Chăm sóc và trị liệu hiệu quả người bệnh tâm thần

08:05, 14/05/2021

Cùng với quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, hoạt động trị liệu bằng lao động, âm nhạc,... đã góp phần giúp những người bệnh tâm thần có sức khỏe tốt hơn, sống tích cực hơn và có thể hòa nhập cộng đồng.

 

Tổ chức lao động trị liệu tại khu phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần.
Tổ chức lao động trị liệu tại khu phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần.

Cùng với quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, hoạt động trị liệu bằng lao động, âm nhạc,... đã góp phần giúp những người bệnh tâm thần có sức khỏe tốt hơn, sống tích cực hơn và có thể hòa nhập cộng đồng.

Chiều một ngày đầu tháng 5/2021, khu Phục hồi chức năng của Cơ sở Chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh tâm thần (xã Thanh Đức- Long Hồ) đang có 7 người bệnh ngồi chăm chút đan thảm chùi chân, giẻ nhắc nồi. Đây là một trong những hoạt động trị liệu tổ chức cho người bệnh. Tùy vào khả năng, sức khỏe, mong muốn của từng người mà hoạt động trị liệu được đưa ra phù hợp.

Cô N.T.D. (55 tuổi) được đưa vào cơ sở này hơn 4 năm nay. Làm động tác bện sợi vải thuần thục, cô D. nói: “Được dạy qua, tui học một buổi là biết làm rồi” và chậm rãi kể, nửa buổi lao động sẽ đan được nửa tấm thảm hoặc có khi 1 miếng giẻ. Tiếp tục chia sẻ, cô D. kể vừa làm việc (lao động trị liệu) vừa cùng trò chuyện với các em, các cháu, cô thấy cởi mở tinh thần, bớt buồn hơn. Sản phẩm làm ra được cơ sở bán cho khách ủng hộ, giúp người bệnh có thêm thu nhập.

Anh N.V.Th. nhỏ hơn cô D. 10 tuổi, được đưa vào đây cũng từng ấy năm. Tuân thủ chế độ chăm sóc, thuốc men điều trị, anh Th. nói: “Thấy đầu óc thoải mái, tinh thần khuây khỏa hơn, không nằm ì để buồn”. Anh nhớ lại mình đã từng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Rồi vì biến cố anh phải vào cơ sở để được chăm sóc, trị liệu mấy năm nay và giờ anh Th. cảm thấy đã phần nào phục hồi về thể chất và tinh thần.

Tỏ ra nhanh nhạy, liến thoắng, chị N.T.Kh. nói khi mình vào cơ sở này đến nay thì con gái được 4 tuổi. Bệnh rồi vào đây mấy năm nay, năm nào cùng các cô chú, anh chị, cũng được cơ sở tổ chức sinh nhật tập thể vui lắm! Nói tròn câu, không vấp váp, chị Kh. bày tỏ đã được sự quan tâm chăm lo cho mình như anh chị em từ bữa ăn tới giấc ngủ, thuốc men, lao động, vui chơi, để rồi “mình không còn nghĩ tới cái chết nữa”- người bệnh 41 tuổi diễn đạt vậy.

Cơ sở Chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh tâm thần thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) được xây mới khang trang sạch đẹp, đưa vào hoạt động tháng 7/2020. Cơ sở hiện quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, trị liệu 107 người bệnh tâm thần. Họ là đối tượng bảo vệ khẩn cấp như người tâm thần lang thang, xin ăn; người bệnh tâm thần đặc biệt nặng không người chăm sóc nuôi dưỡng. Trong đó có 45 người bệnh tâm thần không có gia đình thăm gặp.

Ông Nguyễn Văn Châu- Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội, phụ trách Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh tâm thần- cho biết, người bệnh ở đây được cung cấp dinh dưỡng, chăm sóc, lao động trị liệu, vui chơi giải trí... theo quy định. Về chăm sóc điều trị, hàng tháng có cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện đến thăm khám lập hồ sơ bệnh án cho bệnh mới, điều chỉnh thuốc men cho người bệnh cũ. Khi có người bệnh kích động, cơ sở phối hợp chuyển qua Bệnh viện Tâm thần gần đó.

Chị Nguyễn Hồng Hiệp- nhân viên chăm sóc, phục hồi chức năng- cho biết, khi người bệnh tuân thủ thuốc men điều trị, họ ổn định và hiểu biết, thích lao động và nghe theo lời cán bộ hướng dẫn chăm sóc.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Châu, cơ sở tổ chức tùy vào sức khỏe, tinh thần và kỹ năng người bệnh tâm thần mà trị liệu phù hợp. Hoạt động trị liệu lao động, trị liệu âm nhạc thu hút tất cả người bệnh tâm thần tham gia, bước đầu tạo được hiệu quả về thể chất, tinh thần cho họ. Họ đan thảm, đan giẻ, trồng hoa màu, cây ăn trái. Cơ sở tổ chức tư vấn, tham vấn tâm lý cho người bệnh; tổ chức sinh nhật tập thể mỗi quý cho 25 người. Từ vận động xã hội hóa, mỗi dịp như vậy có bánh kem, bàn tiệc, hát karaoke cùng nhau và người bệnh nói mong muốn về món ăn yêu thích để chuẩn bị cho lần sinh nhật kế tiếp...

Những hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, trị liệu nói trên đã góp phần trợ giúp sức khỏe người bệnh, giúp họ tỉnh táo, ý thức được bản thân, nhớ được nhà, nhớ được người thân, phấn chấn yêu đời, có lối sống tích cực hơn,... Với các kết quả có được, cơ sở sẽ sắp xếp kết nối với gia đình, địa phương trong thăm gặp và giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng khi đủ điều kiện.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý 214 đối tượng bảo trợ xã hội (gồm 40 người cao tuổi, 34 người khuyết tật, 102 người bệnh tâm thần, 38 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt). Trung tâm tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đề ra gắn với phương châm: “Kết nối yêu thương, trợ giúp kịp thời và thúc đẩy sự thay đổi”. Tạo mọi điều kiện trong chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh cho đối tượng, giúp họ có sức khỏe tốt, có lối sống tích cực và hòa nhập...

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh