Thợ xây trong thành phố

10:11, 28/11/2021

Khi hàng quán đóng cửa hoặc chỉ bán mang đi, những người thợ xây dọn bữa trưa ngay trên công trình, lề đường. Bữa cơm đúng nghĩa bụi bặm giữa mù mịt bụi đường, pitton, gạch đá nham nhở…

 

Khi hàng quán đóng cửa hoặc chỉ bán mang đi, những người thợ xây dọn bữa trưa ngay trên công trình, lề đường. Bữa cơm đúng nghĩa bụi bặm giữa mù mịt bụi đường, pitton, gạch đá nham nhở…

Vợ chồng anh Trung dỡ cơm từ cái cà mèn. Bữa cơm có tép rang, trái dưa leo, đu đủ mỏ vịt nấu canh bày lên tấm cốp pha kê tạm dưới bóng cây, vui vẻ ăn cùng nhau. “Chủ yếu no là chính”- anh Trung bảo, nhiều bữa chị nấu ngon lắm, nhưng cơm canh nguội ngắt lại ăn vội ăn vàng nên không cảm được… Đành thôi, cơm bụi sao bằng ở nhà, mà có được việc làm đã là may rồi.

Hơn 2 tháng ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, gia đình không có nguồn thu nào, nhưng vẫn phải xài đủ thứ. Cơm gạo, mắm muối, sữa cho con nhỏ, điện thoại thông minh cho con lớn học trực tuyến… các khoản chi tiêu cứ ăn mòn vào túi tiền để dành. Có việc làm trở lại, anh chở chị trên chiếc xe máy cũ từ Mang Thít lên thành phố mỗi ngày đi về hơn 40 cây số.

Anh là thợ xây, chị làm công việc lặt vặt trộn hồ, xúc cát, bưng gạch, cắt sắt… Nơi công trình người ta kêu “chị cu li ơi…” để sai việc, nghe hơi ngộ ngộ, mà quen tai rồi. Cũng như đã quen với công việc nhọc nhằn. Nhưng nếu ai đó tỏ ra thương cảm, chị chỉ cười trừ “ở quê tui vác bao lúa hai giạ chạy te te, mấy thứ này đâu nhằm nhò gì!”.

Anh chỉ lặng lẽ nhìn chị mà thương, “nhiều đêm bả về nhức mình mẩy không ngủ được”, anh biểu ở nhà với con thì chỉ nhận cái khoác tay “hông được, em đi làm với anh, thêm tiền lo cho con”…

Người đàn ông ra ngoài đi làm rồi về nhà sẵn cơm nước ăn, còn đàn bà đi làm về nhà có biết bao việc không tên chờ đợi. Chăm sóc con cái, nấu nướng, dọn dẹp tới khuya và tờ mờ sáng đã thức dậy lo cơm nước cho chồng mang theo đi làm, sẵn phần cho con ở nhà có cái ăn… Cực nhọc, nhưng thời buổi dịch dã, có việc ngày nào phải ráng sức ngày đó.

Bình thường người ta giải trí, vận động, ăn uống… ở ngoài nơi công cộng. Thời gian dịch bệnh, người ta ở nhà nhiều hơn và dồn nén nhiều thứ vào trong cái nhà mình: ăn uống tại nhà, làm việc tại nhà, giải trí tại nhà,…

Nhà ở đô thị nhỏ hẹp, mọi hoạt động của cha mẹ, con cái đụng nhau chan chát, mới phát sinh đủ mọi nhu cầu sửa sang. Nhà cần “bóp” nhỏ lại căn bếp, xây thêm phòng vệ sinh. Nhà yêu cầu mở phòng khách tích hợp làm việc, học hành, xem ti vi, đọc sách, tập thể dục. Nhà nâng cấp phòng ngủ vì thời gian… ngủ nhiều hơn.

Nhà thiết kế giàn treo lan, mảnh vườn trồng hoa kiểng… khiến những người thợ xây xoay như chong chóng. Công trình nhà này chưa xong đã gối giàn giáo qua nhà khác, dù sửa chữa cái sân vườn nhỏ xíu người ta cũng “coi ngày giờ đẹp”, đành chiều lòng chủ nhà xây trước vài cục gạch rồi để đó…

Người thợ xây cũng lắm nỗi niềm. Như anh Thảo, luôn miệng “tui là thợ sơn số 1 ở Vĩnh Long à. Tui lăn tường nhà láng mịn phải biết, con thằn lằn leo lên cũng rớt nhen”. Khoác lác vui vậy thôi, chớ cái nhà của anh xây 3 năm chưa tô được, cửa chính cũng chỉ gán hờ mấy tấm ván.

Cha mẹ cho vợ chồng anh cục đất ra riêng, cả chục năm làm thợ xây mới đổ được dàn móng, dựng cột, lót nền, tường nhà lâu lâu có tiền xây dần kiểu như kiến tha lâu đầy tổ. Mấy tháng nghỉ dịch đã định làm cho xong, nhưng lại… thiếu tiền mua vật tư. Anh nói thợ xây như anh làm ngày ba bốn trăm ngàn nhưng “một người làm lo đến bốn năm miệng ăn thì để dành đường nào!”, nên bữa nào có việc làm là mừng bữa đó!

Những người thợ xây trong thành phố góp tay làm nên những con đường mới, ngôi nhà khang trang và từ đó họ cũng đang dựng xây tổ ấm của riêng mình!

AN HƯƠNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh