Xóm mứt vào mùa Tết

10:01, 05/01/2022

Thời điểm này, không khí làm mứt Tết khá nhộn nhịp. Trong nhà, ngoài sân… nhiều người quay quần với các công đoạn làm mứt me, mứt chùm ruột, mứt mãng cầu.

 

Các hộ ở Khóm 2 (phường Cái Vồn- TX Bình Minh) tất bật với các công đoạn làm mứt Tết.
Các hộ ở Khóm 2 (phường Cái Vồn- TX Bình Minh) tất bật với các công đoạn làm mứt Tết.

(VLO) Đường vào xóm mứt ở Khóm 2 (phường Cái Vồn- TX Bình Minh) sáng trưng với đường đan kết hợp cống thoát nước đã hoàn thành, hoa được trồng điểm xuyết hai bên thay cho hình ảnh kinh Rạch Gai rác ứ đọng ngày nào.

Thời điểm này, không khí làm mứt Tết khá nhộn nhịp. Trong nhà, ngoài sân… nhiều người quay quần với các công đoạn làm mứt me, mứt chùm ruột, mứt mãng cầu.

Các hộ làm mứt ở Khóm 2 cho biết, mùa mứt hàng năm bắt đầu từ khoảng tháng 9 âl đến Tết. Đem mâm mứt chùm ruột đỏ tươi bắt mắt cho chúng tôi xem, chị Huỳnh Thị Kiều Trâm cho biết, chùm ruột phải chọn trái to, tươi, không bị giập, bị sâu và người làm mứt phải có tay nghề mới sên ra được mứt ngon và đẹp mắt.

Năm nào cũng vậy, trước khi vào vụ làm mứt là vợ chồng chị Trâm đến các vườn tìm những cây me, cây chùm ruột có trái ngon để đặt cọc. Đến tháng 9 âl, khi những loại trái cây này đủ độ ngon thì anh chị đến thu hoạch về làm mứt.

Theo chị Trâm, mỗi cây me giá 500.000- 1.000.000đ, còn mua ký thì 7.000- 10.000 đ/kg. Để làm mứt me ngon, “tiêu chí” là lựa cây me có trái tròn ú. Trái me được hái khi còn xanh, vỏ rám, còn nguyên cuống xanh và lá…

Còn mứt mãng cầu thì “làm từ trái mãng cầu xiêm là ngon nhất vì giúp món mứt dẻo thơm. Chứ chọn nhầm mãng cầu bình bát là thua”- chị Trâm cười tươi nói.

Theo đó, chị thường chọn những trái mãng cầu xiêm có màu xanh ngả vàng nhạt, lớp vỏ căng bóng, các mắt gai to, mềm và khoảng cách giữa các gai rộng.

Chị Trâm cũng cho biết, làm mứt mãng cầu thường mất ký vì phải lấy vải bồng chắt nước ra, nếu không chắt nước mứt sẽ bị vàng, không đẹp.

Vừa nói tay vừa thoăn thoắt chà chùm ruột, chị xởi lởi: Tui chà hơn chục ký từ 10 giờ trưa tới giờ là khoảng 5 tiếng rồi. Công đoạn này mất thời gian nhưng cần thiết giúp khi sên mứt sẽ ngon và chắc trái hơn so với để đông lạnh rồi rã đông và chắt nước chua”.

Chị Trâm với mâm mứt chùm ruột lên màu bắt mắt, chuẩn bị ra chợ Tết.
Chị Trâm với mâm mứt chùm ruột lên màu bắt mắt, chuẩn bị ra chợ Tết.

Vợ chồng chị Trâm có 5 đứa con trai còn nhỏ, cuộc sống khá chật vật. Căn nhà chị ở hiện tại được Nhà nước và người thân hỗ trợ xây cất. Ngày thường chị làm đủ loại bánh để bán như: bánh lá, bánh bò, bánh ướt, bánh da lợn, bánh ít trần…

Còn đến mùa Tết là vợ chồng chị lại hối hả làm mứt và chủ yếu “lấy công làm lời, kiếm được 5- 6 triệu đồng sắm sửa trong gia đình và mua đồ Tết cho tụi nhỏ”.

Tết năm nay, chị Trâm chuẩn bị khoảng 200kg mứt me, còn mứt chùm ruột và mãng cầu thì mỗi thứ vài chục ký, chủ yếu là bỏ mối cho người quen ở bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ) và một số hộ lân cận.

Nhanh tay quấn bao bì cho mứt me, dì Nguyễn Kim Thanh cho biết: Mỗi công đoạn tách vỏ, tách hột, quấn mứt được trả công 8.000- 10.000 đ/kg.

Là người trong xóm mứt nên dì vanh vách cách làm mứt ngon từ khâu “chọn trái có hột ửng ửng chứ me non sên mứt sẽ bị rã, còn me già quá thì bị dốt”.

Làm mứt me cũng mất khá nhiều thời gian với các công đoạn sơ chế, ngâm muối, tách hột, nấu me rồi phơi... Phơi thì tranh thủ nắng sáng, nắng trưa để giúp mau ráo đường, lên màu đẹp.

Cũng theo dì Thanh, mùa me rơi vào thời điểm cận Tết nên người muốn làm mứt tất bật mua me đem về từ tháng 9 âl, đến tháng 11 thì me dốt nhiều nên không mua nữa.

Chị Lê Hồng Chi- con gái dì Thanh cho biết, thời gian trước chị làm công nhân nhưng do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên đã tạm nghỉ. Từ giữa tháng 9 âl đến nay chị phụ làm mứt, chị quấn được khoảng 30- 40kg mứt me/ngày.

Cả nhà xúm xít bên mâm mứt chùm ruột, chị Huỳnh Thị Kiều Oanh cho biết, cả nhà 3 người đã quấn được 5kg mứt. Ngày thường, chị Oanh mua bán bánh.

Tuy nhiên, năm nào tới vụ mứt là cũng xoay qua làm mứt cho “có không khí Tết”. Anh Đào Nhựt- chồng chị Oanh tiếp lời, nghề này là cha truyền con nối nhiều năm rồi. Nói chung, thu nhập cũng tương đương bán bánh nhưng vui vì làm mứt như mừng Tết, bắt tay vô làm là sắp đón năm mới tới.

Anh Nhựt cho biết thêm, mấy năm trước, cận Tết là nhà nhà làm mứt rôm rả lắm. Năm nay do dịch ảnh hưởng nên số hộ làm mứt giảm, có hộ chuyển qua gia công cho hộ khác. Tuy nhiên, ngoài làm để bán thì còn để biếu Tết cho bà con thân thuộc ăn lấy thảo. Do đó, không khí làm mứt Tết vẫn khá nhộn nhịp.

Theo ông Lê Văn Hoạch- Bí thư kiêm Trưởng Khóm 2, khoảng năm 2019 có khoảng 20 hộ làm mứt. Năm nay, do lo ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 sức mua giảm nên chỉ khoảng 13 hộ làm mứt, sản lượng cũng giảm hơn. Tuy nhiên, cũng theo ông Hoạch, xóm mứt Tết đã hình thành nhiều năm, cứ tới gần Tết là các hộ lại tất bật, quây quần làm mứt, phơi mứt, đóng gói thành phẩm chuyển đi các nơi. Qua đó, tạo nét Tết tươi vui, quen thuộc giữa lòng đô thị.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh