Nhớ về một họa sĩ Liên Xô vẽ Bác Hồ

12:05, 23/05/2021

Ngày 1/8/2018, đoàn công tác cùng bức tranh sơn dầu vẽ Bác Hồ ngồi làm việc tại Phủ Chủ tịch vào năm 1960 đã về đến Việt Nam, hoàn thành nhiệm vụ sưu tầm tài liệu, hiện vật bổ sung hoàn thiện các bộ sưu tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch năm 1960.  Tranh sơn dầu của P.Kuznetsov
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch năm 1960. Tranh sơn dầu của P.Kuznetsov

Ngày 1/8/2018, đoàn công tác cùng bức tranh sơn dầu vẽ Bác Hồ ngồi làm việc tại Phủ Chủ tịch vào năm 1960 đã về đến Việt Nam, hoàn thành nhiệm vụ sưu tầm tài liệu, hiện vật bổ sung hoàn thiện các bộ sưu tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh.

Sinh thời, Bác Hồ là người yêu thích hội họa. Bác còn là tác giả của nhiều tranh đả kích, tranh biếm họa, tranh minh họa, tranh cổ động… Nhiều tranh của Bác trên các tờ báo như Người cùng khổ (do Bác sáng lập năm 1922 tại Pháp), Thanh niên (do Bác sáng lập năm 1925 tại Quảng Châu), Thân ái (do Bác sáng lập năm 1928 tại Thái Lan), Việt Nam độc lập (khi Bác về nước năm 1941)…

Còn đối với văn nghệ sĩ, Bác luôn quý trọng và dành nhiều tình cảm. Trong bức thư gửi các họa sĩ vào năm 1951, Người đã chỉ rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đã có rất nhiều họa sĩ Việt Nam chọn đề tài vẽ Bác Hồ như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Huỳnh Phương Đông, Dương Bích Liên, Trần Đình Thọ, Nguyễn Cao Thương, Xu Man,... Đặc biệt có bức tranh lụa vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu năm 1947 gửi từ bưng biền Đồng Tháp ra chiến khu Việt Bắc… Nhiều họa sĩ người nước ngoài với tấm lòng tôn kính cũng đã chọn đề tài vẽ Bác Hồ. Trong phạm vi bài viết này, xin được phép nhắc đến một họa sĩ ở đất nước xa xôi, lạnh giá nhưng có thời gian công tác tại Việt Nam, được trực tiếp ngồi cạnh để vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là họa sĩ Công huân Liên Xô Aleksei Petrovich Kuznetsov.

Họa sĩ P.Kuznetsov (1916 - 1993) vừa là họa sĩ đồng thời là nhà sư phạm tài năng, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tác và công tác giảng dạy. Với hơn 30 năm là Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Quốc gia Leningrad (nay là St. Petersburg), họa sĩ P.Kuznetsov đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ, rất nhiều người trong số này đã để lại dấu ấn trong lịch sử hội họa Nga.

Vào năm 1960, Bộ Văn hóa Liên Xô cử ông sang Việt Nam công tác 2 năm để giúp thành lập Trường Mỹ thuật Quốc gia Hà Nội và phát triển trường phái hội họa. Trong thời gian ở Việt Nam, họa sĩ P.Kuznetsov chẳng những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sư phạm đào tạo nhiều họa sĩ nổi tiếng cho đất nước ta mà còn sáng tác nhiều tác phẩm về đất nước và con người
Việt Nam.

Những tác phẩm của ông trong thời gian này chủ yếu vẽ chân dung và tranh phong cảnh. Những bức tranh của Kuznetsov mang đậm nét trữ tình, tinh tế trong nội dung và hình thức thể hiện. Với chất liệu sơn dầu phóng khoáng, mạnh mẽ, ông đã sử dụng các gam màu một cách rất tinh tế, đã chuyển tải thành công vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam- một dân tộc vừa làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đang vừa bắt tay vào xây dựng quê hương đất nước vừa làm nhiệm bảo vệ Tổ quốc chống quân xâm lược. Trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, họa sĩ thừa nhận: “Phong cảnh Việt Nam thật tuyệt vời, đất nước Việt Nam tuyệt diệu, con người Việt Nam nhân hậu, mến khách. Phong cảnh thiên nhiên đã hấp dẫn họa sĩ, làm cho họa sĩ chìm đắm và khơi dậy niềm vui sáng tác bất tận”. Điều này được thể hiện qua các bức tranh được ông vẽ trong năm 1960 và 1961 như: “Chợ hoa ở Hà Nội”,“Góc phố Hà Nội”, “Hoàng hôn trên vịnh Hạ Long”,“Chiến sĩ Điện Biên Phủ”,...

Trong 2 năm làm việc tại Việt Nam, họa sĩ P.Kuznetsov đã sáng tác trên 70 bức tranh sơn dầu và hơn 200 bức phác họa. Nhiều tác phẩm trong số đó đã được triển lãm ở Hà Nội và ở nước ngoài. Trong số đó có bức tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc trong khu vườn Phủ Chủ tịch vào năm 1960. Đây là bức vẽ chân dung Bác với chất liệu sơn dầu, khổ đứng (47cm x 67cm). Với bút pháp khỏe khoắn, gam màu tươi tắn, thu hút bởi hình ảnh một lãnh tụ Việt Nam với tấm lòng bao la, nhân hậu, sống cuộc đời thanh cao, bình dị. Sau 2 năm công tác, họa sĩ Kuznetsov rời Việt Nam mang theo về nước nhiều tác phẩm hội họa, trong đó có 2 bức tranh vẽ Bác Hồ.

Theo Ban Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, sau khi biết đến năm 2017 gia đình cố họa sĩ P.Kuznetsov vẫn còn lưu giữ 2 bức tranh chân dung của Bác Hồ, tháng 5/2017, Nhà nước ta cho phép Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đoàn công tác sang Nga tìm gặp gia đình họa sĩ đặt vấn đề xin mua lại bức tranh và các ký họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh để bổ sung hiện vật cho Khu di tích, nhưng tiếc thay gia đình không bán. Năm sau, vì lý do kinh tế, gia đình họa sĩ đã rao bán các tác phẩm của ông, trong đó có 2 bức tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Gallery Art của TP St. Petersburg. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức giá khởi điểm 750.000 rúp mỗi bức (khoảng hơn 230 triệu đồng Việt Nam theo tỷ giá hiện nay) là không hề cao, nên khả năng sẽ có một nhà sưu tập nào đó mua. Và nếu như điều đó xảy ra chúng ta sẽ phải tốn công, tốn của mua lại bức tranh từ một nhà sưu tập tranh nào đó với mức giá chắc chắn sẽ cao hơn nhiều lần giá ban đầu. Và đó sẽ là một sự lãng phí ngân sách nhà nước và quan trọng hơn cả là sự thất thoát di vật quốc gia- di sản Hồ Chí Minh!

Quả như dự đoán, trong lúc chúng ta đang tiến hành các hồ sơ, thủ tục thì một nhà sưu tập tranh người Nga đã trả giá gấp đôi giá khởi điểm ban đầu nên gia đình đã bán 1 bức, chỉ còn bức tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc trong khu vườn Phủ Chủ tịch. Sau thời gian dài kiên trì theo đuổi mục tiêu, việc tiến hành kiểm định tính nguyên gốc của tác phẩm, thương thảo giá cả, phương thức thanh toán, giấy phép đưa bức tranh ra khỏi nước Nga… đã hoàn thành. Ngày 1/8/2018, đoàn công tác cùng bức tranh sơn dầu vẽ Bác Hồ ngồi làm việc tại Phủ Chủ tịch vào năm 1960 đã về đến Việt Nam.  

Với những đóng góp của mình, họa sĩ P.Kuznetsov đã được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Hữu nghị và danh hiệu GS. Trường Mỹ thuật Quốc gia Hà Nội. Cho đến nay những tác phẩm hội họa của ông được coi là một trong những di sản văn hóa quan trọng, là chứng nhân giai đoạn lịch sử của đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những tác phẩm của họa sĩ P.Kuznetsov đã góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam và Liên Xô trước đây với nước Nga ngày nay.

ANH TIẾN

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh