Gian nan đường đến giảng đường

03:10, 08/10/2021

Đến Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) trong một ngày mưa rả rích, nghe, thấy những hoàn cảnh khó khăn, những giọt nước mắt làm ướt khẩu trang, chúng tôi càng nao lòng hơn. Con đường đến trường của 2 nữ sinh học giỏi ở trường này sẽ đi đến đâu khi mà những khó khăn dường như chất đầy trước mắt.

 

Cẩm Quí rưng rưng khi nói về ước mơ vào giảng đường đại học.
Cẩm Quí rưng rưng khi nói về ước mơ vào giảng đường đại học.

Đến Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) trong một ngày mưa rả rích, nghe, thấy những hoàn cảnh khó khăn, những giọt nước mắt làm ướt khẩu trang, chúng tôi càng nao lòng hơn. Con đường đến trường của 2 nữ sinh học giỏi ở trường này sẽ đi đến đâu khi mà những khó khăn dường như chất đầy trước mắt.

Cẩm Giang- “top 5” điểm thi tốt nghiệp

Phạm Thị Cẩm Giang là cái tên quen thuộc của Trường THPT Vĩnh Xuân vì là học sinh xếp thứ 4/5 học sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất tỉnh trong kỳ thi vừa qua- 53,4 điểm. Cẩm Giang còn nổi tiếng vì là học sinh 2 năm liền lớp 11 và lớp 12 là học sinh được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn và cũng là 2 năm em đạt giải học sinh giỏi Văn nhất tỉnh. Hiện tại, Cẩm Giang là tân sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội- Nhân văn TP Hồ Chí Minh ngành báo chí.

Trong căn phòng trọ khoảng 30m2, khoảng 10 năm nay là mái ấm cho 5 thành viên gia đình Cẩm Giang. Cẩm Giang cho biết: “Ba em làm thợ hồ ở TP Hồ Chí Minh, mẹ chạy bàn quán cà phê ở huyện, 2 anh trai em đều học đại học”. Phòng trọ đơn sơ với chiếc tủ quần áo không lành lặn. Cẩm Giang đang học trực tuyến bằng điện thoại trên chiếc bàn con đã sứt mẻ.

Mẹ Cẩm Giang, cô Tô Thị Mộng Thắm cũng băn khoăn không biết mời khách ngồi chỗ nào vì nhà không có ghế. Tôi ngồi bệch xuống đất, trò chuyện cùng cô, cô nói: “Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu, mà nhà tôi ăn cũng không nhiều, tiền tích cóp được cho anh em Cẩm Giang đi học hết”. Ra riêng từ 10 năm nay, vợ chồng cô Thắm ở trọ để tiền nuôi con ăn học.

Anh trai thứ 2 của Cẩm Giang vừa hoàn thành chương trình học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, anh trai thứ 3 bước vào năm cuối ngành du lịch và Cẩm Giang vừa đậu ĐH là “tài sản” của gia đình. Tuy nhiên, dịch COVID-19 làm cha Giang- người trụ cột gia đình nhiều tháng nay không có việc làm, cuộc sống ở TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn.

Cô Thắm cho hay: “Học phí của Giang thì cố gắng đóng được rồi, mai là học trực tuyến ở nhà, chứ lên Sài Gòn không biết tiền bạc tính sao. Con trai giữa nhường cho em tiền đóng học phí trước, giờ cũng đang nợ và đòi nghỉ học phụ ba mẹ hoài. Giờ lo lắng nhất của tôi là không biết tiền đâu cho con đi học tiếp”.

Hiểu những khó khăn của ba mẹ, từ nhỏ đến lớn là học sinh giỏi với điểm trung bình chung lớp 12 là 9,3 nhưng Cẩm Giang chưa học thêm một ngày nào. Để chuẩn bị cho việc học ở TP Hồ Chí Minh, Giang đã nộp hồ sơ gia sư vào một trung tâm “thứ 6 này em phỏng vấn online”.

Cẩm Quí- mồ côi cha, mẹ bệnh

Nguyễn Thị Cẩm Quí- học sinh lớp 12A10, Trường THPT Vĩnh Xuân mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ. Quí lớn lên cùng ông bà nội, mẹ và chị hai. Quí - nói: “Ông bà nội em nhiều bệnh và đã mất năm rồi. Hiện nay, mẹ em bị cườm mắt rất nặng và bướu cổ nhưng chưa có tiền phẫu thuật”. Chị hai của Quí vừa mới ra trường và xin được việc làm ở TP Hồ Chí Minh mấy tháng nay thì dịch COVID-19 phải nghỉ làm, Quí chia sẻ: “Chị hai lúc đi học cũng vay vốn sinh viên nên phải trả nợ”.

Với điểm trung bình học tập năm lớp 12 là 8,5 điểm nhưng Quí đã rất đắn đo khi nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH. Bởi lẽ, mẹ em đã hy sinh rất nhiều cho hai chị em, nếu tiếp tục đi học, Quí sợ mình là gánh nặng cho mẹ. Thu nhập gia đình dựa vào sức lao động của mẹ với 3 công ruộng, sau 4 năm chị của Quí học ĐH ở TP Hồ Chí Minh thì cuộc sống càng khó khăn hơn. Quí nói mà mắt đỏ hoe: “Chị em mới học xong, nhà khó khăn lắm nên mẹ mới không cho em đi học. Mẹ của em cũng muốn em nghỉ học đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Bình Minh”.

Thực hiện uớc mơ đến giảng đường ĐH, vì hoàn cảnh khó khăn Quí chọn xét tuyển vào trường ĐH trong tỉnh. Với điểm xét tuyển 21, vào ngành kinh tế, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Quí chia sẻ: “Em thích ngành học này và nghĩ sẽ có nhiều cơ hội xin việc làm, học ở Vĩnh Long học phí thấp, em lại có thể về nhà thường xuyên với mẹ”.

Nói về chuyện đã đóng học phí ĐH chưa, Quí rớt nước mắt: “Ngày có kết quả trúng tuyển, em khóc xin mẹ, xin chị cho em đi học, em hứa sẽ cố gắng làm thêm, sẽ tiết kiệm… Rồi chị hai mượn được tiền gửi về cho em đóng học phí nhưng sắp tới em cũng không biết thế nào”.

Để giúp đỡ gia đình, từ những năm học phổ thông, ngoài giờ học Cẩm Quí đi làm thuê giúp việc nhà theo giờ cho các gia đình quen ở chợ Vĩnh Xuân. Dự định của em trong thời gian tới khi học trực tiếp ở trường ĐH sẽ tìm việc làm thêm và xin ở ký túc xá để tiết kiệm tiền.

Con đường tới giảng đường của Phạm Thị Cẩm Giang và Nguyễn Thị Cẩm Quí còn quá nhiều khó khăn. Dẫu vậy, các em đang cố gắng học tập, cố gắng làm thêm, tiết kiệm để thực hiện ước mơ của mình.

Thầy chủ nhiệm của Cẩm Quí- Võ Văn Thưởng cho biết: “Cẩm Quí là học sinh ngoan hiền và rất siêng học nên thành tích học tập của em rất tốt. Tôi biết được hoàn cảnh của em đặc biệt khó khăn nhưng khi đến trường Quí chưa bao giờ kể khổ với thầy cô, bạn bè.”

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh