Kể chuyện làng: Hạt muối làng tôi

05:06, 29/06/2021

Làng tôi không giống với các làng khác. Tôi thường nói với bạn bè: "Quê mình chỉ có nhiều núi và muối: ba bề là núi bao bọc, núi gần núi xa, núi sát sau nhà, núi ra tận biển, chỉ phía Đông mới trông được đi xa".

Làng tôi không giống với các làng khác. Tôi thường nói với bạn bè: “Quê mình chỉ có nhiều núi và muối: ba bề là núi bao bọc, núi gần núi xa, núi sát sau nhà, núi ra tận biển, chỉ phía Đông mới trông được đi xa”.

Nhà tôi nằm sát chân núi, nên núi và muối trở nên thân thuộc từ khi còn thơ ấu. 

Có con sông ngắn chừng hơn 3 km chảy từ hóc núi ra đầm Cù Mông, chia làng thành hai bên: Tuyết Diêm Bắc - Tuyết Diêm Nam.

Con đường Quốc lộ 1A chạy ngang qua phần đất Tuyết Diêm Nam tạo thuận lợi cho việc đi lại. Từ thành phố Quy Nhơn (Bình Định) vào chỉ hơn 30 km, từ Thị xã Sông Cầu (Phú Yên) ra chỉ 20 km. Ngày xưa, mỗi lần muốn qua lại giữa hai bên làng phải chờ con nước thủy triều xuống rồi đến chỗ bến lội vén quần lội sang. Ngày nay đã bắc cầu, xe hai bánh chạy bon bon tới nơi.

Cũng ngày xưa, người mua muối phải dùng ghe bầu cặp bờ, muối phải gánh từ kho ra ghe để chở ra cửa biển Cù Mông ra biển Đông. Ngày nay không mấy người dùng ghe nữa mà chở bằng xe tải vừa nhanh vừa được số lương lớn.

Núi nhiều, ruộng ít lại sát đầm nước mặn, không có sông nước ngọt, chỉ vài con suối nhỏ từ khe chảy ra hòa với nước mặn của đầm.

Vào mùa mưa mới có nước ngọt, mùa nắng khô khốc. Ruộng ở gần núi xa sông chỉ trồng lúa được một vụ nhờ nước trời. Đất ở gần sông được khai thác làm muối. Đến mùa mưa không làm muối thì làm đìa nuôi tôm, nuôi cá.

Một góc đồng muối Tuyết Diêm.
Một góc đồng muối Tuyết Diêm.

Đồng muối làng tôi có 140 ha, sản lượng cũng không nhiều vì năng suất muối sản xuất theo truyền thống thủ công, ngắn ngày, thời gian kết hạt tùy thuộc vào độ nắng của trời. Năm nào nắng nhiều đạt 18.000 tấn, năm mưa xem kẻ sản lượng chừng 15.000 tấn. Có lẽ chất đất, nước biển đầm Cù Mông đã tạo ra hạt muối chất lương tốt cho làng tôi.

Thu hoạch muối ở Tuyết Diêm.
Thu hoạch muối ở Tuyết Diêm.

Sau Tết Nguyên đán người ta bắt đầu làm. Trước hết là đắp lại những chỗ bị nước làm xói lở bờ bao, kiểm tra bộng dùng để lấy nước từ ngoài sông vào các con mương, đắp các chứa lạc, chứa mặn để trữ nước tăng cường cho ruộng muối. (Vùng ruộng xa đầm, muốn lấy nước từ sông vào phải chờ con nước mẩy mới lấy được. 

Nước ngoài sông vào chứa lạc độ mặn còn thấp chưa chết những con cá nhỏ theo nước vào đây, nhưng khi nước sang chứa mặn thì cá không sống được nữa.

Nước trữ ở ruộng chịu thì độ mặn ngang với nước của ruộng cho muối nên đưa sang không bị thau muối). Tùy theo diện tích lớn, nhỏ, chia thành dây ruộng muối: nhỏ nhất 7 đám, lớn nhất 24 đám, mỗi đám có diện tích 8x12m (độ rộng vừa với hai cán tran cào muối). 

Cứ hai đám ruộng ăn (ruộng cho muối) có một đám ruộng chịu dùng trữ nước đã phơi nắng nhiều ngày qua các chứa lạc, chứa mặn vào trữ ở ruộng chịu khi cần châm thêm vào ruộng ăn để muối lớn hạt, số lượng nhiều hơn. 

Bắt đầu là cày đất, bừa cho nhuyển bằng phẳng, giăng dây chia ra các đám ruộng xong thì đắp bờ các đám ruộng, dùng cây vồ đập hai bên hông bờ cho đất kết lại cứng chắc; tiếp theo là làm đất ruộng: trang mặt ruộng cho phẳng đều nhau, không để nơi cao nơi thấp thì muối kết đều hơn, dùng bàn đầm đầm mặt ruộng từ khi nước lắp xắp đến khô mặt rồi dang nắng vài ngày, sau đó cho nước mặn đã phơi nắng vào các đám ruộng. 

Khi muối bắt đầu nở hạt dưới mặt ruộng cũng là lúc người theo dõi quá trình kết hạt gọi là ông bầu phải dùng cái trang nhỏ kéo các hạt muối bọt nổi trên mặt nước vào cho chìm sát bờ vì những hạt muối này không lớn lên để nó chìm xuống giữa hai hạt muối trên mặt ruộng sẽ làm hạn chế phát triển của hạt muối ấy.

Khi nước ở ruộng ăn (ruộng cho muối) cạn thì ông bầu mở lổ lù cho nước bên ruộng chịu sang để có thêm nước làm hạt muối to, dày lên. Sau khoảng 5-7 ngày thì thu hoạch. 

Người khỏe mạnh dùng tran cào muối thành đống, người hốt vào thúng, người gánh lên đổ thành đống trên gò cao. Để biết thu hoạch được bao nhiêu, người ta vun đống muối theo hình chóp nón, đo chu vi đáy và chiều cao rồi xem ở barem đã có tính sẵn số tấn.

Những việc làm nặng nhọc như đẩy bùn cho sạch mặt ruộng, cào muối, do đàn ông đảm nhận, họ phải làm từ hừng đông sáng. Những việc như múc nước cho khô mặt ruộng, hốt muối vào rỗ, gánh muối từ ruộng lên gò cao cả nam và nữ đều làm được.

Làm ruộng muối phải theo thời tiết vào mùa nắng, nên da dẻ ai cũng sạm nắng, nhưng rắn chắc, khỏe mạnh. Diêm dân là nghề chịu đựng "một nắng hai sương" rất chính xác với các từ này.

Hạt muối Tuyết Diêm đi đến nhiều nơi, ra tận Đà nẵng để sản xuất nước mắm, nêm nấu cho các bà nội trợ, lên tận Tây Nguyên phục vụ đồng bào, bộ đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ.

Sau giải phóng làng muối Tuyết Diêm được chính quyền cho thành lập Hợp tác xã sản xuất muối nên đời sống diêm dân được cải thiện hơn trước, nhà ngói nhà tôn xây tường gạch thay cho nhà tranh vách đất trước kia.

Nhà nào cũng có vài ba chiếc xe gắn máy để đi lại, thồ muối, ti vi, tủ lạnh, máy bơm nước…nhiều nhà có cả internet nữa nên cuộc sống đã thay đổi so với thời xưa một khoảng cách khá xa.  

Bây giờ, làng muối đã được Trung ương đầu tư 165 tỷ đồng xây bờ kè chạy ven đầm Cù Mông kiên cố bằng xi măng nên việc đi lại vận chuyển muối có thuận lợi hơn xưa.

Chính quyền tỉnh Phú Yên, thị xã Sông Cầu rất quan tâm hỗ trợ diêm dân, xin cấp thương hiệu cho hạt muối Tuyết Diêm, kêu gọi nhà đầu tư khai thác, chế biến muối để nâng cao đời sống người lao động.

Hạt muối nhỏ nhoi nhưng nó cũng quan trọng cho cuộc sống của con người. Không thể thiếu muối dù nó chỉ cần một lượng rất nhỏ. Hạt muối còn gắn kết tình cảm con người từ ngàn xưa cho tới mãi mãi về sau:

"Tay bưng đĩa muối chấm gừng,

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau".

Muối hầm ra lò đã nguội.
Muối hầm ra lò đã nguội.

Mỗi lần về thăm quê, khi trở về thành phố, trong gói quà quê của tôi không thể thiếu muối hầm của quê hương. Có những chuyến đi công tác, tiện xe tôi chở cả tạ muối này về làm quà.

Theo Nguyễn Hải Phú/Dân Việt

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh