"Hết dịch anh sẽ về!"

02:06, 11/06/2021

Vượt qua bao vất vả, khó khăn nơi miền biên giới Tây Nam, những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được tăng cường về tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại An Giang cũng mang theo quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất. Và phía sau sự quyết tâm ấy là những câu chuyện đời rất riêng của họ.

 

Cao Văn Hùng (đứng giữa) và các thành viên của chốt số 15 quan sát, kiểm soát tuyến biên giới
Cao Văn Hùng (đứng giữa) và các thành viên của chốt số 15 quan sát, kiểm soát tuyến biên giới

Vượt qua bao vất vả, khó khăn nơi miền biên giới Tây Nam, những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được tăng cường về tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại An Giang cũng mang theo quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất. Và phía sau sự quyết tâm ấy là những câu chuyện đời rất riêng của họ.

Lần thứ 2, tôi trở lại biên giới Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc) trên chiếc vỏ lãi của BĐBP để thăm các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Từ ngày dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tuyến biên giới đã trở nên rất “nóng” bởi nguy cơ người nhập cảnh trái phép mang theo mầm bệnh đe dọa cộng đồng. Do đó, lực lượng làm nhiệm vụ tại đây luôn phải căng mình chống dịch bất kể ngày, đêm.

Chúng tôi đến biên giới khi mặt trời đã quá ngọn sào và sức nóng cũng bắt đầu trải dài trên cánh đồng lúa mênh mông. Điểm dừng chân đầu tiên là chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 số 15 của Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (BĐBP An Giang). Giữa màu xanh ngút ngàn của lúa, chốt 15 hiện lên nổi bật với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Đón tôi là thiếu úy Cao Văn Hùng, một cán bộ được tăng cường từ BĐBP Phú Yên vào hỗ trợ tỉnh An Giang chống dịch.

Qua lớp khẩu trang, tôi nhận ra người thiếu úy này còn khá trẻ, chất giọng lại mang đậm sắc thái… Hà Tĩnh. Thiếu úy Cao Văn Hùng chia sẻ: “Tôi quê gốc ở Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) nhưng khi ra trường thì được phân công về nhận nhiệm vụ tại BĐBP Phú Yên. Cách đây 2 tháng, tôi đến tham gia phòng, chống dịch ở miền biên giới Tây Nam này. Lúc mới vào đây, cảm giác rất nhớ đơn vị, nhớ nhà và nhớ biển! Tuy nhiên, tôi đã xác định là người lính thì bất kể khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, mà ở đây là thắng “giặc COVID”. Do đó, anh em trên chốt luôn động viên nhau phải vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”. 

Khi được hỏi về đời tư, đôi mắt của người cán bộ trẻ ánh lên niềm vui nho nhỏ. Thiếu úy Cao Văn Hùng chưa có gia đình, nhưng đã có người yêu ở quê hương Hà Tĩnh. Ngày dịch COVID-19 chưa bùng phát, họ vẫn thường xuyên đến thăm nhau. Giờ dịch diễn biến phức tạp, Hùng được phân công vào An Giang để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép, kết hợp với phòng, chống các loại tội phạm qua biên giới. Ở quê, cô người yêu Nguyễn Thị Tố Uyên cũng khăn gói lên đường đến… Bắc Giang làm thanh niên tình nguyện tham gia chống dịch. Ở 2  con người trẻ tuổi ấy có sự tương đồng rất lớn về lòng yêu nước.

“Những ngày này, chúng tôi chỉ liên lạc nhau qua điện thoại. Mỗi lần gặp nhau lại kể cho nhau nghe về những gì mình đang sống, đang làm, rồi động viên nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi luôn xác định sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn, chấp nhận “yêu xa” để cuộc sống mình có ý nghĩa hơn” - thiếu úy Cao Văn Hùng khẳng định.

Chia tay các thành viên của chốt số 15, tôi lặn lội hơn 1 cây số bờ ruộng để gặp gỡ đại úy Phạm Công Thành, người cán bộ từ “thành phố hoa phượng đỏ” Hải Phòng vào đây làm nhiệm vụ hơn 2 tháng. Anh được phân công bám chốt số 19 của Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn. Người lính chân tình, cởi mở ấy cứ vui vẻ chuyện trò với tôi như thể thân quen nhau từ lâu lắm. Khi tôi hỏi đến gia đình, anh có chút bồi hồi.

“Ngày tôi vào đây nhận công tác là lúc 2 đứa con song sinh chưa đầy 4 tháng tuổi. Thật lòng, mình rất bịn rịn lúc ra đi. Được làm bố, niềm hạnh phúc chưa tròn đã phải lên đường nhận nhiệm vụ ở vùng biên giới xa xôi này. Tuy nhiên, phẩm chất người lính cụ Hồ luôn là động lực giúp tôi vượt qua tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ. Được sự quan tâm của Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn và anh em trên chốt, tôi dần vượt qua nỗi nhớ nhà. Có đi đến đây, mới cảm thấy yêu quý đất nước mình, từ biển khơi cát trắng Hải Phòng cho đến biên giới Tây Nam xanh màu lúa” - đại úy Phạm Công Thành bộc bạch.

Hiểu được nỗi vất vả của Phạm Công Thành, người vợ Nguyễn Thanh Huyền cũng thường xuyên liên lạc qua Zalo để anh gặp các con. Kể đến đó, đôi mắt người cha ấy lại nhìn ra cánh đồng xa xăm như giấu đi nỗi nhớ! Được sự động viên của gia đình, Phạm Công Thành quyết tâm hoàn thành thật tốt nhiệm vụ vì bình yên, vì sức khỏe của nhân dân. “Tôi xác định mình phải kiên cường hơn nữa, phải vượt qua khó khăn để toàn tâm chống dịch với anh em. Khi cả nước đồng lòng chống dịch, bản thân tôi là người lính ở tuyến đầu thì phải xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Tôi thường khuyên vợ cố gắng chăm con, khi nào hoàn thành nhiệm vụ tôi sẽ lại về với gia đình. Khi ấy, tôi mới thấy xứng đáng với chiếc quân hàm xanh trên vai áo”- đại úy Phạm Công Thành kiên định.

Chia tay những người lính giữ biên cương, tôi trở về với niềm tin vào lực lượng đang chốt chặn nơi tuyến đầu chống “giặc COVID”. Điều ấn tượng nhất chính là ánh mắt và sự quyết tâm của những người lính đến từ khắp mọi miền đất nước cùng tham gia chống dịch tại An Giang. Các anh phải gác lại tình riêng, căng mình trên biên giới với lời nói đầy quyết tâm cùng một nửa của đời mình: “Hết dịch anh sẽ về!”

Theo Báo An Giang

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh