Tôi được lớn lên trong một gia đình mà bà con ở đây thường gọi là "căn nhà không có bóng dáng đàn ông" bởi vì xung quanh bọn trẻ chúng tôi hầu như chỉ có ba người phụ nữ.
Tôi được lớn lên trong một gia đình mà bà con ở đây thường gọi là “căn nhà không có bóng dáng đàn ông” bởi vì xung quanh bọn trẻ chúng tôi hầu như chỉ có ba người phụ nữ.
Người đầu tiên, người mà con cháu nào cũng luôn nhắc và nhớ đến, đó là cô Út, em ruột của ba tôi. Sinh thời cô cũng là một trong những người đẹp của làng. Thanh niên nhiều nơi đến dạm hỏi nhưng ông bà nội tôi đều cảm thấy khó xử khi phải trả lời. Sự khó xử bởi vì cô là con gái út trong gia đình có 4 người con trai là bộ đội tham gia kháng chiến cứu quốc, một chị gái đã là vợ liệt sĩ, cô phải thay các anh chị nuôi dạy một bầy “con nít” của các anh chị gửi lại. Trong số những người quan tâm tìm hiểu cô tôi, có một người mà ai cũng cảm mến và hẹn sau hòa bình lập lại (1954) khi các người anh của cô quay về nhận lại các con, nội tôi sẽ cho hai người làm đám cưới. Thế nhưng, sau đó đất nước ta lại bước vào một cuộc cách mạng mới, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước! Những người ra đi chưa thể quay về sau 2 năm như dự kiến thì... cô tôi cũng chưa thể lên được kiệu hoa. Và, người đàn ông năm ấy cũng đã không thể chờ được thêm nữa!
Rồi năm tháng trôi qua, cô tôi được bí mật đưa vào vùng giải phóng kết hôn với một người bộ đội, lúc đó là Phó Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt, người mà cô chưa một lần biết mặt, nhưng rất tốt, đi đến đâu cũng được nhân dân thương yêu đùm bọc. Hơn năm sau, một bé trai ra đời bổ sung vào nhóm trẻ chúng tôi một đứa con liệt sĩ!
Người thứ hai, không ai khác hơn là mẹ của tôi, cũng từng là hoa khôi của làng. Nếu cô tôi đầy tính cách của người làm nghề tiểu thủ công nghiệp thì mẹ tôi luôn phấn đấu để hình thành cho mình và các con phong cách sống của giới trí thức. Chính điều này đôi khi cũng dẫn đến sự xung đột trong ngôi nhà của chúng tôi. Nhưng có một điều rất lạ là ít có ai đến nhà mà không nghĩ rằng cô là em ruột của mẹ tôi. Sự xung đột phần lớn là từ phía nội tôi, bà luôn lo lắng và nghĩ rằng người đẹp như mẹ tôi chắc gì có thể đợi được ba tôi đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước trở về. Thế nhưng, không những chờ được ba tôi. Mẹ tôi còn chăm sóc nội tôi những ngày cuối đời như một người con gái thực thụ mà người dân làng tôi ai cũng quý trọng. Ngoài ra, mẹ tôi còn tham gia bảo vệ, che chở cán bộ cách mạng hoạt động trong lòng địch.
Người thứ ba còn lại trong ngôi nhà này là nội của tôi, người phụ nữ dù không biết đọc, biết viết nhưng lại là người dắt tay, ôm cặp đưa từng đứa cháu chập chững bước vào lớp một. Vào mùa nước nổi, mùa thích nhất của chúng tôi vì không phải đi bộ đến trường. Nội chèo, chống xuồng đưa cháu qua cánh đồng ruộng be bé để đến trường tiểu học, chở xe đạp cùng qua sông để mấy đứa tự đạp xe đến trường trung học cách nhà hơn 4km. Với nội tôi thì bất cứ nơi nào cho dù là vùng giải phóng hay vùng bị chính quyền Sài Gòn kiểm soát gắt gao, nhưng chỉ cần một mẩu giấy nhỏ ghi địa chỉ, nghe đọc một lần là nội tôi có thể nhớ và tự tìm đến được tận nơi để thăm con cháu đang hoạt động cách mạng. Từ miền Tây, miền Đông hay Cơ quan Trung ương Cục, nơi Bác ruột tôi đang công tác thì nội tôi cũng đã từng đặt chân đến tận nơi với những món quà quê hương. Nhiều lúc có mẹ và cô tôi bảo rằng vẫn nhìn thấy những con gà vẫn đang ấp trên ổ, nhưng thực ra trứng của nó nội tôi đã “đánh cắp” của nó và chuyển vào vùng căn cứ kháng chiến làm quà cho bộ đội hết rồi.
Có một lần, tôi được yêu cầu của tổ chức là phải một mình từ rừng đước Cà Mau tìm về Ban Tuyên huấn tỉnh Vĩnh Long để nhận nhiệm vụ mới. Trong tay tôi chỉ có một mảnh giấy ghi địa chỉ nơi phải đến, còn tên người cần gặp thì phải nhớ không được ghi, cùng với một căn cước mang cái tên hoàn toàn xa lạ.
Về đến Vĩnh Long phải chờ hôm sau mới có đò sang sông và đến một gia đình cơ sở cách mạng, tôi phải tìm chỗ tạm nghỉ qua đêm ở nhà một người cô bà con bên nội. Cô biết nội thương nhớ tôi rất nhiều trong mấy năm qua, mặc dù tôi đã yêu cầu cô giữ bí mật giúp tôi, cô vẫn âm thầm đón nội tôi. Vừa bước vào nhà trong sự ngỡ ngàng nội ôm lấy tôi và khóc nức nở. Hai bà cháu ngủ chung được một đêm, hôm sau tôi phải đi đến nơi tôi cần phải đến. Nội không yên tâm, bà bảo:
- Để nội đi cùng con, để đứa con gái tuổi 18 đến một nơi hoàn toàn xa lạ và đi một mình bà không yên tâm.
Tôi nói:
- Không được đâu nội ơi! Nếu gặp phải tình huống xấu, bất trắc thì chỉ mình con bị bắt, con không được để nội liên luỵ, nội mà bị bắt thì con phải làm sao?
- Thì để nó bắt nội, thả con.
- Không đơn giản đâu nội ơi...
Hai bà cháu chúng tôi ôm nhau rất lâu trong lúc chờ đò chạy. Vậy mà khi chiếc đò rời bến, nội vừa chạy vừa vẫy gọi đò quay lại. Người lái đò không hiểu sao cũng sẵn sàng chiều ý nội tôi. Khi lên đò nội vội vàng nhét vào tay tôi ổ bánh mì và nói:
- Con cầm theo phòng thân, nếu con không tìm được đúng nhà hoặc người ta không dám chứa thì ăn tạm rồi quay về đây, nội đợi!
Rồi nội nói thêm:
- Ước gì đất nước độc lập để các con cháu về sống với nội...
Tuy nhiên, rất may là chuyến đi đó tôi đã tìm được đúng nơi cần đến và gia đình cách mạng này đã sẵn sàng bảo bọc trong thời gian chờ đợi cơ sở cách mạng đón tôi vào vùng giải phóng.
Nửa đêm hôm ấy, khi mọi người đang say giấc, tôi âm thầm lấy ổ bánh mì ra để ngắm. Cho dù lúc đó là rất khuya, ổ bánh mì cũng bắt đầu bốc mùi... Tôi vẫn cứ ăn, như cố nuốt vào lòng hình ảnh và tình yêu thương trìu mến của nội đã dành cho tôi.
Ba năm sau thì nội tôi qua đời, hai năm sau nữa thì giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đó là lần cuối cùng trong đời mà bà cháu chúng tôi gặp nhau. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết cái ngày hôm ấy nội của tôi đã chờ cháu mình trong bao lâu và cái lưng hơi cong ấy đã lủi thủi quay về nhà như thế nào.
Nhiều năm trôi qua, tôi cũng thường tự hỏi: Tại sao chỉ còn 2 năm nữa thôi là nền độc lập sẽ được trả về cho dân tộc, cho đất nước, tại sao nội không đợi chúng con hả nội ơi!
ĐẶNG HUỲNH MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin