Nhật ký giãn cách: Bác sĩ viết nhật ký từ bệnh viện dã chiến 16

07:08, 24/08/2021

Bác sĩ Vũ Mạnh Cường hiện đang thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm ICU 500 giường do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách nằm trong Bệnh viện dã chiến số 16 ngay giữa tâm dịch Sài Gòn. Và tranh thủ giờ nghỉ, anh gửi cho Dân Việt những dòng nhật ký xúc động được viết rất vội...

Bác sĩ Vũ Mạnh Cường hiện đang thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm ICU 500 giường do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách nằm trong Bệnh viện dã chiến số 16 ngay giữa tâm dịch Sài Gòn. Và tranh thủ giờ nghỉ, anh gửi cho Dân Việt những dòng nhật ký xúc động được viết rất vội...

 Bác sĩ Vũ Mạnh Cường sau ca làm việc từ lúc 7h đến 14h. Anh bảo:
Bác sĩ Vũ Mạnh Cường sau ca làm việc từ lúc 7h đến 14h. Anh bảo: "Tuy mệt nhưng vẫn vui vì mình đã và đang làm một công việc có ý nghĩa lúc này".

Ngày 7/8, bác sĩ Vũ Mạnh Cường (Khoa Cấp cứu Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cắt tóc để chuẩn bị nhiệm vụ đi chi viện cho TP. Hồ Chí Minh. Anh bắt đầu bằng những dòng chữ đầy lạc quan: "Đi cắt tóc về, vợ cười sặc sụa. Mình chẳng hiểu sao những vẫn thấy vui vì thấy vợ cười…"

Ngày 14/8 anh đặt chân đến Sài Gòn, vẫn hết sức vui: "Chỉ là đi du lịch vào mùa dịch…"

Nhật ký của bác sĩ Cường những ngày tiếp sau đó đều được viết rất ngắn, khi trao đổi, chúng tôi đề nghị bác sĩ Cường viết thêm, anh nhắn lại: "Em chỉ viết được thế thôi, hôm nào đỡ hơn, em sẽ viết dài".

Nhìn ảnh Cường chụp đôi bàn tay trắng bệch sau ca trực, lại thấy Cường viết thế này đã là quá dài: 

Ngày… tháng… năm…

Từ lúc viết đơn xung phong vào TP. HCM đến khi bước chân vào Bệnh viện dã chiến số 16 ở quận 7, tôi cũng như các anh em khác trong đoàn luôn thường trực lo lắng. Thứ nhất là làm sao để phòng hộ một cách an toàn nhất để không bị nhiễm Covid-19, vì nếu nhiễm, không những không giúp được cho người dân mà lại làm gánh nặng cho các đồng nghiệp. Thứ 2, chúng tôi là nhân viên y tế chuyên ngành Tai Mũi Họng thì không biết chuyên môn hỗ trợ điều trị Covid-19 thế nào (đó là một lĩnh vực mới). Lo lắng thứ 3 là áp lực công việc lớn trong khi phải mặc "bộ đồ vũ trụ" liên tục trong khoảng thời gian 7 đến 8h thì có đủ sức khỏe hay không?

Tuy nhiên, đến hôm nay là tuần chúng tôi đã tham gia cùng Bệnh viện Bạch Mai điều trị trực tiếp bệnh nhân Covid-19 thì những lo lắng này đã qua đi: Về phòng hộ theo quy trình của Bạch Mai (cũng không căng như mình nghĩ) với trang bị đầy đủ, cả đoàn đã được test Covid PCR cho kết quả âm tính (như vậy là tạm ổn). Về chuyên môn, chúng tôi được các chuyên gia của Bạch Mai đào tạo và bây giờ cũng đã đủ tự tin khi điều trị cùng các chuyên gia. Về sức khỏe của đoàn hiện tại cũng khá tốt. 

Công việc chính của chúng tôi bây giờ là giữ sức khỏe và đảm bảo phòng hộ tốt để tiếp tục tham gia cuộc chiến chờ ngày chiến thắng trở về.

Ngày... tháng... năm...

Từ ngày tham gia vào "công trường" số 16, tất cả chúng tôi gần như không có còn nhớ hôm nay là thứ mấy, ngày bao nhiêu mà chỉ biết mai mình sẽ làm ca nào. Chúng tôi được phân lịch làm việc 3 ca 4 kíp, ca 1: 7h đến 14h; ca 2: 14h đến 21h và ca 3 từ 21h đến 7h sáng hôm sau. 

Hôm nay, đến lượt nhóm tôi làm ca 2. Xe đón anh em ở khách sạn và đưa đến bệnh viện lúc 13h45, nhiệt độ ngoài trời lúc đó khoảng 35 độ, tất cả mọi người đều phấn chấn vào nhận việc luôn.

Bắt đầu công việc trong "bộ đồ vũ trụ" với lượng bệnh nhân không thể đông hơn, tất cả các giường bệnh đã kín bệnh nhân. Bên ngoài những chuyến xe đưa bệnh nhân đến vẫn đang xếp hàng. Hôm nay quả là một ngày khủng khiếp, tiếp nhận bệnh nhân, phân loại, xử trí trong 1h tất cả anh em đổ mồ hôi ra như các bạn đang ở trong buồng xông hơi. Người mệt thì ra được ra nghỉ một chút, người khỏe thì tiếp tục công việc. Mỗi bệnh nhân đến trong một bệnh cảnh khác nhau: người thì oxy kính, người mask túi, người thì bóp bóng, có người đến oxy còn 80%, số người kèm theo bệnh nền cũng cao (tiểu đường, suy thận, suy tim...) nhưng hầu hết là người lớn tuổi và thể trạng béo phì.

Dưới sự chỉ đạo của trưởng nhóm, anh em phối hợp làm việc khá nhịp nhàng, nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân, xử lý sơ bộ và điều phối bệnh nhân một cách hợp lý. Áp lực công việc cao nhưng mọi người làm việc rất nhiệt tình, quên cả thời gian (thực ra không biết xem đồng hồ ở đâu). Đến lúc kíp trưởng thông báo hết giờ, anh em mới biết bây giờ là 21h rồi, vui vẻ hoàn thành một ca trực mà không có bệnh nhân nào tử vong.

Chúng tôi ra thay đồ, sau khi cởi bỏ trang phục phòng hộ thì không dám tin vào mắt mình nữa, những điều chỉ có thể nhìn thấy trên tivi hay mạng xã hội thì bây giờ hiện hữu ngay trước mặt chúng tôi. Những bàn tay trắng bệch, nhăn nheo và mất nước sau khi dùng bao tay 7h. Nhìn những bàn tay thế này, tôi không còn dám đi vệ sinh nữa... chắc teo hết rồi!

Tôi cho rằng, sự hy sinh của nhân viên y tế điều trị trực tiếp bệnh nhân sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu số ca mắc tại cộng đồng vẫn tăng cao. Tất cả trông chờ vào sự quyết liệt của Chính phủ cũng như ý thức của mỗi cá nhân.

Ngày... tháng.... năm...

Hôm nay, lũ chúng tôi làm ca tối từ 21h đến 7h sáng hôm sau. Sài Gòn chào chúng tôi bằng một trận mưa đá, nhiệt độ ngoài trời dịu mát hẳn, báo hiệu 1 tua trực yên bình. Đêm nay là một đêm bình yên nhất trong các đêm trực, số lượng bệnh nhân vào ít, số tử vong tính bằng 1 con số. 

Kết thúc tua trực với một tinh thần không thể thoải mái hơn mặc dù một đêm không ngủ. Tôi đi lang thang các ngóc ngách trong viện, mấy cậu em cùng tua nhìn tôi rồi bảo nhau: "Chắc lão này có vấn đề rồi, lại nhặt lá đá ống bơ đây". Tôi thì bấm bụng bảo: "Ừ, tao đang đang đi tìm cái mầm sống trong bệnh viện đầy đau thương này".

 Ta không chọn được nơi mình sinh ra nhưng chọn được cách mình sẽ sống. Sống sao cho thành người tử tế là được, đối xử với nhau như những người thân trong nhà sẽ mang lại những niềm vui không thể miêu tả được.

Sau đó, tôi cũng đã tìm thấy mầm sống trong bệnh viện mỗi ngày vẫn đang có những ca tử vong này. Hy vọng ngày mai sẽ tươi sáng hơn…

Theo Bác Sĩ Vũ Mạnh Cường (Báo Dân Việt)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh