Kỳ 2: Chuyện về những "chiến sĩ áo trắng"

11:08, 11/08/2021

Những khuôn mặt hằn vết đỏ do đeo khẩu trang liên tục. Những bàn tay nhăn nheo, trắng bệch vì đeo găng tay suốt ngày. Những bộ đồ bảo hộ bên ngoài những bộ quần áo ướt sũng mồ hôi. Trên những tuyến đầu chống dịch gian nan, căng thẳng và vất vả là những cống hiến thầm lặng, sự tận tụy hết lòng để cố gắng giành lấy sự sống, sức khỏe cho các bệnh nhân (BN) COVID-19 nặng của những "chiến sĩ áo trắng".

 

Khu Hồi sức tích cực của BVĐK tỉnh không có khái niệm công việc và thời gian, vào cuộc chiến là tất cả đều căng mình để làm việc.
Khu Hồi sức tích cực của BVĐK tỉnh không có khái niệm công việc và thời gian, vào cuộc chiến là tất cả đều căng mình để làm việc.

Những khuôn mặt hằn vết đỏ do đeo khẩu trang liên tục. Những bàn tay nhăn nheo, trắng bệch vì đeo găng tay suốt ngày. Những bộ đồ bảo hộ bên ngoài những bộ quần áo ướt sũng mồ hôi. Trên những tuyến đầu chống dịch gian nan, căng thẳng và vất vả là những cống hiến thầm lặng, sự tận tụy hết lòng để cố gắng giành lấy sự sống, sức khỏe cho các bệnh nhân (BN) COVID-19 nặng của những “chiến sĩ áo trắng”.

Cố gắng cùng nhau làm việc

Là nơi tiếp nhận và điều trị những ca COVID-19 nặng của tỉnh, trong đó có nhiều trường hợp nguy kịch, những ngày này, các bác sĩ, nhân viên y tế thuộc “Đội điều trị COVID-19” của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh do bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Hạnh Phúc- Phó Khoa Hồi sức tích cực chống độc- làm đội trưởng đang căng mình làm việc ngày đêm để cứu chữa cho BN.

Nơi đây không có khái niệm công việc và thời gian, vào cuộc chiến là tất cả đều căng mình để cứu sống và điều trị tốt nhất cho BN. Không còn xa lạ cảnh nhiều ca bệnh sốt cao, ho dữ dội, tiêu chảy ra giường, quần áo… nhưng các nhân viên y tế vẫn xúm vào thu dọn. Lo cứu người xong thì phải chạy đôn đáo đi lấy cơm, sữa đưa cho người bệnh. “Bác sĩ làm công việc của điều dưỡng và điều dưỡng làm cả công việc của hộ lý, không cần phân biệt nhiệm vụ của người nào mà chung tay cùng hỗ trợ để kịp thời cấp cứu, điều trị cho BN COVID-19 nặng. Có lẽ, đây là trận chiến lớn nhất trong đời làm bác sĩ của tôi bởi áp lực điều trị cho các BN trước đó không là gì so với BN bị mắc COVID-19, diễn biến bệnh nguy kịch quá nhanh, nhiều BN viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên BN bội nhiễm như tiểu đường; suy thận mãn; tắt mạch tim, não, ung thư;…và ở BN trẻ tuổi không bệnh lý nền cũng có diễn tiến nặng nên đã vào ca thì mọi người phải căng sức để theo dõi, điều trị BN”- bác sĩ Hạnh Phúc chia sẻ.

Các BN nặng được chuyển từ các BV dã chiến, BV Phổi về BVĐK tỉnh. Hiện, tại BVĐK tỉnh đang điều trị cho 35 BN COVID-19 nặng phải điều trị trong khu vực hồi sức tích cực, 12 BN phải thở máy, 1 BN lọc máu liên tục; 17 BN phải thở oxy dòng cao và còn lại là các BN phải thở oxy qua mask,… Song, có những ca do diễn biến bệnh quá nặng, dù tích cực hồi sức nhưng y- bác sĩ cũng phải chứng kiến BN tử vong.

“Ranh giới giữa BN bệnh mức độ vừa phải cho tới nguy kịch diễn biến bệnh rất nhanh. Hiện có BN nữ tiếp tục được chăm sóc hô hấp tích cực, điều trị kháng sinh chống bội nhiễm, kết hợp chế độ thở máy dưới sự theo dõi, đánh giá sát sao của bác sĩ. Sau đó, bác sĩ phát hiện hình ảnh đông đặc dưới màng phổi 2 bên của BN và nhận định tình trạng viêm phổi diễn biến nặng hơn, qua đó chỉ định theo dõi cơn bão Cytokine do COVID-19, lọc máu liên tục hấp thụ độc tố, tiên lượng rất nặng”- bác sĩ Hạnh Phúc cho biết.

Khi tới ca trực, những y-bác sĩ phải mặc những bộ đồ bảo hộ phòng dịch chuẩn bị cho việc thăm khám BN COVID-19 thật kỹ lưỡng và nghiêm ngặt. Khi bàn giao ca trực, quần áo của họ ướt sũng. Làm việc công suất gấp 3-4 lần đã được từng người rèn luyện, mệt quá chỉ dám ngơi nghỉ trong phút chốc và khi BN có dấu hiệu nào bất thường, họ lại đến nhanh với BN. Gần 1 tháng qua, bác sĩ trẻ Đoàn Kiến Thức (Khoa Ngoại) tình nguyện vào “Đội điều trị cúm” của BV để điều trị BN COVID-19.

“Dù không đúng chuyên khoa, nhưng mỗi ngày thăm khám, điều trị BN nặng là thêm một ngày để các bác sĩ trẻ như tôi có thêm kinh nghiệm nghề, cái gì chưa thạo thì miệt mài làm dần thành quen để điều trị BN COVID-19. Mỗi ca trực, các ê kíp luôn túc trực ngày đêm để theo dõi BN, kịp thời xử lý những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, giảm thiểu tình trạng tử vong”- bác sĩ Kiến Thức tâm sự.

Bộ Y tế thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) người bệnh COVID-19 tại Vĩnh Long phục vụ điều trị BN COVID-19 với mục tiêu chung nhất là kéo giảm tỷ lệ tử vong bệnh nhân tại tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp. Trung tâm này trực thuộc và được hỗ trợ nhân lực từ BV Nhi Trung ương. Những ngày qua, từ Thủ đô Hà Nội, hơn 20 y- bác sĩ BV Nhi Trung ương do PGS.TS. BS Trần Minh Điển- Giám đốc BV Nhi Trung ương- làm trưởng đoàn đến hỗ trợ Vĩnh Long chống dịch đến khi dịch bệnh được khống chế mới quay trở về.

Tạm gác hạnh phúc riêng

Vừa kết hôn được 3 ngày, bác sĩ trẻ Trần Điều Ngọc Hân đã khăn gói vào BV Phổi tỉnh để thay ca cho đồng nghiệp là bác sĩ Trần Đại Đại đã hơn 2 tháng phục vụ điều trị BN COVID-19. BV được phân cấp là nơi tập trung điều trị các trường hợp F0 nặng của tỉnh. Lực lượng y- bác sĩ đang nỗ lực từng ngày để giành lại sự sống cho các BN. Ý thức được mức độ nghiêm trọng của đợt dịch này, sự khó khăn khi đa số BN có bệnh lý nền, họ luân phiên chia ca trực 24/24 theo dõi sát để hỗ trợ BN.

“Vừa vô ca thì BN 60 tuổi N.T.T. đột ngột ngưng tim, ngưng thở, tôi và chị điều dưỡng nhanh chóng tiến hành hồi sức ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng Ambu, tiêm thuốc hỗ trợ thở cho BN liên tục. Ê kíp vừa ra ca của bác sĩ Đại cũng quay ngược vô hỗ trợ. 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng hồi sức liên tục gần 3 giờ thì BN có dấu hiệu sống, có tri giác. Song, BN vẫn còn hôn mê, phải thở máy, tình trạng bệnh rất nguy kịch”- bác sĩ Ngọc Hân tâm sự.

Đối với ca bệnh diễn biến nặng, bác sĩ trực thông báo Tiểu ban điều trị để tiến hành hội chẩn, tìm hướng điều trị kịp thời để giúp BN hồi phục, hạn chế tử vong. Bác sĩ Ngọc Hân tâm sự: “Các con bà T. gọi điện nói “bác sĩ ơi, ba em vừa tử vong do COVID rồi, bác sĩ ráng cứu mẹ em, để mẹ sống với tụi em”. Thương lắm, là y- bác sĩ, chúng tôi cố gắng còn nước còn tát, để giữ hơi thở cho BN, để thêm hy vọng”.

Ê kíp đang điều trị các BN COVID-19 tại BV Phổi tỉnh hiện đều là y- bác sĩ trẻ, có tâm huyết với nghề và có kinh nghiệm điều trị các BN COVID-19 trong các đợt dịch trước. Bác sĩ Trần Thảo Nguyên đã tạm gác lại việc học chuyên khoa 1 để tình nguyện vô điều trị cùng đồng nghiệp. “Trước khám bệnh ngày 2 lần buổi sáng, tối. Giờ bệnh nặng, đông, đứng phòng liên tục trong đồ bảo hộ nóng, mồ hôi ướt, mắt cay xè nhưng vẫn cố gắng theo dõi BN có thở êm không, SpO2 ổn chưa. Lúc đó, chỉ thèm 1 ly nước mát uống là mừng rồi, chứ ăn không ngon”- bác sĩ Thảo Nguyên tâm sự.

Đối với BN, tâm lý là rất quan trọng nên trong lúc làm nhiệm vụ các bác sĩ cũng luôn động viên người bệnh.
Đối với BN, tâm lý là rất quan trọng nên trong lúc làm nhiệm vụ các bác sĩ cũng luôn động viên người bệnh.

Ngoài ra, đối với BN, tâm lý là rất quan trọng bởi vào đây, họ cảm thấy lạc lõng, cô đơn, run rẩy, nhất là lúc gắn máy thở oxy vào mũi, cứ nhìn thấy là rưng rưng nên trong lúc làm nhiệm vụ các bác sĩ cũng luôn động viên BN giữ tâm trạng thoải mái, cố gắng chiến thắng bệnh tật. Bác sĩ Trần Điều Ngọc Hân chia sẻ: “Đã vào trực thì cũng chưa xác định khi nào ra, chỉ biết nỗ lực từng ngày điều trị để BN nhanh hồi phục, xuất viện. Tình hình dịch bệnh phức tạp nên đồng nghiệp, gia đình, các chị tình nguyện viên tiếp tế đồ ăn, chia sẻ và động viên để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao, cường độ và áp lực rất lớn, những hy sinh mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết. Dù bao khó khăn, gian khổ phải tạm gác nỗi niềm riêng, nhiều người trong số họ có con nhỏ, có ba mẹ sức khỏe yếu nhưng vẫn tình nguyện lên đường tham gia chống dịch theo mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc, sẵn sàng để điều trị cho BN COVID-19, vì sức khỏe nhân dân.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hồ Thị Thu Hằng- Trưởng Tiểu ban điều trị COVID-19 tỉnh chia sẻ: Là một người thầy thuốc ai cũng mang trong mình sứ mạng thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “lương y như từ mẫu”, hết lòng vì sức khỏe, tính mạng, sự an toàn của nhân dân. Với dịch COVID-19, có những trường hợp diễn tiến nặng, nhanh, cần thiết sự theo dõi sát sao 24/24, cùng với những quyết định điều trị kịp thời mới giúp người bệnh vượt qua giai đoạn nặng.

Chính vì thế, những ngày qua đội ngũ y- bác sĩ thực hiện công tác điều trị tại khu vực bệnh nặng có những ê kíp chỉ được chợp mắt 1 giờ/1 ngày, có những giây phút mà y- bác sĩ không dám ngồi, luôn đứng trực để canh từng nhịp tim, từng chỉ số SpO2 của BN thay đổi. Hơn 1 tháng qua, có bác sĩ, điều dưỡng sụt 3-4 kg. Song, tất cả đều đang nỗ lực để điều trị tốt nhất cho BN. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 400 BN được điều trị khỏi, trong đó có nhiều ca bệnh nặng và cùng hàng chục BN được xuất viện mỗi ngày. Đây là những quả ngọt đầu tiên mà Vĩnh Long đạt được, là niềm động viên lớn nhất để y- bác sĩ chúng tôi tiếp tục chiến đấu tiếp với dịch bệnh, sớm mang lại sức khỏe và nụ cười cho BN và đó là niềm hy vọng, là niềm tin mãnh liệt Vĩnh Long sẽ chiến thắng COVID-19.

 

>> Kỳ 1: “Áo trắng” sẵn sàng đi vào “tâm dịch”

>> Kỳ cuối: “Cám ơn bác sĩ đã cứu 2 mẹ con em!”

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh