Những ngày giãn cách phòng chống dịch COVID-19, từng góc phố, làng xã vắng tênh. Từ hừng sáng, len lỏi từng con ngõ nhỏ, tiếng loa truyền thanh những tưởng sắp bị quên lãng giữa thời đại công nghệ 4.0 đã một lần nữa phát huy "sứ mệnh" thông tin đáng tin cậy, xoa dịu những hoang mang, đồng hành cùng bà con chống đại dịch.
Pano tuyên truyền trực quan có mặt khắp địa bàn tỉnh. |
Những ngày giãn cách phòng chống dịch COVID-19, từng góc phố, làng xã vắng tênh. Từ hừng sáng, len lỏi từng con ngõ nhỏ, tiếng loa truyền thanh những tưởng sắp bị quên lãng giữa thời đại công nghệ 4.0 đã một lần nữa phát huy “sứ mệnh” thông tin đáng tin cậy, xoa dịu những hoang mang, đồng hành cùng bà con chống đại dịch.
Tiếp nối “sứ mệnh lịch sử”
Đối với người già, người khiếm thị khó xem hoặc không xem được truyền hình, không đọc báo được thì nghe đài là cách tốt nhất, thậm chí là duy nhất. Ở vùng nông thôn, chiếc loa trở thành “người bạn” không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi buổi sáng chiều, chiếc loa thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế- xã hội của địa phương, chương trình nghệ thuật, sân khấu cải lương... Tiếng loa gắn liền với hoạt động đời thường như: lịch xuống giống, xả nước vào đồng ruộng, cúp điện, nước, họp dân; thông báo tình hình tội phạm trộm cắp, cướp giật; dự báo thời tiết, thiên tai lũ lụt; thông báo mất giấy tờ, tài sản,...
Xe loa lưu động kịp thời, nhanh chóng thông tin dịch bệnh đến người dân lúc giãn cách. |
Thời gian cách ly xã hội cũng là lúc chiếc loa được “săn đón” hơn. Mỗi địa phương đều đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chiếc loa truyền thanh một lần nữa phát huy “sứ mệnh”, như bà con ở địa phương ví von “Theo dõi tin tức dịch bệnh có khác gì hóng chờ tin tức chiến sự hồi trước đâu. Địch đến đâu, đông tới mức nào để biết đường mà thủ”. Loa truyền thanh càng nhận được sự quan tâm của người dân để cập nhật thông tin chính thống, cập nhật diễn biến, công tác phòng chống dịch bệnh. Những bản tin khẩn về các trường hợp F, các khu vực phong tỏa thông qua hệ thống loa cố định và loa lưu động góp phần xoa dịu những hoang mang, xóa tan những tin đồn “truyền miệng” và thông tin tràn lan trên mạng xã hội.
Hệ thống truyền thanh cơ sở ở huyện Bình Tân hiện có 173 cụm loa không dây phủ kín trên địa bàn các xã- thị trấn với tổng số 346 loa cùng với một số trạm truyền thanh hữu tuyến. Để đảm bảo cho các trạm truyền thanh hoạt động liên tục, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, vừa qua đã khắc phục sửa chữa 23 đầu thu, 16 loa cho các ấp- khóm. Hơn 1 tháng qua, tổ thông tin lưu động đã thực hiện 42 lượt xe loa cổ động quanh các tuyến đường chính trên toàn huyện. Các pa nô tuyên truyền trực quan xuất hiện cùng các khung, bảng chốt kiểm dịch, bảng hướng dẫn giao thông, nội quy khu cách ly, khu cách ly tập trung…
“Loa làng” trở thành người bạn thân thiết cập nhật thông tin cho người dân. |
Ông Trần Ngọc Tài- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Bình Tân- cho biết: “Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, người dân nâng cao nhận thức, chấp hành tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về thực hiện công tác phòng chống dịch. Từ đó, thay đổi hành vi có trách nhiệm hơn với cộng đồng trong phòng chống đại dịch”.
Thông tin kịp thời, hiệu quả
Tại TP Vĩnh Long, những cụm loa và các xe lưu động len lỏi khắp các phường để thông tin kịp thời đến người dân. Ông Trương Chí Cường- Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Vĩnh Long- cho biết: “Trong điều kiện dịch bệnh, giãn cách, hệ thống loa càng phát huy tác dụng. Người dân ở tại nhà vẫn nắm bắt được thông tin chính xác. Những thông tin sẽ góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, từ đó thay đổi nhận thức và thói quen có lợi cho sức khỏe, chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.
14 năm gắn bó với những bản tin phát thanh ở Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Vĩnh Long nhưng bản tin về dịch bệnh là ký ức khó quên với chị Trần Thị Mỹ Duyên. “TP Vĩnh Long phát sóng 3 khung giờ: 5 giờ sáng, 12 giờ trưa và 17 giờ chiều. Chúng tôi cập nhật thông tin qua Internet, kết nối qua Zalo với BCĐ phòng chống dịch nên mọi người uyển chuyển, nhanh chóng cập nhật những bản tin. Đọc tin về dịch bệnh, bản thân tôi cũng thấy lo lắng, cho đến những ngày gần đây thấy ít ca nhiễm thì mừng lắm. Chúng tôi mong muốn thông tin nhanh nhạy, mau lẹ đến với bà con”- chị Mỹ Duyên chia sẻ.
Chị Trần Thị Mỹ Duyên luôn nỗ lực là “cầu nối” thông tin nhanh chóng đến người dân. |
Bà Nguyễn Thị Chính (xã Hiếu Thành- Vũng Liêm) cho biết mấy ngày gần đây, người dân quê “ai cũng hóng phát thanh để nghe tin dịch bệnh”. Ngoài kênh qua loa phát thanh, xã còn có thêm hình thức tuyên truyền lưu động. Nhờ đó, dù người dân có ở những hẻm sâu hay trường hợp loa ấp bị hư đột xuất, người dân vẫn được nghe thông tin liên tục. “Hóng tiếng loa phát thanh vì nó đáng tin cậy chứ hổng nên nghe theo người này, người kia “đồn” mà hoang mang. Nghe tin thường xuyên, tụi tui ai cũng ý thức phải tự giữ sức khỏe bảo vệ mình và gia đình mình. Mong sao cho hết dịch để bà con trở lại cuộc sống bình thường” - bà Chính bộc bạch.
Tiếng loa truyền thanh giúp công tác phòng chống dịch trên mỗi địa bàn thêm chặt chẽ, kịp thời. Quan trọng hơn là từ những chiếc loa mà niềm tin của người dân vào chính quyền thêm vững, cùng đồng lòng chống dịch. Có những điều tưởng chừng như cũ kỹ, lạc hậu và sắp bị lãng quên giữa thời đại 4.0 như chiếc loa, nay bỗng trở nên có sức sống và giá trị lâu bền.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long và các huyện- thị- thành đã tiến hành ký kết và tổ chức thực hiện kế hoạch liên tịch tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên đài truyền thanh cấp huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh từ 2020- 2025. Qua đó, phát huy tính kịp thời, hiệu quả và rộng rãi của hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã và cụm loa không dây ấp- khóm- khu,... trong việc trực tiếp đưa nội dung chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến từng người dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện thực hiện “Chuyên mục đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, phát 3 buổi/ngày và 7 ngày/tuần, với thời lượng 15 phút/chương trình vào khung giờ nhất định, ngoài khung giờ chính thức. Đồng thời, tạo thành các file âm thanh để chuyển cho trạm truyền thanh cơ sở tiếp tục tuyên truyền trên các cụm loa phát thanh địa phương. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin