Trong các đợt giãn cách xã hội, một số ngành nghề có thể linh hoạt làm việc tại nhà, giảm thời gian làm việc tại đơn vị. Nhưng có một nơi không lúc nào có thể vắng đi bàn tay lao động, đó chính là gian bếp nấu ăn cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Cơ sở Chăm sóc người bệnh tâm thần là một trong số ấy.
Các khâu chuẩn bị bữa ăn cho đối tượng tại cơ sở Chăm sóc người bệnh tâm thần (ảnh chụp lúc chưa giãn cách xã hội). |
Trong các đợt giãn cách xã hội, một số ngành nghề có thể linh hoạt làm việc tại nhà, giảm thời gian làm việc tại đơn vị. Nhưng có một nơi không lúc nào có thể vắng đi bàn tay lao động, đó chính là gian bếp nấu ăn cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Cơ sở Chăm sóc người bệnh tâm thần là một trong số ấy.
Với nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, trị liệu cho khoảng 105 người bị rối nhiễu tâm trí, Cơ sở Chăm sóc người bệnh tâm thần (xã Thanh Đức- Long Hồ) trong mùa dịch COVID-19 đang cố gắng hết sức, vượt qua trở ngại để hoàn thành công việc. Ngoài đội ngũ trực ở các khu thì không gian bếp cũng được bố trí người phù hợp, sao cho đảm bảo các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh, tăng cường sức đề kháng cho người bệnh.
Chị Mỹ Hạnh- nhân viên cấp dưỡng- cho biết: “Ngoài tuân thủ các nguyên tắc cấp dưỡng thì quá trình tiếp nhận hàng hóa, chúng tôi luôn đảm bảo khử khuẩn, giữ khoảng cách để phòng chống dịch bệnh. Tôi cùng với các chị em thay phiên nhau thực hiện công việc”.
Chị Đoàn Thanh- giáo viên dạy trẻ khuyết tật- chia sẻ: “Khi dịch bệnh đến, tạm thời phải cho trẻ nghỉ học, tôi được điều động hỗ trợ nấu ăn cho người bệnh tâm thần. Đây là công việc mới mẻ với tôi, việc chế biến thức ăn với số lượng lớn ban đầu khiến tôi bỡ ngỡ nhưng qua một thời gian cũng đã dần quen”. Chị kể do môi trường đặc thù nên không phân biệt vị trí việc làm, khi tình huống cần thì mọi người chung tay hỗ trợ gánh nặng cho nhau.
Bắt đầu từ 5h30, gian bếp đỏ lửa khi các chị lui cui nấu bữa sáng cho đối tượng. Khi tiếp nhận hàng từ siêu thị, các chị lại tất bật sơ chế, nấu nướng theo thực đơn đã được lên sẵn từ trước, với các món ăn thơm ngon, đủ dinh dưỡng như: gà kho, thịt kho hột vịt, canh cải thịt bò... Mọi người thường hay nói đùa dù các đối tượng không có người thân bên cạnh, thiếu thốn tình cảm gia đình nhưng về khoản lao động trị liệu, vui chơi giải trí, đặc biệt là ăn uống không bao giờ thiếu hụt. Bởi khẩu phần ăn được quy định cụ thể của Nhà nước và được các mạnh thường quân gần xa thường xuyên gửi tặng.
Khi luôn tay trong công việc, ai nấy cũng đều mang khẩu trang để tự bảo vệ sức khỏe mình cũng như mọi người xung quanh. Tiếng xoong nồi, thau chậu, rổ rá, tiếng nước rửa ráy thực phẩm không ngớt, những giọt mồ hôi cần lao lấm tấm càng khiến hình ảnh các chị thêm đẹp vẻ đảm đang, quán xuyến. Sau khi nấu xong bữa chính, mọi người tranh thủ lặt rau, băm tỏi, pha nước mắm, quét dọn sạch sẽ gian bếp. Chị Nhung khệ nệ bưng khay cơm, mang bao tay xới cho cơm vào nồi, khen cơm hôm nay thơm.
Chị Mỹ Hạnh cho biết thêm, những chai nhựa, thùng giấy chị cất riêng một góc, để dành bán ve chai, số tiền thu được sẽ mua bánh kem tổ chức sinh nhật cho các đối tượng. Đó là việc làm nhỏ nhưng chất chứa yêu thương mà mọi người dành tặng cho người bệnh với tinh thần: “Cơ sở là nhà, đối tượng bảo trợ xã hội là người thân”. Đó là nhiều mảnh đời đáng thương về đây nương tựa chung một mái nhà.
Mỗi người một việc, phối hợp nhịp nhàng, cứ thế những bữa ăn ngon đậm đà tình cảm làm vui lòng người bệnh tâm thần, tròn đầy thiện cảm. Công việc nào cũng rất đáng trân trọng, với những người đem tâm sức, tỉ mỉ, trau chuốt làm ấm nồng thêm nghĩa tình gian bếp cũng là như vậy.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin