Dẫu bao năm qua đi, dẫu hiện tại công việc đã khác nhưng trong tôi, cái gốc nông dân tay lấm chân bùn vẫn sóng sánh đặc vị. Nhất là mỗi khi qua phà về quê, sông nước cuộn dâng, gió xoáy tung tứ phía, lại nhớ về chiếc ghe con mà cha mẹ chở những đôi chiếu vượt sông, bán khắp chợ, mang tiền nuôi đàn con nhỏ.
(VLO) Dẫu bao năm qua đi, dẫu hiện tại công việc đã khác nhưng trong tôi, cái gốc nông dân tay lấm chân bùn vẫn sóng sánh đặc vị. Nhất là mỗi khi qua phà về quê, sông nước cuộn dâng, gió xoáy tung tứ phía, lại nhớ về chiếc ghe con mà cha mẹ chở những đôi chiếu vượt sông, bán khắp chợ, mang tiền nuôi đàn con nhỏ.
Các bạn trẻ ngày nay đến với miền vườn sông nước là để khám phá, trải nghiệm, thư giãn. Còn với tôi của ngày xưa, sông để bắt cá, bắt ốc, nước để múc thùng tưới cây nóng xè hơi đất, nói khác hơn, là cặm cụi kiếm sống theo gia đình.
Một trong các công đoạn với cây lác- xe lõi lác- ở xã Trung Thành Đông, Vũng Liêm (ảnh chụp trước dịch COVID-19). |
Có lần tôi đi công tác một cơ quan ở Vũng Tàu, họ có mô hình dệt chiếu. Tôi hứng chí xin vào dệt thử. Nói là thử cho biết nhưng nghề đó tôi không rành sao được. Cứ thế dệt đều tay trong sự thán phục của mọi người.
Cây lác, sợi trân là nguyên liệu chính để dệt thành chiếu. Ngày nay dệt bằng máy, thuở xưa cần hai người dệt tay. Một ngày cố gắng lắm cũng chỉ dệt được ba đôi hoặc bảy chiếc chiếu.
Hồi đó nhà tôi dệt từ sáng đến tối, không hề có giấc ngủ trưa. Người trong nghề đùa nhau rằng cái nghề này khổ, suốt năm tháng chỉ ngồi một khúm, không vượt ra được ngoài khung dệt.
Thuở đó, thương lái đến nhà mua chiếu nhưng giá rẻ. Trừ hết chi phí, thu về không được bao nhiêu. Cha mẹ tôi nghe nói miệt bên kia sông Cổ Chiên có nhiều vựa chiếu, bán được giá hơn. Thế là cha mẹ bàn nhau sửa sang lại cái ghe con làm phương tiện buôn bán.
Đầu tiên lấy chiếu nhà dệt, chở bán thử vài chục đôi, thấy cũng được lời, cha mẹ mừng lắm. Tầm ba giờ sáng, mẹ đã thức dậy, lui cui bếp củi nấu cơm. Giờ nhớ lại xót cha thương mẹ quá.
Trong khi người ta ngồi quán ăn ngon, uống nước ngọt thì cha mẹ nấu nồi cơm đem theo, dúi mớ cá mắm, chòng chành trên ghe ăn cho đỡ tốn tiền.
Có miền nhớ miên man nương theo làn xúc cảm gập sóng, chạm sâu vào tâm tình những đứa con xa quê, lớn lên bằng nghề dệt chiếu (ảnh chụp trước dịch COVID-19). |
Khi đã có mối bán, cha mẹ hỏi mua chiếu của bà con hàng xóm để chở bán kiếm thêm. Hồi tôi còn nhỏ, học cỡ lớp 6, là đã biết dệt chiếu và theo mẹ vác chiếu.
Chiếu khổ nhỏ còn đỡ, chứ chiếu khổ lớn thì tôi đội trên đầu cả bốn, năm đôi chiếu, ê cả óc, bước đi nặng trịch, có lúc mất sức, quệt cả hai đầu chiếu xuống đất.
Ở nhà dệt chiếu, nghe gió thổi hù hụ mé sông, chị tôi chạy lên bàn thờ phật và tổ tiên, đốt nhang khấn vái, cầu mong ghe chiếu của cha mẹ bình an về tới nhà.
Bởi sóng to gió lớn mà chiếc ghe thì nhỏ xíu. Có hôm mưa ào ạt tối trời sẫm đất, cha giữ chặt máy cô le, mẹ trùm miếng cao su run lạnh, một tay chực cầm cây dầm để phụ ba mỗi khi tấp bến hay dạt đám lục bình, tay còn lại chiếu đèn pin để ghe tàu khác họ thấy mà tránh.
Cha mẹ bước vào nhà với lướt thướt nước mưa, gói ghém chút tiền bán chiếu cất kỹ vào tủ. Lấy ra vài cái bánh cho lũ con vui mừng vừa ăn vừa liên tay dệt chiếu.
Chiếc phà to đùng chở xe tải, xe máy và mọi người trên bước đường mưu sinh vẫn có cảm giác nhỏ bé giữa dòng Cổ Chiên rộng sóng mở gió.
Có chiếc ghe chiếu con con chở đầy tình thương của cha mẹ, như một chấm nhỏ xíu giữa miền nhớ miên man, lại âm ỉ nương theo làn xúc cảm gập sóng, chạm sâu vào tâm tình những đứa con xa quê, lớn lên bằng nghề dệt chiếu.
Bài, ảnh: THÁI LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin