Chút hương vị đồng quê

08:12, 26/12/2021

Những người hàng xóm rục rịch cất nhà trong mảnh đất nhỏ được phân lô bán, lần hồi mảnh đất đó giờ cũng nhiều nóc gia rồi. Gần khu đất phân lô là miếng vườn trồng nào dừa, nào lá cách, ổi, gừng…

 

Giàn mướp vàng bông của cô Hai đã tặng những người trong xóm một chút giây phút hoài niệm cuộc sống quê.
Giàn mướp vàng bông của cô Hai đã tặng những người trong xóm một chút giây phút hoài niệm cuộc sống quê.

Những người hàng xóm rục rịch cất nhà trong mảnh đất nhỏ được phân lô bán, lần hồi mảnh đất đó giờ cũng nhiều nóc gia rồi. Gần khu đất phân lô là miếng vườn trồng nào dừa, nào lá cách, ổi, gừng…

Đó là miếng vườn của cô Hai. Chiều nào cô Hai cũng ra cắt lá cách hay nhổ mớ gừng để sáng chú Hai ra chợ bỏ mối. Những người mới dọn về ở, khi gặp cô Hai câu đầu tiên họ hay nói “Cô Hai sướng quá hà, ở thành thị mà vườn tược rộng ghê, cuộc sống y như ở quê vậy”. Họ nói thế là họ đang khát khao cuộc sống giản dị đến nao lòng, khi phải đang chạy đua với nhịp sống vội vã nơi phố thị.

Với hình ảnh giàn mướp vàng bông lung linh dưới mặt nước ao, cô Hai ngồi bên sàn nước rửa rau chuẩn bị bữa cơm chiều. Cũng chính là nét riêng rất dễ ưa của miền quê sông nước. Nhớ “Chiều chiều gọt mướp nấu canh/ Bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm” mà những bà, những mẹ hay ru những đứa trẻ lúc chúng tuổi còn nằm nôi. Và hương vị những món ăn từ mướp đã quyến rũ không ít người.

Món ăn nào có cầu kỳ gì đâu, không cần mướp xào với thịt bò mà chỉ cần mướp nấu với những loại rau mọc trong vườn thôi. Cái giàn mướp vàng bông của cô Hai đã tặng những người trong xóm một chút giây phút hoài niệm cuộc sống quê- với chút hương vị đồng quê.

Không chỉ cảnh sống giống ở quê thôi mà cách sống của cô Hai cũng làm họ nhớ cuộc sống chân quê miệt vườn. Với đôi chân hấp hải và đôi tay hằn in những nỗi vất vả, cằm mấy trái ổi, lọn cải sang nhà hàng xóm cho. Hôm thì nhà này, hôm thì nhà kế bên. Bữa thì rau cải, bữa thì mướp, đu đủ. Một người trong xóm thấy ngại hỏi, “bao nhiêu tôi gửi, chứ cái này cô Hai trồng bán mà?”.

Cô Hai liền đáp lời “cái nào bán bán, cái nào cho cho hà. Ăn đi, trả tiền là tôi giận đó”. Họ nhận trong niềm vui với cái tình của người hàng xóm. Ít hôm sau người cho cô Hai ký lạp xưởng trong con gió chướng đã thổi, người chia hai với hộp cá thát lát vừa mới mua về. Rồi cô Hai liền nhanh tay hái mớ cải xanh cho lại để về nấu canh cá thát lát.

Cách cho đó đã xuất hiện nhiều hơn trong cái xóm của họ. Nhà này cho nhà kia, nhà kia cho nhà nọ. Cái sự cho của cô Hai giúp các nhà trong xóm ngày càng gần nhau hơn.

Bài, ảnh: MAI KHA

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh