Bồi lở những bến sông

05:03, 27/03/2022

Gọi bến sông bởi vì đó là nơi nhiều người tập hợp lại tắm, giặt, gánh nước… đó luôn là những bãi sông lài, người ta thường hay bắc những cây cầu dài, thuận tiện việc lên xuống, neo đậu xuồng ghe. Vậy nên, bến sông cũng có nhiều kỷ niệm, nhiều hình ảnh gắn liền với một ai đó thật dài lâu, dù theo thời gian con sông luôn đổi thay dòng chảy làm nên sự tuần hoàn bồi lở những bến sông.

 

 Cà phê, trà sớm bên bờ sông đã bắt đầu bồi lắng, sau hơn 30 năm sạt lở.
Cà phê, trà sớm bên bờ sông đã bắt đầu bồi lắng, sau hơn 30 năm sạt lở.

Gọi bến sông bởi vì đó là nơi nhiều người tập hợp lại tắm, giặt, gánh nước… đó luôn là những bãi sông lài, người ta thường hay bắc những cây cầu dài, thuận tiện việc lên xuống, neo đậu xuồng ghe. Vậy nên, bến sông cũng có nhiều kỷ niệm, nhiều hình ảnh gắn liền với một ai đó thật dài lâu, dù theo thời gian con sông luôn đổi thay dòng chảy làm nên sự tuần hoàn bồi lở những bến sông.

Nông thôn hồi xưa, gần như sáng chiều mỗi ngày người ta đều có những sinh hoạt gắn liền với bến sông. Bởi lẽ tất cả nguồn nước sử dụng trong ngày đều lấy từ dòng sông bên nhà. Cho nên ở xứ đồng bằng này, ngoại trừ miệt thứ, vùng ven biển, còn lại hình thành nên văn hóa “cận giang”, không ai đi cất nhà cách xa dòng nước, con sông cả. Và thường theo cái kinh nghiệm: “Cất nhà chọn chỗ đất bồi ven sông”.

Nhưng có bao giờ một bến sông bồi mãi, hay là bến sông cứ lở mãi hay không? Luôn luôn là sự tuần hoàn bồi lở sẽ được lặp đi, lặp lại theo chu kỳ 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Có những trường hợp đặc biệt, như một số nơi phía trên đầu nguồn, sau khi đất bồi thì hình thành nên một cù lao mới tạo nên nhánh sông nhỏ, dân gian gọi là “hàm rồng” và cù lao có thể bồi lắng kéo dài ra hàng chục cây số và trải qua gần nửa thế kỷ nay chưa bao giờ lở, như cù lao Hòa Bình, cù lao Phú An… thuộc sông Tiền chảy qua địa phận tỉnh An Giang. Người xưa có niềm tin, khi bến sông nổi lên “hàm rồng” thì dân chúng sẽ giàu đến mấy đời, cũng là có lý do, bởi con cháu cứ tiếp tục an cư trên vạt đất cứ bồi dài thêm mãi.

Mà lạ lùng thiệt, đây là những nơi hồi xưa cá nược hay dân gian còn gọi “ông Nược” thường kéo bầy nổi lên đùa giỡn rộn ràng cả khúc sông. Rồi những huyền thoại về dòng sông cũng mất đi, khi văn hóa tín ngưỡng về sự linh thiêng của sông nước không còn nữa, người dân ngày nay càng giàu có sung túc nhà cửa hơn, nhưng thật sự văn hóa đã nghèo đi nhiều lắm. Và chính con người cũng đang trả giá cho những gì mình đang sống ngược lại quy luật của xứ đặc thù sông nước này.

Ngay ngã ba sông Vàm Nao nơi tiếp giáp giữa “đuôi” cù lao huyện Phú Tân và “đầu” cù lao Chợ Mới (cù lao Ông Chưởng), ngày xưa được gọi là “Sông sâu nước chảy vòng cầu”, ai ngang qua đây cũng lo sợ và thường hình thành những “hàm ếch” rất lớn dọc bờ sông. Đó cũng chính là nơi trú ngụ của các loại cá khủng về quậy ổ nằm vùng. Những nơi như vậy, đâu ai dám cất nhà kiên cố ven sông. Nhà cửa sầm uất phát triển sát mé nước sau chu kỳ bồi đắp mấy mươi năm, thì giờ đây đến lúc nó phải sạt lở thôi. Thay vì mỗi nơi sạt lở vậy phải tốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng kè sông, rồi tốn tiền làm những đoạn đường tránh, thì nên nghĩ đến một “vùng đệm” phi kiên cố nhà cửa mà sống hòa thuận với dòng sông.

Bến sông nhà anh em chúng tôi đang ngồi đây, cách nơi sạt lở Vàm Nao không xa, thì cũng tuân theo cái quy luật đó thôi. Hồi đời ông bà, thì phải đi gánh nước xa mấy trăm mét vì đất bồi ra, rồi trồng mía, trồng xoài, trồng tre… đủ thứ thành những khu vườn, miếng rẫy sau nhà. Nhưng rồi khi chúng tôi còn nhỏ lại thấy đất bắt đầu sạt lở bứt hết cho gần tới sát sàn nước. Giờ đây, thì bến sông bắt đầu bồi lắng trở lại và rồi lại cất tiếp những dãy nhà phụ cho anh em, con cháu lâu lâu về tập hợp có chỗ ở rộng rãi, vừa ăn uống, vừa ngắm sông. Nói thì nghe đơn giản, nhưng phải đâu ai cũng thuận theo cái lẽ bồi lở của bến sông để có được sự an cư bền vững lâu đời. Nói theo cái kiểu “không phải phập phồng sống trên miệng bà thủy”.

Quy luật của những dòng sông có những đổi thay lớn, cũng là do có phần tác động của con người tạo nên. Những bất thường nơi hạ nguồn, cũng vì sự xây dựng “bạo ngược” nơi đầu nguồn. Rồi những công trình, nhà cửa, sự nắn dòng, ngăn dòng trải khắp đồng bằng, khác nào hành động “bóp nghẹt” những dòng chảy tự nhiên, góp phần sự biến đổi khí hậu càng diễn ra nhanh chóng, càng cực đoan hơn.

Sức mạnh của kinh tế, sức mạnh của khoa học là để phục vụ con người, nó luôn cần có chỗ dựa của nền tảng văn hóa, để không tạo nên những tác hại ngược cho chính con người.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh