Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

07:08, 10/08/2021

Vượt lên tất cả những khó khăn, họ đã và đang ngày đêm xông pha, lặng thầm cống hiến trong tâm dịch, góp phần quan trọng cùng tỉnh Vĩnh Long chiến đấu để sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, các y- bác sĩ từ lực lượng y tế dự phòng cho đến điều trị là những người tiên phong trên tuyến đầu chống dịch, với tinh thần thép và trái tim đầy nhiệt huyết. Vượt lên tất cả những khó khăn, họ đã và đang ngày đêm xông pha, lặng thầm cống hiến trong tâm dịch, góp phần quan trọng cùng tỉnh Vĩnh Long chiến đấu để sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Kỳ 1: “Áo trắng” sẵn sàng đi vào “tâm dịch”

Với việc huy động tổng lực trong truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, tỉnh đã phát hiện và tách nhiều F0 ra khỏi cộng đồng để cách ly và điều trị.
Với việc huy động tổng lực trong truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, tỉnh đã phát hiện và tách nhiều F0 ra khỏi cộng đồng để cách ly và điều trị.

Đã hơn 1 tháng ròng rã, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và người dân Vĩnh Long cùng chung sức chống làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Trong cuộc chiến gian nan này có sự đóng góp không mệt mỏi của những «chiến sĩ áo trắng».

Thần tốc truy vết

Chỉ cần một cuộc điện thoại chỉ đạo là lên đường ngay, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào để điều tra dịch tễ, xác minh, truy vết thần tốc, đến phân tích, đề xuất định hướng phòng chống dịch. Đó là đặc thù của các bác sĩ y tế dự phòng như bác sĩ Nguyễn Trương Duy Tùng- Khoa Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh. Anh cùng đồng nghiệp đã chinh chiến từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, truy vết F1, ca mắc COVID-19 nhập cảnh trái phép ở Mang Thít; đến ca mắc đầu tiên trong cộng đồng là công nhân Công ty TNHH Tỷ Xuân vào ngày 4/7; đến các chuỗi lây nhiễm tại Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, Tam Bình, Bình Tân,… Chưa bao giờ các cán bộ trong đội truy vết F lại phải căng mình chống dịch COVID-19 quyết liệt như những ngày đầu tháng 7 này.

Ngoài điều tra dịch tễ, họ còn kiêm thêm nhiệm vụ hướng dẫn cách phòng tránh dịch bệnh tại nhà cho người dân, đó là nhiệm vụ “kép” vô cùng gian nan. Do đó, những người làm công tác truy vết dịch tễ là những “người gác cổng”, giữ vai trò cực kỳ quan trọng chặn đứng đường lây lan của dịch bệnh.

Nhân viên y tế BV Dã chiến số 1 (Khu công nghiệp Hòa Phú) đưa bé nhỏ 10 tháng tuổi xuất viện về cho ba đang là F1 cách ly tập trung tại Trường CĐ Sư phạm.
Nhân viên y tế BV Dã chiến số 1 (Khu công nghiệp Hòa Phú) đưa bé nhỏ 10 tháng tuổi xuất viện về cho ba đang là F1 cách ly tập trung tại Trường CĐ Sư phạm.

Bởi, bản chất của vấn đề truy vết chính là xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh, xác định những người có yếu tố nguy cơ về lây nhiễm dịch COVID-19, để từ đó đưa ra biện pháp cách ly y tế triệt để, nhằm ngăn chặn dịch. Bác sĩ Duy Tùng chia sẻ: “Chúng tôi xác định tâm thế vào cuộc rất quyết liệt, quên hết thời gian, hành động nhanh chóng khoanh vùng các ổ dịch và các yếu tố nguy cơ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhờ sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều lực lượng chức năng, đặc biệt là công an cùng tham gia nên kết quả F1, F2 có nhanh sau khi phát hiện ca nghi ngờ bệnh”.

Khi dịch bùng phát, cùng với lực lượng y tế địa phương, gần 1 tháng qua các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tư nhân Triều An- Loan Trâm tình nguyện đi vào tâm dịch ở các huyện Bình Tân, Long Hồ và Tam Bình, tiên phong đến hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm gộp cho công nhân, tiểu thương, vùng phong tỏa, khu cách ly để sớm tìm ra các F0 còn tiềm ẩn trong cộng đồng, cắt đứt nguồn lây. “Hầu như anh em làm việc hết công suất, hết việc chứ không hết giờ, đảm bảo vừa đi nhanh vừa không bỏ sót những trường hợp có nguy cơ. Đi từng nhà vất vả, nguy hiểm nhưng chúng tôi không ngại gì”- bác sĩ Phạm Quang Khánh (BVĐK tư nhân Triều An- Loan Trâm) nói.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít “không lối thoát” cùng cái nóng oi bức của mùa hè, có khi mưa xối xả, những nhân viên y tế tự chở nhau trên chiếc xe máy len lỏi từng ngóc ngách, có địa bàn phải lội ruộng, băng đồng, để đảm bảo di chuyển nhanh gọn, đi từng ngõ, gõ từng nhà xét nghiệm cho các trường hợp có nguy cơ. Bà Nguyễn Thị Ba (ấp Tư Yên, xã Tân Thành- Bình Tân) cho biết: “Coi vô tuyến, nghe loa xã tui biết con “cô vít” này rất nguy hiểm và lây bịnh nhanh. Trời nóng nực, nhà tui xa, y tế cũng lội tới nơi trong đồ xanh trùm kín mít. Họ mồ hôi mồ kê đầm đìa, “ngoáy mũi” 7 người cho cả nhà, may đều âm tính. Chúng tôi nghe bác sĩ dặn: dịch lây lan cộng đồng, phải ở nhà, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, rửa tay thường, hy vọng dịch mau hết”.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời đánh giá: “Với việc huy động tổng lực các lực lượng trong truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly, mở rộng vùng xanh, tỉnh tách được rất nhiều F0 ra khỏi cộng đồng để cách ly và điều trị. Tuy số ca nhiễm của Vĩnh Long những ngày qua tiếp tục tăng, song, tỉnh đang kiểm soát dịch đúng hướng, đã xác định khoanh vùng, phong tỏa phù hợp, đồng thời tiến hành truy vết, xét nghiệm đúng khu vực, đúng đối tượng”.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đông- Phó Giám đốc BV Dã chiến số 1 (Khu công nghiệp Hòa Phú), BV thành lập từ ngày 7/7 và sau 1 tháng hoạt động, BV tiếp nhận điều trị trên 110 BN mắc COVID-19 (BN cao tuổi nhất là 72 tuổi và BN nhỏ 3 tháng tuổi). “Từ những ngày đầu tiếp nhận BN, dõi theo hoạt động của các y- bác sĩ, chúng tôi hiểu và càng trân quý tinh thần xung phong, dấn thân không ngại hiểm nguy của đồng nghiệp… Những đôi mắt thiếu ngủ, những bữa ăn vội, những giọt mồ hôi trên trán dưới lớp đồ bảo hộ bất kể thời tiết bên ngoài có mưa hay nắng, những ánh mắt động viên nhau. Họ như thế, tận tụy chăm sóc cho BN từ những ngày đầu, gác lại chuyện cá nhân, gia đình, đoàn kết quyết tâm chiến thắng đại dịch”- bác sĩ Nguyễn Văn Đông chia sẻ.

Hơn cả một bác sĩ điều trị

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là biến chủng Delta bùng phát mạnh, các ca mắc trong cộng đồng liên tục tăng nhanh. Từ ca mắc cộng đồng đầu tiên của tỉnh vào ngày 21/6, tính đến ngày 9/8, số ca mắc gần 1.400 ca. Các BVĐK khu vực Hòa Phú, Trung tâm Y tế huyện Tam Bình, Trung tâm Y tế TX Bình Minh chuyển đổi công năng, trở thành BV dã chiến điều trị bệnh nhân (BN) COVID-19 có triệu chứng bệnh nhẹ, những y- bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch ngày đêm quay cuồng vẫn không kịp tiếp nhận BN.

Có lẽ không ai hiểu hơn nỗi vất vả của nhân viên y tế bằng chính những BN đang được điều trị tại các BV điều trị BN COVID-19. Những ngày điều trị trong BV Dã chiến số 1 (Khu công nghiệp Hòa Phú), tận mắt chứng kiến việc làm của đội ngũ y- bác sĩ, những BN như anh L.T.L. (TP Vĩnh Long) mới cảm phục biết bao những “từ mẫu” của nhân dân. Khi những ngày này, những y- bác sĩ được huy động tại các BV và từ lực lượng công an, quân sự đã chuyển mình thành những chiến sĩ đi đầu trong cuộc chiến chống dịch.

Anh L.T.L. và vợ (đều là công nhân Công ty TNHH Tỷ Xuân) là 1 trong trên 900 ca mắc COVID-19 từ chuỗi lây nhiễm tại công ty này. Vô điều trị tại BV Dã chiến số 1, ba mẹ già của anh cùng con gái vừa tròn 1 tuổi trở thành F1 được đi cách ly tập trung. “Khi mắc bệnh, vợ chồng em lo, rầu dữ lắm. Y- bác sĩ ở đây tâm lý, động viên em nhiều lắm, nhắc nhở uống thuốc hạ sốt đúng giờ, uống nhiều nước, ráng ăn ngủ, đủ, tập thể dục cho nhanh khỏe. Cũng may, em và vợ hết sốt. Còn ba mẹ và con gái đều bình an”- L. chia sẻ.

Điều dưỡng Nguyễn Lê Quốc Bình (BV Dã chiến số 1) chia sẻ: “Có những đợt bệnh mới phải nhận từ đêm tối đến gần giữa khuya, nhìn BN tay xách nách mang, có cả những em bé nhỏ theo cùng, chị tầm 6-7 tuổi ẵm đứa em 3 tuổi từ dưới Bình Tân lên. Lên gặp được cha mẹ, mừng mừng tủi tủi như trong phim, khóc… thương lắm. Thông thường, cha mẹ bị bệnh vô trước, con cái thì cách ly ở một điểm khác. Khi con có kết quả dương tính thì được chuyển vào ở cùng với cha mẹ để tiện chăm sóc”.

Ngoài điều trị và chăm sóc người bệnh, đôi khi những nhân viên y tế tại các BV điều trị COVID-19 trở thành người chia sẻ với BN, cùng giải tỏa nỗi lòng khi một mình không có người thân ở bên. Bao nhiêu giọt mồ hôi đã rơi, bao nhiêu nhọc nhằn cứ trôi theo mỗi ngày. Chị N.T.K.N. (xã Hậu Lộc- Tam Bình) đang điều trị tại BV Dã chiến số 3 (Tam Bình) tâm sự: “Chúng tôi được chăm sóc, hướng dẫn tận tình từ các y- bác sĩ. Chúng tôi rất xúc động và trân quý”.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít “không lối thoát”, thêm “combo nóng mùa hè” nhưng nhân viên y tế BVĐK Triều An- Loan Trâm vẫn không ngại lao vào tâm dịch “tìm” F0.
Trong bộ đồ bảo hộ kín mít “không lối thoát”, thêm “combo nóng mùa hè” nhưng nhân viên y tế BVĐK Triều An- Loan Trâm vẫn không ngại lao vào tâm dịch “tìm” F0.

Từ trong tâm dịch, việc kết nối với bên ngoài vẫn diễn ra mỗi ngày, đúng nguyên tắc và quy trình khử khuẩn. Từ các đơn vị ban ngành trong tỉnh, từ mỗi tấm lòng sẻ chia là những món quà nhỏ nhưng mang tinh thần lớn, hướng về tuyến đầu trong những ngày dịch bệnh. Đặc biệt là ưu tiên những món quà (kẹo bánh, đồ chơi, tã, sữa) dành cho những bệnh nhi F0 đang phải trải qua những ngày điều trị tại các BV dã chiến, có em chỉ từ vài tháng cho đến mười mấy tuổi. Ngày cũng như đêm, khu vực trực của BV Dã chiến Hòa Phú luôn tất bật, vừa công việc chuyên môn, vừa thu nhận, phân phối quà của các nhà hảo tâm gửi BN. Những bữa ăn “dã chiến” thường xuyên lúc nửa đêm, vội vã trên hành lang BV, nhưng không thiếu tiếng cười và những hành động, cử chỉ sẻ chia yêu thương của những người cùng cảnh…

Bác sĩ Nguyễn Bá Khánh Linh (BV Dã chiến số 1) tâm sự: “Chúng tôi đến từ nhiều cơ sở y tế, song ở đây chúng tôi là một đại gia đình với quyết tâm chăm sóc, điều trị cho các BN. Ba mẹ già ở nhà có bệnh lý nền, tôi lo lắng và ngược lại họ lo lắng cho tôi. Hy vọng ba mẹ già sớm được tiêm vắc xin và người dân tuân thủ “5K”. Những lời động viên từ gia đình, từ bạn bè, sự hỗ trợ của đồng nghiệp cùng sự vui mừng khỏi bệnh của BN đã tiếp thêm niềm tin Vĩnh Long sẽ sớm dập được dịch”- bác sĩ Khánh Linh chia sẻ.

Bác sĩ Bùi Thanh Tùng- Phó Giám đốc BV Dã chiến số 3 (Tam Bình) cho biết: “BV quy mô 350 giường nhưng thực kê 400 giường và chúng tôi đang điều trị cho 393 bệnh. Từ ngày 20/6 đến nay, BV cho xuất viện gần 50 ca, song bệnh mới cứ vào, BV quá tải, nhân viên y tế được huy động để phục vụ cho công tác dự phòng và điều trị”. Các y- bác sĩ phải chăm sóc toàn diện từ thăm khám cho đến cấp phát nhu yếu phẩm cần thiết, cơm ngày 3 bữa cho BN.

Ngoài ra, còn hơn 100 nhân viên y tế tham gia lấy mẫu test sàng lọc cho khoảng 60.000 người là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh về địa bàn huyện và tất cả thành viên hộ gia đình công nhân trên địa bàn 17 xã- thị trấn. “Tất cả quyết tâm, động viên nhau cố gắng giữ vùng xanh (vùng không có dịch), giảm mức độ từ vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) thành vùng nguy cơ cao (vùng cam), vùng nguy cơ (vùng vàng) và tiến tới trở thành địa bàn an toàn vùng xanh”.

>> Kỳ sau: Chuyện về những “chiến sĩ áo trắng”

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh