Càng bận rộn chạy đua theo nhịp sống tất bật, chắc hẳn con người lại càng mong muốn hòa mình cùng thiên nhiên để rũ bỏ mọi lo toan, bộn bề, tận hưởng muôn sắc màu trong lành, thanh khiết.
Khổ qua rừng- vị đắng nhưng thơm ngọt nghĩa tình. |
Càng bận rộn chạy đua theo nhịp sống tất bật, chắc hẳn con người lại càng mong muốn hòa mình cùng thiên nhiên để rũ bỏ mọi lo toan, bộn bề, tận hưởng muôn sắc màu trong lành, thanh khiết. Cảm nhận cỏ cây, hoa lá bằng tất cả giác quan, nâng niu như trân trọng từng hơi thở. Dạo vườn nhà quệt tay vào đường gân hoa chuối thẫm đỏ, ngó xem chậu lưỡi hổ đã mọc mấy con xinh... hoặc an yên ngắm dây khổ qua rừng giăng trên mắc lưới mà lại nghe ngọt tình, ngọt nghĩa đồng quê.
Khổ qua rừng là một loại dây leo, thuộc họ bầu bí. Phiến lá hình răng cưa, mọc so le nhau. Trái khá nhỏ, màu xanh, khi chín thì ngả vàng. Tên là khổ qua rừng do chúng hay mọc ở vùng núi cao, trung du, cái tên ấy về đến đồng bằng tạo một nét riêng, ngỡ xa xôi mà thân thuộc biết mấy. Sau giờ làm việc, tôi thích nhất là ngắm dây khổ qua rừng tủa nhánh. Nựng từng trái non treo mỏng mảnh mà như nghe giòn đắng nơi đầu lưỡi. Kia điểm hoa vàng lao xao trên nền lá xanh mướt, phơn phớt đến ngại chạm tay! Dây bé thế mà sức sống dẻo dai, đọt non cuộn tròn tỏa khắp. Giận những con ốc sên bám ăn lá, tôi săm soi “dời” chúng đi, thế mới an lòng.
Thỉnh thoảng, tôi ới gọi chị hàng xóm đem rổ sang để ngắt trái ngon, lá nõn, đọt giòn về chế biến bữa cơm gia đình. Rổ khổ qua rừng ăm ắp dậy mùi hương đậm đà của đất, nước và tình làng nghĩa xóm. Bởi sẻ chia nhau từng ngọn rau, trái cà, thớ thịt,... mới trọn vẹn hết tấm lòng thơm thảo! Gió lay nhè nhẹ, gói hương khổ qua rừng man mát vào làn tóc em nhỏ bay bay trong ráng chiều, lại thấy yêu thêm quê mình làm sao!
Lần đầu tiên nếm thử bát canh khổ qua rừng nóng hổi, vừa trái vừa lá do mẹ nấu, tôi nhăn mặt, chun mũi vì đắng quá! Vậy mà giờ thành nghiện hương vị đắng đặc trưng ấy mới lạ chứ. Đắng đó, lại giòn ngay, hương nồng nồng và rồi dìu dịu đến ngon thật ngon. Cứ thế hết canh, đến xào, đến chấm mắm đồng, chấm cá kho, luộc, dùng chung với lẩu... đi vào thực đơn của tôi tự lúc nào và vẫn luôn nhớ lời mẹ dặn nấu sao cho vừa chín, đừng để mềm quá mất chất bổ dưỡng!
Nghe mẹ nói khổ qua rừng nhiều công dụng lắm: giải nhiệt, lợi tiêu hóa, chống viêm, bổ huyết... Tôi làm gì quan tâm nhiều đến thế, chỉ thích nhất là hương vị ấy không lẫn vào đâu được, đắng nồng mà tinh khiết vì là loại rau sạch. Yêu mến loài dây leo thanh thoát ấy với tên gọi “khổ qua”. Tức là mọi nỗi khổ, niềm đau giữa bộn bề đại dịch hãy bay biến, qua đi, mang lại nụ cười, hạnh phúc của tình người ấm áp.
Sum họp bên mâm cơm gia đình, điểm xuyết dĩa khổ qua rừng xào tỏi thơm phức mũi, thưởng thức vị đắng nồng ngan ngát, bỗng nghe ngọt lắm- vị ngọt của tình thân!
Bài, ảnh: THÁI LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin