Vơi đi nỗi đau, vươn lên từ nghịch cảnh

01:08, 10/08/2021

Gần 50 năm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, hàng triệu người vẫn còn chịu nỗi đau của chất độc da cam/dioxin. Với sự đồng lòng giúp sức của toàn xã hội, từ ý chí và nghị lực kiên cường, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin chuyển hóa nỗi đau của mình thành động lực bước qua nghịch cảnh, tiếp tục cuộc sống.

 

Trong những năm qua, công tác chăm lo cho nạn nhân da cam được quan tâm, giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng (ảnh chụp lúc dịch COVID- 19 chưa bùng phát).
Trong những năm qua, công tác chăm lo cho nạn nhân da cam được quan tâm, giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng (ảnh chụp lúc dịch COVID- 19 chưa bùng phát).

Gần 50 năm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, hàng triệu người vẫn còn chịu nỗi đau của chất độc da cam/dioxin. Với sự đồng lòng giúp sức của toàn xã hội, từ ý chí và nghị lực kiên cường, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin chuyển hóa nỗi đau của mình thành động lực bước qua nghịch cảnh, tiếp tục cuộc sống.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Những năm qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được các cấp, các ngành và toàn xã hội tích cực hưởng ứng, tạo điều kiện cho các nạn nhân từng bước ổn định cuộc sống, vượt qua bệnh tật, khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng. Nhiều việc làm thiết thực để mỗi người thể hiện ý thức trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc về sự hy sinh, cống hiến đối với người có công với cách mạng.

Theo ông Phạm Văn Hưởng- Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội, toàn tỉnh Vĩnh Long có 6.855 người nhiễm chất độc da cam. Với sự chung tay của toàn xã hội, vai trò nòng cốt của các cấp hội, hoạt động chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Trong 5 năm (2016- 2020), các cấp hội lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến khắc phục chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên 400 cuộc, với hơn 25.000 người dự; thu thập 30.000 chữ ký ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga và phản đối vũ khí hạt nhân.

Trong 5 năm, các cấp hội vận động, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tiền, hiện vật đạt tổng giá trị trên 41 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 125 căn nhà ở (trị giá 5,6 tỷ đồng); trao tặng trên 75.000 suất quà trong các ngày lễ, tết (trị giá trên 29,7 tỷ đồng); hỗ trợ vốn sinh kế trên 200 lượt (trị giá trên 1 tỷ đồng); tập luyện phục hồi chức năng trên 45.000 lượt và hỗ trợ khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí (trên 3,5 tỷ đồng), tặng 250 xe lăn, xe lắc; tặng 300 suất học bổng, dụng cụ học tập…

Dù đã lớn tuổi nhưng cô Trần Thị Thu Hồng (ấp Phước Hanh B, xã Phước Hậu- Long Hồ) vẫn đau đáu lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho con trai bị nhiễm chất độc da cam. Căn nhà được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng là niềm vui lớn của gia đình. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm, nhà thiếu trước hụt sau, giờ có căn nhà tránh mưa tránh nắng là tui mãn nguyện rồi, có động lực mà nuôi con”- cô Thu Hồng chia sẻ.

Cô Trần Thị Thu Hồng (ấp Phước Hanh B, xã Phước Hậu- Long Hồ) được hỗ trợ xây ngôi nhà mới (ảnh chụp lúc dịch COVID- 19 chưa bùng phát).
Cô Trần Thị Thu Hồng (ấp Phước Hanh B, xã Phước Hậu- Long Hồ) được hỗ trợ xây ngôi nhà mới (ảnh chụp lúc dịch COVID- 19 chưa bùng phát).

Tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cô Trần Thị Thu Vân (Phường 8- TP Vĩnh Long) và chồng đã bị nhiễm chất độc hóa học, chồng cô đi lại khó khăn. Được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn mua bán nhỏ cải thiện kinh tế gia đình, cô Thu Vân cho biết: “Mừng lắm vì ở phường, các hội có chính sách gì cũng quan tâm tới mình. Dù khó khăn mấy cũng cố gắng vượt qua”.

Vươn lên từ nghịch cảnh

Trong ngày Thương binh- Liệt sĩ năm 2020, chúng tôi có dịp đến thăm hỏi, tri ân những gia đình cách mạng ở huyện Vũng Liêm. Tại xã Tân An Luông, chúng tôi vô cùng xúc động khi nghe câu chuyện của bà Trần Thị Kim Sa và con trai Huỳnh Vĩnh Thiện đều bị nhiễm chất độc da cam nhưng mạnh mẽ vươn lên sống có ích cho xã hội.

Tham gia cách mạng năm 13 tuổi, bà Trần Thị Kim Sa từng kinh qua rất nhiều nhiệm vụ ở nhiều nơi. Lúc đang làm y tá phục vụ tại Trung đoàn 3 đóng ở Cầu Kè (Trà Vinh), bà Kim Sa bị nhiễm chất độc dioxin mà không hề hay biết do giặc rải chất độc màu da cam thấm vào đất, cây cỏ, dòng nước, về sau bà cùng đồng đội biết được thì sức khỏe đã bị suy giảm. Lần trúng thuốc bom bể xương càm, những năm tháng bắt giam ở Khám Lớn tỉnh Vĩnh Long, với những trận tra khảo, đòn roi làm sức khỏe của bà ngày càng kém. Bà được chứng nhận là nạn nhân nhiễm chất độc dioxin và là thương binh hạng 4/4.

Từng giữ chức Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến xã Tân An Luông, bà Kim Sa đi vận động hội viên làm công tác an sinh xã hội, vận động các đồng đội vào hội để cùng san sẻ, cùng nhau đóng góp giúp nhau thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Bà còn phối hợp với các đoàn thể tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động của địa phương nhất là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, vận động hội viên hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động.

Làm mẹ đơn thân khi con còn nhỏ, một mình bà Kim Sa gồng gánh nuôi anh Huỳnh Vĩnh Thiện cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam. Anh Vĩnh Thiện tốt nghiệp ĐH ngành dược, công tác ở Trạm y tế xã Hiếu Thuận đã 13 năm. Anh là niềm tự hào, cũng là động lực sống của người mẹ 73 tuổi. “Hồi nhỏ khó khăn lắm, mẹ tôi chăn nuôi, không có tiền mua tấm cám cho heo, tôi đi học về là chạy xách nước cơm cặn canh thừa trong chợ của mỗi hộ về cho heo. Người bán rau thương cho rau củ về ăn. Rồi tôi qua nhà người dì phụ giữ em, dì cho tiền đi học. Dù khó khăn nhưng tôi luôn được mọi người quan tâm, luôn ghi nhớ lời mẹ dạy phải cố gắng, giữ tình cảm đối nhân xử thế”- anh Vĩnh Thiện chia sẻ.

Bà Trần Thị Kim Sa và con trai Huỳnh Vĩnh Thiện mạnh mẽ bước qua nghịch cảnh (ảnh chụp lúc dịch COVID- 19 chưa bùng phát).
Bà Trần Thị Kim Sa và con trai Huỳnh Vĩnh Thiện mạnh mẽ bước qua nghịch cảnh (ảnh chụp lúc dịch COVID- 19 chưa bùng phát).

Năm 2020, từ sau lần giãn cách xã hội đầu tiên vì dịch COVID- 19, anh Vĩnh Thiện bắt đầu tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn. Anh cho biết: “Bị ảnh hưởng chất độc da cam, sứt môi ngọng nghịu nhưng tôi còn may mắn hơn rất nhiều người mình đã từng gặp. Tôi đã 41 tuổi, vì sợ chất độc da cam có thể truyền qua nhiều thế hệ nên tôi quyết định độc thân. Giờ chỉ mơ ước sẽ có được chiếc xe cấp cứu từ thiện, vận động được nhiều mạnh thường quân hỗ trợ cho những hộ nghèo khổ bệnh tật”.

Bước qua nghịch cảnh, bà Kim Sa, anh Vĩnh Thiện và còn thật nhiều hoàn cảnh vượt qua nỗi đau da cam, tiếp tục cuộc sống. Mỗi người, mỗi ngày thêm một chút cố gắng, thêm một chút cống hiến, nỗi đau da cam được xoa dịu và để lại bài học về nghị lực sống cho thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh