Ngành giáo dục "ra trận" chống COVID- 19

08:08, 04/08/2021

Biết rằng tham gia tuyến đầu chống dịch là khó khăn, nguy hiểm nhưng "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai?". Nhiều giáo viên, sinh viên, nhân viên ngành giáo dục đăng ký tham gia tuyến đầu phòng chống dịch COVID- 19.

 

 

Dù mưa hay nắng, các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch vẫn bám chốt 24/24.
Dù mưa hay nắng, các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch vẫn bám chốt 24/24.

Biết rằng tham gia tuyến đầu chống dịch là khó khăn, nguy hiểm nhưng “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai?”. Nhiều giáo viên, sinh viên, nhân viên ngành giáo dục đăng ký tham gia tuyến đầu phòng chống dịch COVID- 19.

Góp chút sức cho địa phương

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã có công văn vận động, cán bộ, giảng viên, nhân viên ngành giáo dục tham gia chống dịch. Hơn 600 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tích cực tham gia trực tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn, góp sức cùng với địa phương ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Trường THPT Phan Văn Hòa (Tam Bình) có 3 giáo viên đăng ký tham gia phòng chống dịch COVID-19 và 2 người đã được phân công nhiệm vụ. Cô Bùi Tố Quyên- giáo viên Sinh học của trường- xung phong tham gia từ đợt vận động đầu tiên. Cô cho biết: “Tui có con nhỏ 5 tuổi, biết rằng tham gia phòng chống dịch nguy hiểm nhưng cũng muốn góp chút sức cho địa phương. Mình không làm, ai làm đây”.

Nhiệm vụ của cô Quyên là tham gia tổ giám sát, tuyên truyền phòng chống COVID-19 trong cộng đồng ở 2 tổ tự quản của ấp Lông Công (xã Phú Lộc- Tam Bình). Cô Quyên giải thích: “Là đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn cho bà con cách phòng tránh, giám sát sức khỏe, lịch trình di chuyển của các hộ, cùng nhân viên y tế đi lấy mẫu các đối tượng F1, F2, công nhân khu công nghiệp,…”

Để công việc được thuận lợi, cô Quyên lập nhóm Zalo 40 thành viên với các hộ dân trong tổ cô quản lý. Do vậy, khi mọi người có thắc mắc gì có thể trao đổi trong nhóm, cô Quyên cũng kịp thời gửi thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh cho các hộ. Cô Quyên cười khi nói về những khó khăn: “Mình nói cho bà con hiểu, cũng là chòm xóm của mình xưa nay để mọi người cùng nhau thực hiện. Giờ mọi người hiểu và thực hiện tốt lắm”.

Chiến sĩ tuyến đầu phải mặc đồ bảo hộ kín bưng trong suốt 8 tiếng.
Chiến sĩ tuyến đầu phải mặc đồ bảo hộ kín bưng trong suốt 8 tiếng.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long có khoảng 45 giảng viên, sinh viên hỗ trợ các chốt kiểm dịch và tổ nấu ăn từ thiện. Nguyễn Hoài Nam- sinh viên năm 3 ngành xã hội học- đang trực Chốt số 1 tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (TP Vĩnh Long).

Nam tham gia chốt từ ngày 18/7, khi đọc được thông báo tuyển tình nguyện viên đăng trên FB trường. Nam cho biết: “Ban đầu, em cũng có lo lắng nhưng nghĩ mình ngại thì ai cũng ngại rồi ai làm đây, vậy là em xin cha mẹ cho đăng ký tham gia”.

Nhiệm vụ của Nam là thu thập thông tin, lịch trình của những phương tiện qua lại. Nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản nhưng vì có nhiều chốt chặn, đặc biệt các xe tải đường dài nên người được hỏi thông tin đôi khi khó chịu và thô lỗ. Nam cười: “Mình cũng thông cảm cho mọi người, cứ nhẹ nhàng giải thích thì các chú, các anh chị sẽ hiểu”.

Chung tay đánh bay COVID

Đang vào mùa mưa nên chốt kiểm thường “lung lay và cũng muốn bay theo gió”, đặc biệt là các bạn trực ca khuya gặp mưa nhiều, gió lớn, phải ôm chân giàn mái che của chốt trực. Hơn thế, có những nguy hiểm rình rập khi trực chốt mà các “chiến sĩ” này phải chuẩn bị tâm lý ngay từ khi tham gia.

Anh Nguyễn Trung Hậu- nhân viên Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long)- cho biết: “Từ độ giữa tháng 6 là tôi đã tham gia trực chốt rồi và cũng từ lúc đó về nhà là vô phòng luôn, không dám tiếp xúc với người trong nhà vì biết đâu mình đã gặp đối tượng nhiễm vi rút đi qua các chốt”.

Đã lường trước nguy hiểm nhưng anh Hậu cũng không tránh khỏi, mới đây có đối tượng ghé chốt trực của anh và kết quả test nhanh là dương tính. Vậy là, anh có tiếp xúc xa với F0, phải về nhà chờ kết quả xét nghiệm”. Niềm vui của anh Hậu là sự quan tâm, giúp đỡ của các cô chú anh chị xung quanh, của những người dân đi ngang “ai có gì cho đó” đến độ nhóm trực… ăn không kịp.

Ngay sau khi tham gia “Tiếp sức mùa thi”, các bạn sinh viên Trường ĐH Cửu Long đã đăng ký trực chốt kiểm dịch. Có khoảng 30 cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường đang tiếp sức ở chốt kiểm dịch trong thời gian này.

Sinh viên Huỳnh Nhật Huy tại chốt kiểm dịch xã Phú Quới.
Sinh viên Huỳnh Nhật Huy tại chốt kiểm dịch xã Phú Quới.

Huỳnh Nhật Huy- sinh viên năm thứ 4 ngành xét nghiệm y học- Trường ĐH Cửu Long- đã nhận được giấy tốt nghiệp tạm thời, vẫn ở lại cùng trường tham gia hỗ trợ địa phương chống dịch. Huy đã tham gia nhiều chốt trực theo nhu cầu và sự phân công của đoàn trường. Hiện tại, em cùng các bạn trực chốt tại UBND xã Phú Quới (Long Hồ). Đây là địa bàn dịch bệnh phức tạp, nhiều ca nghi nhiễm, nhiều nơi bị phong tỏa,…

Huy cho biết: “Em xem Vĩnh Long là quê hương thứ 2 của mình nên xin ba mẹ (ở U Minh- Cà Mau) được ở lại hỗ trợ phòng chống dịch. Em đã chọn học khối ngành sức khỏe nên mong muốn góp phần phòng chống dịch địa phương, hết dịch em sẽ đi xin việc làm”.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng không thiếu những tấm lòng của hàng ngàn cán bộ, giảng viên, giáo viên và sinh viên tham gia chống dịch. Xin cảm ơn “những người sống vì mọi người”!

Với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, bà Trương Thanh Nhuận- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long mong muốn: “Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Vĩnh Long hãy tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung tay phòng chống dịch COVID-19”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh