Trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, tinh thần "Đâu cần bộ đội có, đâu khó có bộ đội" càng được phát huy mạnh mẽ. Đứng trước "giặc" COVID-19 vô hình, những "Bộ đội Cụ Hồ" có mặt khắp từ tuyến biên giới cho đến nội địa để ngăn dịch bệnh lây lan. Giờ đây, bộ đội lại có mặt trên cánh đồng, trên những chuyến xe để thu hoạch, vận chuyển nông sản đi tiêu thụ giúp dân…
Trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, tinh thần “Đâu cần bộ đội có, đâu khó có bộ đội” càng được phát huy mạnh mẽ. Đứng trước “giặc” COVID-19 vô hình, những “Bộ đội Cụ Hồ” có mặt khắp từ tuyến biên giới cho đến nội địa để ngăn dịch bệnh lây lan. Giờ đây, bộ đội lại có mặt trên cánh đồng, trên những chuyến xe để thu hoạch, vận chuyển nông sản đi tiêu thụ giúp dân…
Không ngại vất vả
Tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự, chiến sĩ trẻ Đoàn Minh Luân được đưa về rèn luyện tại Tiểu đoàn 309 (Sư đoàn 330 - Quân khu 9). Khi đã dần quen với thao trường nắng gió, Luân được cơ động cùng 200 chiến sĩ khác của Sư đoàn 330, tham gia thu hoạch, vận chuyển lúa giúp dân trên địa bàn An Giang.
“Giữa đại dịch COVID-19, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nghe chỉ huy nói, nhiều nơi lúa chín vàng nhưng do giãn cách xã hội, hạn chế đi lại nên thiếu nhân công, máy móc thu hoạch, thiếu phương tiện vận chuyển lúa từ đồng ra kênh. Nhiều loại nông sản khác cũng gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, tiêu thụ. Được tham gia đợt xuất quân giúp dân thu hoạch, vận chuyển nông sản lần này, bản thân tôi rất tự hào. Sức mình còn trẻ, khỏe, được giúp bà con tôi thấy rất vui” - binh nhì Đoàn Minh Luân nói.
Vận chuyển lúa ra kênh |
Cùng cảm xúc như Luân, trung sĩ Nguyễn Duy An (Đại đội 6, Tiểu đoàn 307, Sư đoàn 330) cũng tự hào khi được tham gia xuất quân giúp dân. “Chúng tôi rất vui, ai cũng muốn chung tay, hợp sức cùng bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch. Đó cũng là cách phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới” – trung sĩ Nguyễn Duy An chia sẻ.
Với tinh thần nhiệt huyết, chung sức, đồng lòng của những người lính trẻ Sư đoàn 330 và bộ đội địa phương, nhiều tiểu vùng sản xuất lúa còn tồn lại của vụ hè thu nhanh chóng được thu hoạch. Màu áo quân nhân không chỉ có mặt trên đồng, tham gia vận hành máy gặt đập liên hợp, thu gom lúa lên xe cải tiến mà còn vận chuyển lúa ra bờ kênh, hỗ trợ cân lúa và vác lúa xuống ghe.
“Được bộ đội hỗ trợ thu hoạch và vận chuyển lúa thời điểm này, tôi như trút được nỗi lo. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nơi đây, diện tích lúa không nhiều, thấy lúa rớt giá bà con đã rầu, không thu hoạch được khi mùa mưa bão đến thì càng rầu hơn. Với sự giúp đỡ của bộ đội, lúa được thu hoạch, vận chuyển, cân, vác gì cũng nhanh. Bộ đội nhiệt tình lắm, dù giữa trời nắng chang chang vẫn nhiệt tình tham gia, nhìn màu áo xanh ướt đẫm mồ hôi mà thấy thương quá” - ông Chau Kim Sinh (nông dân thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) bày tỏ.
Sẵn sàng hỗ trợ An Giang
An Giang là tỉnh đầu tiên ở vùng ĐBSCL chủ động ký kết kế hoạch phối hợp hỗ trợ nhân dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 với Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Sau An Giang, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tiếp tục làm việc, ký kết những kế hoạch tương tự với tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau…
Đây là hành động thiết thực, đáp ứng yêu cầu cấp bách của vùng ĐBSCL, vùng trọng điểm về sản xuất lúa, cá tra, thủy sản, rau màu, trái cây của cả nước nhưng gặp nhiều khó khăn trong thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ do hầu hết các tỉnh, thành phố trong vùng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân tăng cường hỗ trợ, giúp người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, đặc biệt là hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông - thủy sản, không để ách tắc chuỗi lưu thông nông sản.
Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt, Tư lệnh Quân khu 9 cho biết, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã chia thành các tổ công tác, hỗ trợ các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phòng, chống dịch bệnh, chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ chuỗi thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, ứng phó thiên tai…
Thời gian qua, Quân khu 9 đã phối hợp tổ chức được hơn 100 chuyến xe an sinh xã hội, vận động và phân phối lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đến các vùng khó khăn ở ĐBSCL, tiếp sức cho người dân TP. Hồ Chí Minh với trị giá hàng hóa trên 44 tỷ đồng.
Trước khó khăn trong khâu vận chuyển nông sản đi tiêu thụ, Quân khu 9 đã huy động 70 xe tải chuyên dụng, tải trọng 7-8 tấn/xe, cùng đội ngũ tài xế là quân nhân chuyên nghiệp, được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, được quán triệt thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh để hỗ trợ các địa phương. Nỗ lực này đang góp phần giải quyết bài toán khó nhất trong chuỗi cung ứng hàng hóa khi mà nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đều đang áp dụng nghiêm quy định phòng dịch, việc vận chuyển nông sản nội vùng và lên TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn.
“Chỉ cần khâu vận chuyển thông suốt, tỉnh thuận tiện kết nối các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ thủy sản, rau màu, trái cây, giúp tháo gỡ bất cập hiện nay là nơi sản xuất thì ùn ứ nông sản, nơi cần tiêu thụ thì không đủ cung ứng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư thông tin.
“An Giang là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, sản lượng nhiều. Trong bối cảnh dịch bệnh, khâu cuối của nông dân trong chuỗi sản xuất là thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản gặp nhiều khó khăn. Sự hỗ trợ của Quân khu 9 thời điểm này là rất kịp thời, đáng quý, giúp tỉnh thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa không đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống người dân” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh. |
Theo NGÔ CHUẨN/Báo An Giang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin