Những ai đam mê, nghiên cứu văn hóa Óc Eo chắc hẳn không thể bỏ qua quê hương An Giang của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nơi đây được xác định là địa bàn phát triển trọng yếu của nền văn hóa này.
Những ai đam mê, nghiên cứu văn hóa Óc Eo chắc hẳn không thể bỏ qua quê hương An Giang của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nơi đây được xác định là địa bàn phát triển trọng yếu của nền văn hóa này. Từ những di chỉ Óc Eo Ba Thê, Gò Cây Tung, Đá Nổi- Phú Hòa, Định Mỹ, các nhà khảo cổ học đã tìm ra nhiều phế tích kiến trúc, di chỉ cư trú, xưởng chế tác thủ công, hệ thống kinh đào cổ… minh chứng cho thành quả lao động và sáng tạo của cư dân nơi đây, góp phần tạo nên diện mạo đặc sắc, phong phú của nền văn hóa Óc Eo.
Không những vậy, bên cạnh rất nhiều hiện vật được phát hiện từ các di tích khảo cổ học của nền văn hóa Óc Eo, trong số đó đến nay An Giang đã có 5 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh An Giang.
Tượng Phật gỗ
Tượng Phật gỗ được phát hiện tại khu vực di tích Giồng Xoài (ấp Sơn Hòa, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất- Kiên Giang) thuộc không gian phía Tây Khu di tích Óc Eo- Ba Thê. Tượng được chế tác theo mẫu quy chuẩn của tượng Phật giáo Theravada có nguồn gốc từ Ấn Độ, còn nguyên vẹn, có thể nhận diện rõ các đặc điểm chi tiết tiêu biểu so với các hiện vật cùng loại.
Tượng là hiện vật tiêu biểu, kết tinh đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình nói riêng, điêu khắc nói chung và là đỉnh cao của kỹ thuật chế tác thủ công vốn là nghề truyền thống được hình thành và phát triển lâu dài trong lịch sử vùng đất Nam Bộ. Tượng Phật gỗ còn được bổ sung và làm đa dạng thêm quá trình trao đổi, giao lưu phát triển trong thời kỳ văn hóa Óc Eo từ nội dung thể hiện theo hình mẫu tôn giáo được du nhập đến kỹ thuật chế tác, trang trí.
Về góc độ khoa học, đây còn được ví là hiện vật quý, hiếm, là tư liệu lịch sử quan trọng đối với việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, tôn giáo, lịch sử trao đổi quan hệ văn hóa cũng như nhận diện các đặc điểm văn hóa, xã hội, tín ngưỡng, cư dân ở Óc Eo- Ba Thê nói riêng và ĐBSCL nói chung trong thời kỳ này. Tượng Phật gỗ được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đợt 8 năm 2019.
Tượng Phật đá
Tượng mang đặc trưng của phong cách nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ, với những đường nét tiêu biểu từ nền nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ. Hiện vật là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra rất mạnh trong thiên niên kỷ I công nguyên giữa cư dân ĐBSCL với Ấn Độ thông qua các hoạt động trao đổi thương mại phát triển thời kỳ này.
Trên hình mẫu du nhập qua quá trình trao đổi, giao lưu văn hóa, tượng Phật đá được chế tác trên nền chất liệu sa thạch mịn vốn là loại nguyên liệu chính được ưu tiên sử dụng cho các điêu khắc tôn giáo ở ĐBSCL từ giữa thiên niên kỷ I công nguyên. Mặc dù đặc điểm hình mẫu và các chi tiết trên tượng tuân thủ đầy đủ các đặc điểm tôn giáo du nhập, song những đường nét thể hiện trên khuôn mặt đã mang những dấu ấn rõ nét của cư dân bản địa, có thể xem như một biểu hiện của sự bản địa hóa, cùng với đường nét thể hiện được sự mềm mại, hài hòa, cân đối… đã cho thấy trình độ tay nghề của các nghệ nhân tạo tác rất điêu luyện và đầy tinh tế. Tượng Phật đá được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia năm 2019 cùng đợt với tượng Phật gỗ.
Bộ Linga- Yoni Linh Sơn
Hiện vật được phát hiện tại ấp Trung Sơn (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) năm 1985. Bộ Linga- Yoni Linh Sơn là cứ liệu lịch sử quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Vương quốc cổ Phù Nam và đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình trong lịch sử Vương quốc Phù Nam. Bức tượng có những nét đặc trưng riêng bên cạnh sự tương đồng rõ nét thể hiện qua nội dung tôn giáo Ấn Độ được tiếp nhận thông qua quá trình trao đổi, giao lưu và tiếp biến văn hóa.
Cùng với hệ thống các di tích kiến trúc tôn giáo được tìm thấy phân bổ đậm đặc ở khu vực Linh Sơn và Khu di tích Óc Eo- Ba Thê, hiện vật là tư liệu nổi bật minh chứng cho giai đoạn phát triển đỉnh cao của văn hóa Óc Eo, là sản phẩm của quá trình trao đổi, tiếp xúc giữa văn hóa bản địa và các yếu tố ngoại nhập, là điểm nhấn quan trọng góp phần làm rõ nét hơn cho diện mạo khu di tích Óc Eo- Ba Thê, vốn được xem là trung tâm dân cư- kinh tế- văn hóa phát triển rực rỡ trong thời kỳ văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam.
Bộ Linga- Yoni Linh Sơn được tạo tác bằng chất liệu sa thạch hạt mịn màu nâu đen, bệ thờ sa thạch, hạt mịn màu xám đen. Tính độc đáo trong việc sử dụng kết hợp 2 loại chất liệu đá khác nhau đã mang lại hiệu ứng về thẩm mỹ cũng như tính hướng tâm, làm cho khối linga- yoni nổi bật lên hẳn khi được đặt trên phần bệ đỡ cũng được chế tác cầu kỳ; đồng thời còn mang lại hiệu ứng về mặt tôn giáo, về sự cao quý cho hiện vật được thờ phụng có tính chất quan trọng này.
Ngoài ra, chính mức độ phức tạp và sự hoàn thiện, tính thẩm mỹ cao, hiện vật được xem là một trong những tác phẩm điêu khắc thành công nhất và chuẩn mực nhất được tìm thấy trong văn hóa Óc Eo cả về mặt thẩm mỹ lẫn kỹ thuật chế tác. Hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia đợt 9 năm 2020.
Tượng thần Brahma
Tượng thần được phát hiện tại khu vực Giồng Xoài vào năm 1983, được làm bằng đá sa thạch có niên đại thế kỷ thứ VI- VII. Tượng thần Brahma là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, là sản phẩm của quá trình trao đổi giao lưu văn hóa giữa văn hóa Ấn Độ với cư dân bản địa ở vùng đất Nam Bộ trong quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo thời kỳ này.
Xét về giá trị văn hóa, lịch sử, tượng thần Brahma Giồng Xoài là tư liệu khoa học quý, hiếm, có giá trị quan trọng cho các ngành khoa học có thể tiếp cận nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, không chỉ đối với khảo cổ học mà còn có giá trị lớn đối với lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, quan hệ ngoại giao, tôn giáo… của vùng đất Nam Bộ với khu vực và rộng hơn trong thời kỳ văn hóa Óc Eo. Tượng được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia vào đợt 7 năm 2018.
Bộ Linga- Yoni đá nổi
Bộ Linga- Yoni đá nổi có niên đại từ thế kỷ thứ V- VI, được phát hiện ở Khu di tích Đá Nổi (Phú Hòa, An Giang). Hiện vật được làm bằng kim loại vàng, đồng thau, là sản phẩm của quá trình trao đổi, giao lưu văn hóa của cư dân văn hóa Óc Eo với bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Ấn Độ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo.
Đây là hiện vật tiêu biểu cho dấu ấn lịch sử mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ đối với vùng đất Nam Bộ và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong nửa sau thiên niên kỷ I. Hiện vật là bằng chứng quan trọng trong việc nhận diện lịch sử phát triển của các hoạt động trao đổi thương mại, tương tác văn hóa cùng lịch sử truyền bá ảnh hưởng của tôn giáo từ nền văn minh Ấn Độ đến vùng đất này trong lịch sử1. Hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đợt 7 năm 2018.
Đến với An Giang, tham quan vùng đất miền Tây Nam Bộ của Tổ quốc, tìm hiểu nghiên cứu các bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Óc Eo, cũng là cách để chúng ta trải nghiệm, nâng cao kiến thức, mở mang tầm nhìn về lịch sử kiến tạo và phát triển của vùng đất, con người vùng ĐBSCL.
(1) Bài viết có sử dụng tư liệu Báo An Giang Online (angiang.gov.vn)
Bài, ảnh: MINH TRIẾT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin