Thư từ Nhật Bản: Tấm lòng hướng về Việt Nam

09:09, 10/09/2021

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2020, tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản là hơn 1,72 triệu người. Đáng chú ý, số lượng lao động Việt Nam lần đầu tiên ở mức cao nhất là khoảng 444.000. Trong đó, có tới hơn 70% là các du học sinh, thực tập sinh...

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2020, tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản là hơn 1,72 triệu người. Đáng chú ý, số lượng lao động Việt Nam lần đầu tiên ở mức cao nhất là khoảng 444.000. Trong đó, có tới hơn 70% là các du học sinh, thực tập sinh...

Nhã Phương tranh thủ gửi hình ảnh với nụ cười trong trẻo để động viên người thân ở Việt Nam. Ảnh: KIẾN QUỐC
Nhã Phương tranh thủ gửi hình ảnh với nụ cười trong trẻo để động viên người thân ở Việt Nam. Ảnh: KIẾN QUỐC

Mùa hè năm thứ ba ở Nhật cũng là khoảng thời gian đáng nhớ nhất tại xứ Phù Tang của anh Nguyễn Minh Thương khi nơi anh ở vừa phải quyết liệt chống dịch vừa ứng phó với thiên tai.

Bữa cơm đậm vị quê nhà

Chàng trai quê Sóc Trăng này đang làm việc tại một công ty đóng gói sản phẩm công nghiệp ở tỉnh Fukuoka. Hồi cuối tháng 7, nơi này chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão In-fa. Anh nhớ lại ngoài đường lúc ấy mưa rất to suốt nhiều ngày liền, gió mạnh khiến tầm nhìn gần như bị che khuất. Trong hoàn cảnh ấy, Thương cùng các bạn đồng hương lại càng thêm nhớ nhà.

Việc đi siêu thị mua thực phẩm rất khó khăn không chỉ do bão mà còn vì bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Rất may là với tính cách lo xa, chịu khó tích trữ lương thực nên Thương có khá nhiều nguyên liệu nấu nướng.

Anh và 2 bạn cùng phòng trong ký túc xá của công ty nấu các món ăn Việt Nam như bò kho, hủ tiếu, phở. Dĩ nhiên, việc nấu nướng, ăn uống trong thời điểm này cũng phải bảo đảm quy định tránh tụ tập đông người.

Thương tâm sự: "Tình hình dịch bệnh ở Nhật hiện còn phức tạp nên kỳ nghỉ lễ Obon (lễ hội Phật giáo rất phổ biến tại Nhật) vừa rồi, tôi cùng các bạn cũng không đi chơi, bảo đảm quy định không di chuyển ngoại tỉnh. Nhờ có những bữa cơm mang đậm hương vị quê nhà cùng san sẻ cho nhau mà kỳ nghỉ lễ vừa rồi cũng rất ấm áp".

Điều quan tâm lớn nhất của Thương lúc này là mọi người ở Việt Nam được bình an. Chàng trai 23 tuổi bày tỏ: "Chỉ mong gia đình cứ yên tâm, những người trẻ Việt Nam vẫn đang sống rất tốt ở Nhật. Khó khăn mỗi lúc mỗi khác nhưng tin rằng rồi sẽ sớm vượt qua được hết. Xin cầu chúc cho Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh".

Hướng lòng về Tổ quốc thân thương

"Chúng con vẫn ổn, cả nhà đừng lo!". Đó là câu nói quen thuộc của Lê Nhã Phương (21 tuổi, quê Cà Mau) mở đầu cho mọi cuộc gọi về Việt Nam những ngày này.

Nhã Phương đang là thực tập sinh ngành chế biến thực phẩm ở tỉnh Hiroshima. Cô cho biết bản thân cảm thấy rất may mắn vì nơi làm việc vẫn chưa có ca nhiễm nào.

Vì đặc thù là ngành chế biến thực phẩm nên công tác vệ sinh khử khuẩn được thực hiện rất nghiêm ngặt. Tình hình dịch bệnh quanh khu dân cư cô sinh sống cũng được kiểm soát tốt. Mọi người đều chủ động thực hiện theo chương trình tiêm vắc-xin của chính phủ Nhật Bản.

Đợt vừa rồi, khắp nơi ở Nhật Bản đều tân trang để chào đón Thế vận hội. Vì vậy mà cảnh sắc khắp nơi càng trở nên có sức sống, đem lại tinh thần lạc quan hơn hẳn cho mọi người. Nhã Phương cùng một vài người bạn tranh thủ đi chụp một số hình ảnh kỷ niệm, gửi gắm những nụ cười tươi tắn nhất về quê nhà, tiếp thêm niềm tin và động lực cho cha mẹ.

Sau kỳ Thế vận hội (dành cho vận động viên bình thường) vừa rồi, số ca mắc Covid-19 ở Nhật có xu hướng tăng lên, gây tâm lý e ngại chung. Hằng ngày, ngoài việc cập nhật tin tức thời sự tại Nhật Bản, Phương và những người bạn luôn quan tâm thông tin về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Phương nói: "Hễ có thời gian là tôi tranh thủ liên lạc về thăm hỏi gia đình và bạn bè".

Nhã Phương thường xem và chia sẻ cho những người bạn Nhật các đoạn video cảm động về những vất vả, sự hy sinh quên mình của lực lượng tuyến đầu chống dịch; về tình cảm thương yêu, đoàn kết mà người dân dành cho nhau ở Việt Nam. Sau khi xem xong, ai cũng khâm phục ý chí người Việt Nam. Một anh bạn người Nhật của Phương xúc động: "Mình tin Việt Nam của bạn sẽ chống dịch thành công".

Theo Hạ Vy - Kiến Quốc (Báo Người Lao Động)

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh