Chúng tôi mở "Chợ Nghĩa Tình"

03:07, 18/07/2021

Hai tuần thí điểm xong thì đúng lúc TP HCM phát lệnh phong tỏa. "Chợ Nghĩa Tình" được yêu cầu triển khai tại 22 điểm của TP. Hạnh phúc nào sánh bằng. Lợi nhuận lớn nhất của chúng tôi là chỗ đó

Hai tuần thí điểm xong thì đúng lúc TP HCM phát lệnh phong tỏa. "Chợ Nghĩa Tình" được yêu cầu triển khai tại 22 điểm của TP. Hạnh phúc nào sánh bằng. Lợi nhuận lớn nhất của chúng tôi là chỗ đó

 Giao diện của “Chợ Nghĩa Tình”
Giao diện của “Chợ Nghĩa Tình”

"Em thấy ý tưởng rất hay. Có thể giúp phân phối hàng hóa cứu trợ đúng theo nhu cầu và đến tận tay người nhận. Nhà tài trợ sẽ rất hài lòng. Nhưng không chỉ 0 đồng, mà có thể mở cho các tiểu thương, các nhà cung cấp bán hàng với giá hỗ trợ. Bà con và công nhân trong các khu bị phong tỏa vẫn có thể "đi chợ" được" - Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ nói, sau khi nghe tôi trình bày chỉ khoảng 30 phút về ý tưởng về "Chợ nghĩa tình".

Cần giải pháp bền vững

Rồi ông Bùi Tá Hoàng Vũ hào hứng: "Làm ngay thôi anh. Bên anh hỗ trợ kỹ thuật. Hàng hóa thì Sở Công Thương TP sẽ lo. Điều hành, đóng gói và vận chuyển, lực lượng tình nguyện viên thì Thành đoàn TP HCM chịu trách nhiệm".

Đến bây giờ, khi đã có một lực lượng tình nguyện viên đủ để phục vụ và tin cậy, sự ổn định về nguồn hàng và cách thức phục vụ đã được khẳng định, tôi vẫn muốn nói với anh em trong nhóm dự án rằng: “Cuộc chiến” thực sự mới bắt đầu!

Cuộc họp bàn kế hoạch triển khai một cái chợ với sự hỗ trợ của công nghệ đã được quyết định luôn vào lúc 16 giờ ngày hôm sau. Các bên có một tuần để chuẩn bị. Quyết tâm của nhóm chúng tôi là phải làm sao để thứ ba tuần sau triển khai thử tại 2 điểm. Cuối tuần rút kinh nghiệm. Sau đó, triển khai đầy đủ tại 2 điểm trong 2 tuần. Tiến tới áp dụng trong phạm vi toàn TP HCM. Bắt đầu là phân phối các hàng hóa cứu trợ, sau đó mở bán.

Lúc đó, tôi đang ở Hà Nội, may mà kịp nhờ một mentor tại TP HCM (là anh Phan Thanh Giản) tham gia họp cùng, không thì không biết làm sao ngày mai có thể khởi động được dự án.

  Hàng hóa được tình nguyện viên của chonghiatinh.vn mang đến tận nhà cho người dân TP HCM đang ở trong khu vực bị phong tỏa
Hàng hóa được tình nguyện viên của chonghiatinh.vn mang đến tận nhà cho người dân TP HCM đang ở trong khu vực bị phong tỏa

Vậy nhưng, khi chính thức bắt đầu khởi động dự án, tôi lại khá tin tưởng dù rằng các anh chị như Hoài Sơn từ bên Thành đoàn TP HCM, anh Dũng bên Sở Công Thương TP HCM và các anh chị em khác tham dự đều có tâm trạng như tôi, là chưa hiểu mình định làm gì và sẽ phải làm gì, làm từ đâu. Ngay cả team chúng tôi, anh em Tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNiX - những người đưa ra ý tưởng, cũng bất ngờ.

Mọi việc bắt đầu từ vài tuần trước đó, khi một mentor của FUNiX ở Bắc Giang là chị Nguyễn Thị Thành Thực nêu ra vấn đề với 2 nội dung: Thứ nhất, hiện nay, tại các vùng bị phong tỏa ở Bắc Giang, công nhân và bà con gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cuộc sống vì mất nguồn thu nhập, không có chợ và không được đi chợ. Thứ hai, nông sản và thực phẩm được làm ra tại các vùng này đang khó tiêu thụ; hàng hóa cứu trợ cũng gặp khó khăn trong khâu phân phối, mà việc này có thể kéo dài, thậm chí hàng tháng nữa.

Cần có một giải pháp bền vững để có thể huy động cộng đồng trợ giúp với sự điều phối của chính quyền địa phương cấp xã/phường, dựa trên nguồn lực và cung cầu của chính địa phương đó. Dựa trên ý tưởng chợ 0 đồng mà bà con đang tự phát triển khai, chúng tôi quyết định xây dựng một "chợ cóc" trên mạng, do các tình nguyện viên tại địa phương quản trị.

Giá niêm yết: 0 đồng

"Chợ" - thực ra là một website (http://chonghiatinh.vn) dành riêng cho người dân TP HCM. Những người gặp khó khăn có thể đi "chợ", tìm mua thực phẩm và những nhu yếu phẩm cho mình và không phải trả tiền hoặc chỉ trả theo giá hỗ trợ.

Hàng hóa bày trên chợ sẽ xuất phát từ 2 nguồn: Thứ nhất, hàng được cứu trợ; những người cứu trợ, mua hàng sẵn. Thứ hai, nông sản, thực phẩm của bà con ngay trong địa phương. Hàng cứu trợ sẽ được bày với giá niêm yết là 0 đồng. Hàng do bà con bán sẽ do bà con tự "niêm yết" giá theo nguyên tắc giá tối thiểu.

Một bản tổng hợp hàng hoá xuất nhập trong ngày của Chợ Nghĩa Tình
Một bản tổng hợp hàng hoá xuất nhập trong ngày của Chợ Nghĩa Tình

Người đi "chợ" có thể lựa hàng và cho vào giỏ. Hằng ngày, ban quản lý "chợ" sẽ gom hàng, phân loại, đóng gói theo từng đơn hàng, sau đó các tình nguyện viên chuyển đến trực tiếp cho người mua. Các nhà tài trợ đóng góp cho địa phương mình, có thể chuyển tiền hoặc hàng cho ban quản lý "chợ" địa phương.

Nhóm dự án đã triển khai prototype (bản chạy thử) rất nhanh. Dù vậy, cần phải có điều kiện thực chiến. Tuy nhiên, khi liên hệ với các cấp chính quyền ở một số tỉnh phía Bắc thì họ đều e ngại vì không có lực lượng để triển khai. Một nhà báo người quen của tôi, đã nhiệt tình giới thiệu dự án này với lãnh đạo TP HCM. Cơ duyên đó đã đưa nhóm tôi đến gặp ông Bùi Tá Hoàng Vũ và câu chuyện lúc đó mới thực sự bắt đầu.

Dự án được đặt tên mới là "Chợ Nghĩa Tình", với sự thống nhất cao của các chàng trai, cô gái ở cả ba nhóm: Sở Công Thương TP HCM, Thành đoàn TP HCM và FUNiX. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề phát sinh.

Đầu tiên là khả năng và trình độ sử dụng smartphone của người dân lao động. Họ sẽ gặp khó khăn khi mở tài khoản, đăng ký và giao dịch. Ngoài việc cải thiện giao diện của website, nhóm tình nguyện viên đã có sáng kiến lấy danh sách dân cư và đăng ký trước. Người dân cũng có thể viết yêu cầu ra giấy và tình nguyện viên giúp họ nhập thông tin lên máy tính.

Vấn đề thứ hai là cả TP HCM chỉ có một tổng kho để giữ hàng cứu trợ. Trong khi đó, mô hình của "Chợ Nghĩa Tình" là phân tán đến địa phương. Thực tế dịch bệnh tiến triển nhanh, cuối cùng đã buộc phải theo mô hình phân tán. Hằng ngày, các tình nguyện viên sẽ tập hợp thành báo cáo tổng hợp cho TP.

Một vấn đề nan giải được đặt ra lúc bấy giờ là làm thế nào để ngăn một người có thể "mua" nhiều hơn nhu cầu thực tế? Ban đầu, nhóm thực hiện dự án cho rằng không nên hạn chế về mặt kỹ thuật. Thực ra, không ai bán hàng mà lại hạn chế người mua, dù đấy là một cái chợ để làm việc từ thiện, dù tất cả hàng hóa được "bán" với giá 0 đồng, nhưng thực tế đã đòi hỏi ngoài việc phải tuyên truyền khuyến cáo thì vẫn cần có các giải pháp hạn chế bằng kỹ thuật.

Rất vất vả nhưng ấm lòng

Đến giờ G. Khi những gói đồ đầu tiên do bà con lao động "mua" trên "Chợ Nghĩa Tình" được chuyển đến tận người sử dụng, ai trong nhóm dự án cũng mừng rỡ. Các tình nguyện viên, dù rất vất vả vì là lực lượng tuyến đầu nên việc gì cũng đến tay, cũng thấy ấm lòng.

Tiếp tục triển khai thí điểm ở huyện Hóc Môn và quận Bình Tân, rất nhiều vấn đề kỹ thuật và vận hành phát sinh. May mắn, nhóm thực hiện dự án được tiếp viện bởi team "thiện chiến" Utop của Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software). Các vấn đề lần lượt được giải quyết, dù là in ấn hay giao diện, kể cả quy trình xử lý đơn hàng.

Hai tuần thí điểm xong thì đúng lúc TP HCM phát lệnh phong tỏa. "Chợ Nghĩa Tình" được yêu cầu triển khai tại 22 điểm trên toàn TP. Và chúng tôi đã không cầm được cảm xúc khi nhận hàng loạt bức thư của khách hàng từ những khu cách ly, khu phong tỏa phản hồi vì đã được các bạn tình nguyện viên của chúng tôi phục vụ chu đáo, hàng hóa đến tay kịp thời và bảo đảm giữ được chất lượng. Với người bán hàng, như thế là có hạnh phúc nào sánh bằng. Lợi nhuận lớn nhất của chúng tôi cũng là chỗ đó. 

Cảm thấy vui và ấm lòng

Trong thư viết tay gửi về cho nhóm thực hiện dự án, khách hàng Hoàng Ngọc Châu, ở trong một khu cách ly tại TP HCM, viết: "Hôm nay là một ngày mưa nhưng lòng tôi cảm thấy ấm áp vì nhận được những nhu yếu phẩm từ chương trình "Chợ Nghĩa Tình" do các đoàn viên của xã mang đến. Bản thân tôi cảm thấy đây là chương trình ý nghĩa và thiết thực đối với những người dân đang ở trong khu phong tỏa, vì chúng tôi có thể mua các nhu yếu phẩm trực tuyến cho mỗi ngày nhưng giá trị phải trả lại là 0 đồng…

Cảm thấy vui và ấm lòng vì mình vẫn đang được chính quyền, tổ chức xã hội và các mạnh thường quân quan tâm và không bị bỏ lại trong cuộc chiến chống covid này. Ngoài ra, những phần quà này lại được chính các cháu đoàn viên mang đến khiến tôi vô cùng xúc động".

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh