Tôi đi cách ly

09:07, 10/07/2021

Vào khu cách ly COVID- 19 là một trải nghiệm mà chắc không ai muốn và tôi đã có những ngày như thế. Nhưng nếu nhìn thoáng hơn, đó là nơi để chúng ta cảm nhận giá trị gia đình, tình người và giá trị của cuộc sống.

 

Những người hùng áo xanh trong lòng tôi.
Những người hùng áo xanh trong lòng tôi.

Vào khu cách ly COVID- 19 là một trải nghiệm mà chắc không ai muốn và tôi đã có những ngày như thế. Nhưng nếu nhìn thoáng hơn, đó là nơi để chúng ta cảm nhận giá trị gia đình, tình người và giá trị của cuộc sống.

10 giờ, biết mình có tiếp xúc đối tượng nghi nhiễm khi công việc còn đang dang dở, tôi có vài phút bàng hoàng. Với bài báo “Thí sinh bình tĩnh, tự tin thi tốt nhé”, tôi quyết định bình tĩnh ngồi viết cho xong, bất giác đeo khẩu trang lên dù đang ngồi một mình trong phòng. Vì ngày mai có chuyên trang do tôi phụ trách, sẽ không kịp để ai đó làm thay và đó là nhiệm vụ của mình thì làm sao an lòng cho được!

Như có dự cảm, tôi soạn sẵn tư liệu, in giáo trình trên file lớp online mình đang học gói ghém lại, sắp xếp việc nhà! Lòng chỉ còn những mối lo về mẹ và con trai nhỏ.

14h30, tôi chính thức biết mình là F1, tôi gõ nhanh những dòng vắn tắt báo cấp trên. Gọi điện thoại cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, nghe giọng tôi giòn giã, chị bác sĩ cũng cười xòa: “Em tiếp xúc F0 nào? Rồi, chuẩn bị đồ đạc đi, tối chị rước”.

Ngay sau đó, những tin nhắn, cuộc gọi dồn dập hỏi thăm, an ủi! Tôi chân thành cảm ơn những tình cảm mọi người dành cho mình. Mừng là nhiều ngày qua không tiếp xúc bất kỳ ai, trừ gia đình mình.

Trạm y tế gọi, tôi lên xe ra trạm vì nhà tôi nằm trong đường đan, xe không tới được. Đứa con trai 8 tuổi chạy theo mẹ, khóc rống lên không cho mẹ đi… Lúc này, tôi mới rớt nước mắt: “Chuyến đi công tác dài nhất của mẹ 21 ngày”.

Lên xe cứu thương, gặp một bạn ngồi cùng, em còn đang khóc thút thít. Xuống xe cứu thương, gặp một bà cụ sinh năm 1933 đi cách ly cùng cả gia đình. Bà mới phẫu thuật mắt còn dán bông băng, người gầy còm mà bộ đồ bảo hộ dày cộp cũng không thể che đi được. Bà đi không được, chân run run, phải 2 người dìu. Có cả bé trai mới hơn 1 tuổi, là cháu chắt ở cùng nhà, được mẹ ẵm trên tay, bé không biết gì ngáp dài ngáp vắn. Xe cứu thương chở gia đình bà đầy ắp đồ, nào tã sữa, nào máy quạt,… Thấy thương bà, thương bé, thương cả nhà và cảm thấy mình còn may mắn biết bao nhiêu!

Kệ nệ kéo va li lên tầng 3 trong bộ đồ bảo hộ, tôi tưởng chừng bao nhiêu mồ hôi và mỡ trong người như được dịp tuôn ra. Lại xúc động khi nhớ đến những y- bác sĩ, những người tình nguyện trên tuyến đầu chống dịch phải mặc bộ đồ bảo hộ này suốt ca, có khi suốt ngày...

Trước mặt tôi là căn phòng thoáng mát có sẵn dụng cụ cần thiết và đây là lần đầu tiên “có người lo cơm nước” sẵn cho như thế. Tôi nghĩ thầm chắc là mình sẽ rảnh rỗi lắm đây! Đời phóng viên hơn 10 năm, từng lăn lộn biên giới, biển đảo thì phòng cách ly này “còn tốt chán”. Tôi ngủ một giấc ngon lành, sau một đêm vất vả với đủ loại cảm xúc. Nỗi lo lớn nhất của tôi vẫn là con trai F2 tình yêu của mình ở nhà. Nhớ mẹ nhiều nhưng hãy khỏe mạnh, chăm ngoan con nhé!

Sáng bị đánh thức bởi tiếng ồn của những phòng cách ly “hàng xóm”, bỗng nhớ thời sinh viên đến lạ. Gần 7h, được đo nhiệt độ và khi cái bụng cảm thấy đói meo thì hộp bánh canh được mang tới, ngon lạ lùng. Không biết do đói hay do bánh canh ngon thật. Những suất cơm của những ngày sau đó cũng sạch sẽ, tươm tất và đủ dinh dưỡng với thịt, rau củ quả,… Cứ đến giờ, những bạn nhân viên sẽ để suất ăn trước bàn của mỗi phòng.

Ăn sáng, cơm trưa loay hoay lại đến cơm chiều, chị trong phòng không việc gì làm cứ nằm say mê ngủ! Tôi đi cách ly còn mang theo cả giáo trình, laptop để học online và còn nợ tiểu luận chưa làm. Mọi việc thuận lợi hơn cả khi ở nhà, chỉ có nỗi nhớ con, nhớ cuộc sống bên ngoài vì “cái chân” hay đi nay phải “bó gối” ngồi yên một chỗ.

Những âm thanh cuộc sống bên ngoài làm tôi thấy nao nao. Tiếng các cầu thủ đá bóng trên sân vận động phía sau, tiếng cười của các em vận động viên điền kinh… Tôi ngắm nhìn thế giới bên ngoài, ước ao thời gian qua nhanh hơn…

Chị Nga trong phòng tôi, cách ly nhưng vẫn đau đáu lo chuyện nhà cửa, chị là công nhân và cũng là trụ cột của gia đình. Chị cứ lo không biết cách ly tốn tiền nhiều không, chị sợ không có tiền trả, sợ hết lương,… Thương chị quá, dù chồng tôi nghỉ không lương, nhưng ít ra chúng tôi còn chút tiền dự phòng đủ sống tháng này! Thỉnh thoảng nghe tiếng khóc thé của bé trong khu, lòng lại thấy xót xa...

Những bữa ăn ở khu cách ly luôn được chuẩn bị nóng hổi, sạch sẽ và thơm ngon.
Những bữa ăn ở khu cách ly luôn được chuẩn bị nóng hổi, sạch sẽ và thơm ngon.

Thương nhất và ấn tượng nhất với tôi là các bạn áo xanh trong khu cách ly. Những bộ đồ bảo hộ che bộ quần áo mồ hôi ướt rượt bên trong. Khi thì giao cơm, khi thì giao nước, những thùng nước 21 lít cho mỗi phòng đôi ngày phải thay thùng khác. Còn mấy bận giao đồ người nhà gửi vào. Vất vả mà còn nguy hiểm nữa! Nên với tôi, các anh chị, các bạn ở khu cách ly là những người hùng. Những người hùng ấy cũng không cộc cằn, thô lỗ với những đối tượng F1 chúng tôi mà rất nhẹ nhàng. Xin được chân thành cảm ơn những người hùng áo xanh bảo hộ!

Tôi viết tiếp những dòng này, khi đã về nhà vì F0 tôi tiếp xúc đã âm tính. Bất ngờ thay, tôi nhận được cuộc gọi từ chị Nga chung phòng. Giọng chị run run: “Chị dương tính rồi cưng ơi”. Tôi trấn an chị “điều trị tốt để sớm về chị nhe”, một lần nữa, tôi nhìn cái vali của mình!

Nếu chẳng may bạn là F0, F1 hay F2 thì hãy bình tĩnh chấp nhận nó và cố gắng hết mức có thể bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh. Bình tĩnh đối diện, không đổ lỗi và hãy dùng thời gian cách ly một cách có ý nghĩa nhất. Với những người còn chưa là nạn nhân của COVID- 19, xin đừng kỳ thị, hãy mở lòng giúp đỡ những người đang cách ly hay tự cách ly. Hãy cố gắng ý thức cao nhất, để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh!

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh