Chuyện đời của má

12:10, 17/10/2021

Bà lấy chồng khi mới mười bảy, ông hai mươi ba. Lúc ấy ông là người thanh niên nghĩa khí, đẹp trai, giỏi kết giao. Năm 1954, ông là Thanh niên Tiền phong trong diện tập kết ra miền Bắc. Khi tập kết tại vùng Cái Tàu thì tổ chức phân công ở lại nằm vùng để gầy dựng cơ sở cho cách mạng. Lĩnh mệnh trở về quê An Bình ông làm ruộng, lập hội kín và lấy vợ.

 

Chợ cá Vĩnh Long ngày nay.
Chợ cá Vĩnh Long ngày nay.

(VLO) Bà lấy chồng khi mới mười bảy, ông hai mươi ba. Lúc ấy ông là người thanh niên nghĩa khí, đẹp trai, giỏi kết giao. Năm 1954, ông là Thanh niên Tiền phong trong diện tập kết ra miền Bắc. Khi tập kết tại vùng Cái Tàu thì tổ chức phân công ở lại nằm vùng để gầy dựng cơ sở cho cách mạng. Lĩnh mệnh trở về quê An Bình ông làm ruộng, lập hội kín và lấy vợ.

Năm 1968, ông hy sinh để lại cho bà một nách bốn con, đứa nhỏ nhất bé xíu, con gái đầu mới 11 tuổi. Ngày ông mất, bà bồng thằng út trên tay nhìn mặt chồng lần cuối.

Nước mắt lăn dài, khuôn mặt sầu khổ, bà nén tiếng khóc vào lòng chịu đựng. Trước mắt bà là viễn cảnh tối đen: Con nhỏ dại, đất vườn thiếu tay làm đàn ông, sống trong trùng vây quân địch. Năm ấy bà 29 tuổi.

Nhà bà ngay vàm sông Tắc Lở, từ ngã tư sông này nhìn sang bên kia, về hướng Bắc là Cồn Tròn (sau thuộc xã Hòa Ninh) nơi đấy bà có 5 công đất trồng bông huệ. Hai bên đầu đất của bà, cứ thế, ngày địch đêm ta. Tiếng chắc, bùm hoặc tiếng bắn loạt liên thanh cứ vang lên đôi ngày một trận riết quen tai.

Bao nỗi lo toan, bà còn phải lo đạo tặc. Cứ mỗi lần lính quận về đóng quanh nhà, cái gì sơ hở là mất, từ ổ trứng đến con gà mái, thêm đứa con gái đến kỳ trổ mã mấy tên lính vò vè để mắt.

Có những đêm bà thao thức không ngủ trên chiếc võng lác, nghe tiếng động lạ sau hè, bà nhẹ nhàng cầm lấy cây xông hồng (cây sắt 10 ly, một đầu cuốn lại thành khoen tròn, một đầu nhọn) mở cửa ra xem. Trong bóng tối mờ bà nhận ra một, hai...ba tên trộm đang lùa bắt vịt xiêm bà nuôi để giỗ chồng.

Tên trộm nào cũng mặc độc cái quần đùi, mập mạp. Tay thủ chắc vũ khí, bà lao tới, miệng hô “trộm”. Bị bất ngờ chúng bật ngửa, buông vịt, phóng chạy ào trong đám chuối. Bà biết đó là đám lính đồn Tắc Cát cách nhà hơn cây số đi rình mò để kiếm ăn.

Bà có thói quen, buổi chiều cho con ăn cơm sớm. Trước khi ngủ cầm đèn kiểm tra các ngõ ngách trong nhà. Một bận, trong kẹt bồ lúa bà phát hiện ông hàng xóm vườn bên ngồi thu lu ém trong góc.

Bà la lên, bầy con nhỏ túa ra cùng thủ thế, ông ta sượng sùng phân trần rồi rút. Mấy mươi năm rồi thằng con trai thứ tư của bà vẫn còn nhắc vụ trộm ổ hụt ấy với ông hàng xóm, mỗi lần như thế ông ta cười giả lả.

Cái cảnh góa ở quê mà, bà nhiều bận còn bắt được mấy tên trổ ngạch, trổ vách rồi nói lại cho vợ con họ hay, sau cũng tạm yên.

Thấy cháu ngày càng lớn, cha chồng của bà chia phần được 5 công ruộng. Một mình đảm đương 15 công vừa ruộng vừa vườn, người ta không nghĩ bà quản được.

Ở quê cũng vài người rơi vào hoàn cảnh như bà. Người bỏ con lại cho cha mẹ chồng nuôi, đi lấy chồng khác. Người thì chắp nối, đi thêm bước nữa, để đám con dại lớn lên như cây chuối, cây ớt bên hè.

Đất vườn bán dần, học hành rơi rớt. Tấm vách vắt đầy quần áo cũ rách. Nhà nền đất nứt nẻ, chỗ thấp chỗ cao. Đúng là cảnh “con không cha như nhà
không nóc”.

Nhà bà vẫn đầy ắp tiếng cười, bữa cơm có gạo dẻo, có cá, có tôm. Hôm nào cực lắm thì ăn hến, thêm rau càng cua, rau dền cũng đủ bữa qua ngày. Thời khó khăn ở quê, thỉnh thoảng, hàng xóm có nhà làm heo chia, đến vụ trả bằng lúa. Người ta réo nhau í ới...

Có tiền thì mua, không tiền bà lắc đầu. Bà không chịu cảnh ăn trước, trả sau. Nhà bà lúc nào cũng có rổ xúc, hết thức ăn, bà lội xuống sông. Hơn tiếng sau, cá bống, tép cũng đủ hai bữa. Bà dạy con mình vươn lên từ những điều như vậy.

Con gái đầu của bà lấy chồng, mất đi người phụ việc tin cậy. Bà vẫn một mình quán xuyến ruộng vườn với ba đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn.

Chuyện làm rẫy, làm vườn cũng mong nhờ buổi chợ. Một tháng đôi lần, bà cùng thằng con trai thứ ba (là tôi) chèo ghe tam bản đi chợ Vĩnh Long. Ngoài lúa ra, nghề vườn, bà trồng đủ thứ. Đầu tiên, trồng huệ trắng. Sau trồng chanh, cóc. Khi chanh tàn, cóc úa thì chuyển sang mận chiến sen, hồng đào.

Nhớ có năm mận trúng mùa, trái rộ, ngày nào cũng hái. Mận được chăm chút xếp vào cần xé nhỏ- gọi là cần ống ngoáy, xung quanh lót lá chuối. Hai giờ khuya, mẹ trước, con sau chèo lúc lắc…

Mất tiếng đồng hồ, ghe tới vàm sông An Bình giáp Cổ Chiên. Nhằm hôm thuận nước lớn thì dễ qua sông. Gặp hôm nghịch nước, phải chèo ngược dòng trôi xuống tận Đình Khao. Có khi suýt vướng bè đáy rất nguy hiểm.

Chèo ghe ban đêm cũng có cái thú. Sương lạnh, sao trời chi chít, dòng sông nhờ nhờ trong đêm tối, thấy không rõ có khi vướng phải đống chà. Mồ hôi vừa rịn thì mắt sáng lòa, gió mát rượi từ sông Cổ Chiên thổi vào. Tới chợ!

Nói tới chợ, thật ra chỉ đến vàm bên đây sông thuộc An Bình. Nhìn sang bên kia đèn vàng hắt bóng. Từ Đình Khao đổ xuống là lò gạch, khói đen um trời, nghe mùi khen khét của tro trấu.

Chèo lên, qua trại cưa Thanh Châu có vùng nước xoáy. Phải lúc nước ròng, sông Long Hồ đổ ra gặp nước Cổ Chiên. Ghe, xuồng đi ngang vòng xoáy này bị chao lái một chút là vô bến chợ.

Nhắc trại cưa, còn nhớ, hồi mười lăm, mười sáu, thỉnh thoảng tôi theo ông nội bè cây sang cưa ở đây. Những lúc gặp nhiều khách thì lên trại cưa Hòa Lợi ở phường chín, cách đó một đỗi. Ông chủ Thanh Châu thì tôi không biết mặt, nhưng con trai ông là bạn của tôi.

Thuở sinh tiền, ông Thanh Châu có lò bánh mì nổi tiếng ở chợ. Năm 1969, có một ngày, công nhân ra lò mẻ bánh, xếp vào cần xé chuẩn bị giao hàng.

Bỗng đâu có tốp năm bảy tên lính đến giành lấy mang đi. Thường thì, thi thoảng vẫn có chuyện lính lấy vài ổ bánh để ăn, chẳng ai nói chi. Nhưng hôm ấy chúng lấy đi cần xé mấy mươi ổ. Công nhân, thợ lò cản ngăn, dẫn đến đánh nhau với lính một trận cho đã nư. Bọn lính bỏ đi.

Hôm sau, người ta nghe tiếng súng nổ. Ông chủ lò bánh gục bên vũng máu. Công nhân tìm thấy hai vỏ đạn bạc súng colt.

Thời gian qua đi, con cái ông chủ lò bánh mì- chủ trại cưa Thanh Châu cũng trưởng thành, làm người tử tế trong xã hội.

Con trai ông là kỹ sư nông học, một chuyên gia trong ngành cây giống, giờ đã nghỉ hưu và về ở nơi ngày trước có trại cưa tọa lạc để uống rượu, trầm mặc với dòng sông.

Không biết kẻ thủ ác mà nếu còn sống, có bao giờ tự vấn, giết người vì mấy ổ bánh mì hay không?

Chợ Vĩnh Long nhóm từ lúc nửa đêm trở về sáng. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, hễ thấy bóng đen lù lù từ xa thì mấy chị bạn hàng làm động tác nhón chân, tay giơ cao ngoắc, miệng ra lối: “Ai bán gì, mua…!”ngân dài.

Ban đầu, tôi chẳng biết có ai nghe thấy không mà mấy bà gọi. Sau mới biết, đó là lên tiếng xí phần. Là quy ước, ai xí trước, thì được coi hàng, trả giá trước.

Người trước mua không được thì đến người sau. Còn hai người xí đồng thanh thế nào cũng có tranh nhau, chửi lộn vang cả bến chợ đêm.

Những lúc đắt hàng, thiên hạ tranh nhau mua. Lúc đụng hàng, lại dìm giá, chê ỏng, chê eo. Tôi nhiều lần chứng kiến cảnh nông dân tức giận đổ hàng xuống sông. Má tôi cũng từng làm như thế. Những giỏ mận chắt chiu khi hái, thế mà phải thả trôi lềnh bềnh đỏ au một khúc sông.

Cuộc sống nông dân bấp bênh theo dòng nước. Gặp lúc như thế, ổ bánh mì thịt của anh em tôi không được to như mọi khi.

Bến chợ Vĩnh Long xưa, bao năm đã qua tôi vẫn nhớ như in. Từ Phường 5 qua chợ bằng đò chèo, đi đường bộ thì qua cầu Thiềng Đức. Sầm uất nhất là bến chợ cá.

Những chiếc ghe đục từ miệt Long Xuyên, Châu Đốc ken nhau san sát để lên hàng sáng hôm sau với đủ thứ cá lóc bông, cá vồ, cá ba sa… Những chiếc ghe nghề bè đáy thì mặt hàng tùy mùa có cá linh, cá cơm, tôm… đủ thứ lộn xộn. Giá chiều rẻ bèo.

Bên trong một chút là bến đò từ cù lao An Bình, Đồng Phú, Bình Hòa Phước chen nhau với đò lớn từ Chợ Lách, Cái Mơn, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Ôn… ken đặc một khúc sông. Cặp phía Phường 5 có ghe bè sửa máy Út Lâm, vài ghe thương hồ treo bẹo: bí rợ, mía… Trên bờ thì có hai trại hòm lớn: Sầm Văn Phồi, Bộ Tới.

Còn nhớ, chiều ba mươi tết Mậu Thân, tôi đã dọn chỗ dưới chân cầu thang ngay căn đầu chợ, dự tính ngủ lại đó vì trễ đò. Tết năm đó tôi mới tám tuổi, vì mê múa lân nên phóng xuống đò ông Năm Nghiêm theo mấy anh lớn sang chợ chơi. Mải lang thang ở chợ mà không biết giờ đò về. Trong túi cũng không tiền vì tiêu hết cho cá cọp bầu cua.

Chiều muộn, may sao có ông Sáu Thắng, chủ đò dọc chạy tuyến trong thuộc ấp An Thạnh bây giờ, đi lấy nước đá bán tết, cho quá giang về.

Đêm ba mươi, sáng mùng một, tôi đi chợ cùng với thím bán hàng chợ tết. Từ vàm sông nhìn sang chợ, ánh sáng rực trời, tiếng nổ ì đùng. Ghe xuồng lũ lượt quay về…

Sau, tôi biết nơi mình muốn ngủ lại cũng trúng pháo giặc, tường chi chít vết đạn.

… Bến sông chợ bây giờ thay đổi, những chủ đò năm xưa quá vãng. Con cháu bán đò, sắm xe. Cái thời nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền đã là quá khứ. Đò ngang đã thay bằng cầu treo. Nắm xôi, miếng thịt được gói bằng lá chuối, lá môn không còn. Dòng sông không có mận trôi nữa, chỉ có bịch ny lông
dập dềnh.

Xóm Cầu Dài chạy dài xuống trại cưa được thay bằng bờ kè. Vùng xoáy ở đầu sông cũng đổi dòng. Chợ nổi dập dìu chỉ còn trong nỗi nhớ. Má tôi giờ không đi chợ nữa. Độ tuổi bà, trong xóm còn mấy người…

LÊ MINH HÀ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh