Chẳng riêng những ai xa xứ, bản thân tôi mỗi lần xa quê cũng thấy thương, thấy nhớ, nhớ quay quắt cái hương vị quê nhà. Và chẳng bao giờ quên được vị cá khô quê nhà của má làm từ ngày xưa.
Chẳng riêng những ai xa xứ, bản thân tôi mỗi lần xa quê cũng thấy thương, thấy nhớ, nhớ quay quắt cái hương vị quê nhà. Và chẳng bao giờ quên được vị cá khô quê nhà của má làm từ ngày xưa.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, hễ bữa ăn thường ngày có khô cá lóc trộn xoài chua, khô cá trê chiên hay khô cá chạch nướng trên bếp củi còn than hồng rực đỏ là hôm đó nồi cơm vét sạch, bụng đứa nào đứa nấy no căng mà vẫn thòm thèm hương vị khô quê.
Những năm nhà nghèo, còn sống trong đồng bưng, nhà nào cũng có 1 đến 2 cái đìa, ao nhỏ, cập sông thì chất chà. Đến mùa vụ là thời điểm vui nhất trong xóm. Nhà nhà tát đìa, tát ao, dỡ chà bắt cá để dành ăn trong mùa thu hoạch lúa. Cá nhỏ thì để ăn qua ngày, làm mắm. Cá to hơn thì phơi khô để ăn dần. Có khi, để biếu sui gia hoặc khách quý cặp cá lóc, cá bông ăn lấy thảo. Cảnh vui nhất là cả xóm xúm lại làm khô, có cô thì đánh vảy, có dì thì cắt đầu cá, có thiếm thì xẻ khô, có chị thì rửa cá cho sạch sẽ, ... rồi chia lại cho nhau mỗi nhà năm ba ký, vì khâu ướp khô mỗi người có bí quyết riêng của mình. Tôi lén nhìn thấy má ướp khô... Cá xẻ xong, má rửa sơ qua nước, sau đó má lấy rượu đế mua trong xóm đổ vào cá nhằm khử mùi tanh của cá đồng, rồi má rửa sạch với nước, để ráo. Rồi tiếp tục ướp gia vị: đường, bột ngọt, ớt và muối,... Muốn cho khô ngon thì má dùng ớt hiểm đỏ trồng sau nhà đăm với muối hột cho thật nhuyễn, má bắt đầu ướp khô, má kêu tôi trộn thật đều tay, rồi để 3- 4 tiếng đồng hồ, mới đem đi phơi ngoài nắng, khô ngon đạt chuẩn là phơi 3 nắng, nếu làm quà cho khách hoặc con cháu phương xa má tôi phơi thêm một nắng nữa rồi cho vào bịch đóng gói.
Mặc dù cuộc sống ngày nay hiện đại, đầy đủ tiện nghi, bữa cơm thường ngày hơn hẳn ngày xưa nhưng có chắc tìm được cái không khí chan hòa, ấm áp của những bữa cơm đạm bạc thời còn nhà tranh vách lá. Và đặc biệt nơi ấy vẫn còn cha má cạnh bên. Hương vị khô quê là vậy, mộc mạc, bình dị nhưng lại thấm rất sâu vào tâm trí của người dân đồng ruộng quê tôi.
Món ăn tuy giản đơn lại tinh tế, cái hồn của người dân Đồng Tháp Mười vốn hiền hòa, mến khách. Khiến ai xa quê hương cũng thấy thương thấy nhớ cùng với hình ảnh quê cha đất tổ mà chúng ta gọi chung hai tiếng “Quê nhà”.
Càng gần má tôi càng thương nhiều hơn. Ký ức tuổi thơ trong tôi lại hiện về rõ mồn một. Nhớ những lần hai má con vác cuốc ra đồng thăm lúa trổ đồng đồng, làm rẫy, bắt cá về làm khô. Đem những hạt giống rau cải ra ruộng cuốc lỗ, gieo hạt. Qua vài ngày, những mầm xanh bé xíu non tơ nhú lên từ đất phù sa màu mỡ, lòng tôi xao động, vui mừng khôn tả xiết. Mơ về sự hồi sinh mãnh liệt từ cây trái, vụ lúa mùa màng được bội thu. Để người nông dân tay lắm chân bùn, ngày ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời được phấn khởi, hân hoan trong niềm vui đầu năm.
Rồi bâng khuâng nghĩ ngợi, không biết mình còn bao nhiêu năm được ở bên má cùng má làm những con cá khô ngon “ứa nước miếng” như thế này.
Những ngày tôi về thăm má, thăm quê. Lúc nào, má tôi cũng làm nhiều việc nhưng không bao giờ quên nấu cho cả nhà những món ăn ngon. Cả nhà quây quần bên vỉ khô nướng, khô chiên thơm nức mũi cùng chén cơm trắng thơm lừng mùi lúa mới. Má lúc nào cũng ép tôi ăn no căng bụng vì má nói “Về Sài Gòn, bây chẳng có đâu mà ăn”.
Một vụ mùa lúa mới đang về. Hương vị khô quê thoang thoảng đâu đây bên chái bếp hiên sau. Tôi lại được về bên má, được má gội đầu bằng trái bồ kết thơm mùi da diết, được ngồi bên cửa sổ nghe đàn chim hót ríu ran, được ra đồng cùng má, được ăn những món má nấu đậm đà hương vị tình quê.
DIỆP LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin