Thông tin vui cho Việt Nam khi nhân Ngày quốc tế Cà phê 1/10, Booking.com thông tin những đề xuất yêu thích từ du khách, TP Hồ Chí Minh được xếp thứ 7 trong nhóm 10 địa điểm có văn hóa cà phê đặc sắc nhất thế giới. Thức uống du nhập đã trở thành nét văn hóa thưởng thức thân thuộc, vô cùng phong phú, hấp dẫn với người Việt và tạo nét quyến rũ… không thể cưỡng với du khách quốc tế.
Ly cà phê Việt Nam vô cùng phong phú, được thưởng thức tùy theo tâm trạng, phong cách mỗi người. |
Thông tin vui cho Việt Nam khi nhân Ngày quốc tế Cà phê 1/10, Booking.com thông tin những đề xuất yêu thích từ du khách, TP Hồ Chí Minh được xếp thứ 7 trong nhóm 10 địa điểm có văn hóa cà phê đặc sắc nhất thế giới. Thức uống du nhập đã trở thành nét văn hóa thưởng thức thân thuộc, vô cùng phong phú, hấp dẫn với người Việt và tạo nét quyến rũ… không thể cưỡng với du khách quốc tế.
Từ thời còn thường xuyên có cà phê “kho”, cà phê vợt các quán cóc, bột cà phê được cho vào trong cái vợt vải ngâm trong cái siêu nấu thuốc, cho đến cái phin cà phê nhỏ giọt là một bước tiến dài của lịch sử cà phê Việt Nam. Cái thú nhẩn nha ly cà phê sớm ở quán cóc ven đường trở thành thói quen của nhiều người trong hàng mấy chục năm trời. Cũng vì quen vị cà phê, cũng vì quen cái chỗ ngồi, quen bè bạn mà người ta cứ thích một quán nào đó ở góc phố, vỉa hè mà không thích lựa chọn những quán cà phê sang trọng. Có những khách uống cà phê như giữ gìn một ký ức vậy.
Người Việt, đặc biệt “cà phê Sài Gòn” đã hình thành nét văn hóa thưởng thức cà phê vô cùng hấp dẫn. Cùng với dạng quán lâu bền với thời gian, lưu truyền qua mấy thế hệ vẫn giữ nếp xưa, giữ chân người cũ, thì ở đô thị năng động như TP Hồ Chí Minh cũng vô cùng nhạy bén, nắm bắt và đổi thay đa phong cách. Nhiều quán cà phê đã đi vào chương trình City Tour như một phần không thể thiếu và rất được du khách yêu thích. Cứ nghe cách gọi cà phê của người Việt là cả một đề tài thú vị, cũng không ít kỷ niệm cười bò lăn khi phải giải thích với khách nước ngoài về các loại hình, cách thức uống cà phê của người Việt.
Hồi đó, một nhóm anh em hướng dẫn du lịch cứ thích ngồi quán cà phê Brodard, trên đường Đồng Khởi, do tính chất công việc suốt ngày cứ ngồi đón đợi khách ở khu vực trung tâm, quán là nơi hẹn dễ nhất. Nơi đây còn lưu giữ không gian bày trí, phong cách phục vụ từ thời Pháp thuộc, sau khi tính tiền thực khách phải dằn lại đáy cốc tiền “bo”. Mà ly cà phê khá đắt, cứ tính uống 10 ly là sắm được chỉ vàng. Những quán sang khu vực trung tâm còn tăng giá tiền gấp đôi sau 18 giờ nữa chớ. Đó là cái thời Sài Gòn chưa “bùng nổ” quán cà phê, giờ thì nhiều phong cách cà phê mới ra đời, nhiều đô thị ở các tỉnh, thành đều nhanh chóng được cập nhật. Một trong những xu thế áp đảo là cà phê “sạch”, cà phê mang đi, cà phê rang xay tại chỗ. Quán cà phê theo phong cách mới không tẩm ướp, rang xay tại chỗ đầu tiên ở Vĩnh Long là trên đường Trần Đại Nghĩa, giờ thì TP Vĩnh Long mình đã có rất nhiều quán cà phê “sạch”, đủ dạng bình dân đến cao cấp. Nhu cầu ngồi quán cà phê của người Việt là rất lớn, nên đa số các quán đều có riêng nguồn khách cho mình.
Nhưng có lẽ người dành nhiều tâm huyết xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam chính là ông chủ cà phê Trung Nguyên. Người đã tạo nên chuỗi cà phê theo cách mới tại Việt Nam. Tại thủ phủ cà phê Ban Mê Thuộc (Đăk Lăk), du khách sẽ được thưởng thức ly cà phê Trung Nguyên trong không gian cao cấp và khá thơ mộng, dù giá ly cà phê khá đắt nhưng thực khách vẫn cảm thấy xứng đáng với phong cách thưởng thức cà phê rất riêng ở đây. Bên cạnh được uống ly cà phê, mọi người còn có cơ hội tìm hiểu lịch sử cà phê tại bảo tàng cà phê ở đây, đó là một khám phá khá thú vị khi được đi sâu vào thế giới của một thức uống hấp dẫn toàn cầu.
Cà phê là nhu cầu thưởng thức, nó còn là nơi gặp gỡ bạn bè và thường đi kèm thời gian ngồi lâu sau đó, nhâm nhi chung trà chuyện vãn cùng nhau. Ly cà phê Sài Gòn khi được đưa vào top 10 địa điểm hấp dẫn nhất thế giới, sẽ còn góp phần thu hút khách du lịch đến Việt Nam trong thời gian tới, đó là tín hiệu vui cho du lịch, ẩm thực Việt Nam.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin