Tạm rời phố thị tấp nập, chúng tôi đến với "thủ phủ" mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ). Trời xanh trong, nắng vàng dịu nhẹ, không khí đất cù lao mát mẻ, trong lành mang đến cảm giác bình yên. Vài hoa mai nở sớm báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Tạm gác những lo toan, chúng tôi đi giữa tầng tầng lớp lớp những vườn mai để cảm nhận đất trời đang đón Tết.
Cây mai gần gũi, mang lại giá trị kinh tế và giá trị tinh thần cho đời sống người dân làng mai. |
Tạm rời phố thị tấp nập, chúng tôi đến với “thủ phủ” mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ). Trời xanh trong, nắng vàng dịu nhẹ, không khí đất cù lao mát mẻ, trong lành mang đến cảm giác bình yên. Vài hoa mai nở sớm báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Tạm gác những lo toan, chúng tôi đi giữa tầng tầng lớp lớp những vườn mai để cảm nhận đất trời đang đón Tết.
Bon bon vào làng mai
Làng mai hôm nay đường đan 3m phẳng phiu, xe tải, xe cẩu có thể bon bon vào chuyên chở mai vàng.
Nối nghiệp cha trồng mai hơn 50 năm, hiện ông Hồ Văn Sửng (ở ấp Phước Định 2) có hơn 20 gốc mai trồng quanh nhà. Chỉ vào mấy cây mai cao lớn trước nhà, ông Sửng nói: Khách muốn mua mai lớn như vầy thì tới tận vườn và cần có xe tải chuyên chở. Vì vậy, tuyến đường được đầu tư nâng cấp, mở rộng đã mở ra cơ hội làm ăn cho ông và những hộ trên tuyến đường này.
Một hộ dân khác cho biết, trước đây, muốn bán mai phải chở ra QL57. Giờ có đường rộng, khách hàng rất thích khi được ra tận vườn chọn cho mình cây mai ưng ý, xe đến tận nơi để chở mai lớn đi khắp các tỉnh, thành phố.
Ông Trần Minh Cảnh- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước cho biết, theo nghị quyết của Huyện ủy Long Hồ, giai đoạn 2020- 2025 sẽ đầu tư hệ thống đường liên xóm rộng 2,5m. Đảng ủy xã Bình Hòa Phước đã đột phá đề ra nghị quyết làm đường đan 3m tại ấp Phước Định 2 (dài 1,5km) từ nguồn huy động sức dân và vốn đối ứng của huyện.
Đây là tuyến đường đầu tiên của huyện được thiết kế mặt đan rộng 3m, đi qua nhà 300 hộ dân, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng mai vàng. Tuyến đường được đầu tư đã tạo thuận lợi cho việc vận chuyển những cây mai lớn, giá trị cao, cùng các loại trái cây, hàng hóa… Bên cạnh, khách đến làng mai tham quan có thể đi xe 4 bánh dễ dàng, thuận tiện hơn.
Ông Cảnh cho biết thêm, chính nhờ chủ trương hợp ý Đảng lòng dân nên nhận được sự đồng tình rất lớn của người dân. Tổng kinh phí xây đường 1,8 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ 700 triệu đồng, phần còn lại từ nguồn huy động sức dân, xã hội hóa.
Những chuyện vui nho nhỏ
Đang ngồi vắt vẻo trên ghế cao để chăm chút cây mai cao lớn trước sân nhà, gặp chúng tôi đến, ông Tiêu Hùng Minh (ở ấp Phước Định 2) vui vẻ mời vào nhà, kể chuyện về mai. Ông Minh cho biết, ở đây ai cũng có tình cảm với cây mai.
Từ những cụ tuổi trên 80 không còn sức leo trèo, uốn tỉa nhưng vẫn ra thăm mai mỗi ngày để “cố vấn” cho lớp trẻ, đến những em nhỏ mới học cấp hai đi học về là mê mải chạy ra góc mai tập tành tạo dáng hay cánh phụ nữ cũng rất rành.
Do đó, đi tới đâu trong làng cũng nghe rôm rả những câu chuyện kể về mai và hoa kiểng. Trong đó, có những “phi vụ” bán mai thu về tiền tỷ như đợt các doanh nghiệp lớn ở miền Trung, Bình Dương… về mua số lượng lớn, mà chỉ chọn những cây từ 70- 80 đến hơn 100 triệu/cây để mua.
Ông Minh cũng cho biết thêm, sau giãn cách xa hội (từ 1/10) đến nay, đã bán 2 cây mai, được 130 triệu đồng. Cây mai vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa mang lại giá trị tinh thần. Nhiều người chăm sóc, uốn tỉa mai đã là nghệ nhân. Việc uốn tỉa mai cho ra dáng đẹp, hoa đẹp giống như sáng tác, chăm chút tác phẩm nghệ thuật.
“Nói chung là vừa có tình cảm, vừa sống đúng đam mê, tiếp cận cái đẹp… nên tinh thần thoải mái, gia đình đầm ấm, lớp trẻ lo làm mai, lánh xa tệ nạn”- chú Minh xởi lởi.
Ông Lê Văn Tý- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Mai vàng Phước Định cho biết, năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID- 19, số hộ và số lượng mai chuẩn bị tham gia chợ hoa kiểng Tết đều giảm so năm rồi do lo lắng sức mua ở chợ giảm. Tuy nhiên, bên cạnh đem mai trung và mini ra chợ thì các hộ chủ yếu bán mai cỡ lớn tại vườn.
“Mọi năm, khi bắt đầu lảy lá, thấy nụ nhiều thì khách đến mua nhiều. Lối rằm tháng Chạp là bán đông ken đến Tết Nguyên đán. Năm nay thì từ sau giãn cách đến nay, nhiều hộ đã bán được mai, có hộ bán được 1,8 tỷ đồng. Mong dịch bệnh được kiểm soát tốt để mua bán thuận lợi”.
Chỉ vào cây mai trước nhà, ông Tý cho biết, năm rồi giá bán khoảng 40 triệu đồng, năm nay đã lên 100 triệu đồng. Theo ông, chọn góc khéo, chân đế đẹp thì bán được giá cao. Ở đây nhà nhà trồng mai, người trồng nhiều nhất khoảng 1.000m2, người ít đất tận dụng diện tích để trồng, bán được một vài cây mai là ăn Tết ấm. Nói chung, chính nhờ cây mai mà đời sống người dân ngày càng ổn định và sung túc.
Chính vì lợi ích kinh tế quá sức đặc biệt nên ban đầu, có những hộ đến với nghề trồng mai vì kinh tế, nhưng qua thời gian càng làm càng cảm nhận được sự độc đáo nên “mê”. Hiện hầu như nhà nào trong làng nghề cũng người trẻ nối nghiệp. Ngoài noi theo cách làm của người đi trước, họ còn tìm tòi, cập nhật cái mới... Trong đó, có những người trẻ hiện đã là triệu phú, tỷ phú.
Hộ ở làng mai chăm sóc mai vàng. |
Ông Cảnh cho hay, làng mai vàng Phước Định là làng nghề truyền thống của địa phương, việc thành lập hợp tác xã nhằm nâng cao hơn nữa về thương hiệu, uy tín sản phẩm… Về tư cách pháp nhân, hợp tác xã sẽ có thêm nhiều người biết tới, đồng thời được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ vốn, máy móc, cơ sở vật chất…
Thời gian tới, huyện chọn ấp Phước Định 2 xây ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện đã được định hướng đầu tư phát triển du lịch mai vàng tại ấp Phước Định 1 và ấp Phước Định 2 (khoảng 200ha). Theo đó, sẽ mở ra cơ hội, điều kiện cho người dân phát triển kinh tế thông qua làm du lịch và các dịch vụ khác như mua bán sản phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống…
Ông Lê Văn Tý kể câu chuyện vui: “Con trai xứ này cưới vợ nhờ có mai lo. Cứ “nuôi” cây mai rồi bán sắm vàng cưới vợ. Tôi có hai đứa cháu nội là con trai nên đã mua 2 cây mai trồng sau nhà, để lây lất đó tới cháu lớn là bán lấy tiền cưới vợ”. |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin