sự quyết tâm, bản lĩnh của chính những người trong cuộc.
Học viên trong hội thi nội bộ nghề hàn. |
Cộng tác viên- “cánh tay nối dài” của cơ sở
Ngồi trước mặt tôi là một thanh niên khá điển trai, ăn nói hoạt bát, từng đam mê và nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp đàng hoàng và anh đã có khoảng thời gian hạnh phúc với nghề của mình, nhưng rồi tất cả sụp đổ chỉ vì vướng vào con đường nghiện ngập. Trương T.T. (29 tuổi)- chàng trai miền quê ở Phong Điền (Hậu Giang), vốn mê nghề làm tóc đã khăn gói lên TP Hồ Chí Minh học nghề cho đến khi có công việc, thu nhập ổn định, cũng đã tìm thấy được tình yêu của mình và tương lai mở ra trước mặt thênh thang. Nhưng rồi sự rủ rê của bạn bè chỉ “thử một lần” nhưng rồi không thể… rút chân ra được. Cho đến ngày bị đưa vào đây cai nghiện bắt buộc.
“Cuộc đời coi như bỏ đi”- T. đã từng chán nản, hoàn toàn mất phương hướng và cảm giác hoang mang lo sợ, những ngày đầu bước vào môi trường xa lạ này. Phía sau những lời chia sẻ ngắn gọn, lại là những nỗi buồn về một gia đình không trọn vẹn, mẹ mất vì bạo bệnh cách đây 7 năm, cha đã già (72 tuổi) lại “đi bước nữa” với người vợ trẻ, bất đồng, rồi cắt đứt liên hệ, T. mất đi điểm tựa gia đình đã làm nên những phút yếu lòng và phạm phải những sai lầm tai hại.
Ngược lại, Nguyễn V. Th. (31 tuổi), có cha mẹ dìu dắt công việc buôn bán từ nhỏ, rồi lập gia đình có vợ con đàng hoàng, lại “chủ động” dính vào “cái chết trắng” dần dần đưa đến những rạn nứt, người vợ bỏ đi làm ăn xa, đứa con nhỏ để ông bà nuôi, những tháng ngày vào đây cai nghiện bắt buộc, Th. nghiền ngẫm về cuộc đời mình. Những hối hận liệu có đủ động lực để anh vươn ra khỏi bóng tối, quay về làm lại cuộc đời!
Nhưng khoảng thời gian được ở đây trải qua quá trình điều trị, được sự dìu dắt của các thầy, các cán bộ quản lý ở cơ sở cai nghiện, chỉ vài tháng nữa là hoàn thành cai nghiện bắt buộc, cả T. và Th. đều đã hoàn toàn thay đổi từ thể chất lẫn tinh thần, quan trọng là họ khẳng định đủ quyết tâm đoạn tuyệt với sai lầm đã qua. Thể hiện tốt trong suốt quá trình học tập, chấp hành nội quy cơ sở đã tạo niềm tin để T. và Th. trở thành cộng tác viên, quay lại giúp đỡ những bạn học viên mới nơi đây.
Ông Phạm Hữu Dũng- Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long, đánh giá: “Đội ngũ cộng tác viên như “cánh tay nối dài” hỗ trợ rất tốt cho công tác quản lý học viên. Họ lấy chính cuộc đời mình, những trải nghiệm sai lầm làm bài học thức tỉnh mọi người. Cộng tác viên cũng dễ dàng tiếp cận nắm bắt tình cảm, tâm tư của học viên vì cùng cảnh ngộ nên dễ sẻ chia”. Ông Dũng nhắc lại và nhớ về nhiều bạn là cộng tác viên rất giỏi, nhiệt tình, nhưng rất tiếc không ít trong số họ đã ra đi vì nhiễm bệnh.
Giúp học viên nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng
Một số học viên có biểu hiện chống đối, bất hợp tác trong những ngày đầu vào cơ sở, sau thời gian được tư vấn, tiếp cận hỗ trợ về mọi mặt tinh thần, đều nhận thức được và hạn chế đi sự bốc đồng. Tại cơ sở, mỗi tháng sẽ có cuộc họp để lãnh đạo cơ sở lắng nghe ý kiến của từng học viên, những kiến nghị, đề xuất nếu hợp tình, hợp lý đều được tiếp nhận và đáp ứng, tạo nên một không khí thoải mái, xây dựng mối quan hệ gần gũi thân tình, với phương châm “cơ sở là nhà, chúng ta là anh em”.
Tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long, 100% học viên cai nghiện tự nguyện vào cơ sở được tư vấn, cắt cơn giải độc theo đúng phác đồ điều trị nghiện ATK của Bộ Y tế, theo dõi, chăm sóc sức khỏe từ 10- 20 ngày; ngoài ra, Cơ sở kết hợp thuốc Đông y (Bông Sen) trong việc hỗ trợ điều trị cắt cơn giải độc cho người nghiện ma túy khi có nhu cầu. Công tác tư vấn đầu vào, tư vấn điều trị, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm luôn được nâng cao, đổi mới về hình thức phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng nhằm tạo điều kiện để các học viên thấy được những tác hại, nguy cơ từ ma túy, đây là con đường lây nhiễm HIV cao nhất trong cộng đồng xã hội.
Công tác trị liệu được tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng, tạo sự lôi cuốn cho học viên khi tham gia, như: phối hợp với các cơ quan, đơn vị (Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn Tam Bình, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh,...) thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tập gym, đá bóng mi ni mỗi ngày và các dịp lễ tết; tổ chức triển khai các chuyên đề về sức khỏe, gia đình, pháp luật,... bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp trên lớp, lồng ghép truyền thông trên loa phát thanh nội bộ. Ngoài ra, Cơ sở phối hợp Công ty TNHH MTV Đào tạo & Truyền thông Cuộc Sống Mới mở các khóa đào tạo đặc huấn kỹ năng sống cho 20 học viên tham dự. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng và hành động của học viên giúp họ có thêm kiến thức và kỹ năng để hòa nhập với cộng đồng.
Công tác đào tạo nghề và hướng nghiệp cho học viên cai nghiện tự nguyện luôn được Cơ sở quan tâm chú trọng, nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút học viên cai nghiện tự nguyện; vừa chữa bệnh, học tập vừa học nghề và tham gia lao động trị liệu giúp họ có ý thức kỷ luật lao động và chấp hành tốt nội quy, quy chế.
Tạo dựng niềm tin với học viên và gia đình, cơ sở còn tạo nên một môi trường đoàn kết, yêu thương tăng cao tính hiệu quả trong công tác quản lý. Từ đó, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long hướng tới mục tiêu xây dựng “mái nhà chung thứ hai” cho những người cai nghiện.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin