Vui Chol Chnam Thmay cùng phum sóc hôm nay

07:04, 15/04/2021

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và ý thức tự thân của bà con mà đời sống đồng bào Khmer Vĩnh Long ngày càng chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày. Về các phum sóc những ngày mừng năm mới Chol Chnam Thmay, chúng tôi cảm nhận nhiều niềm vui mới.

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và ý thức tự thân của bà con mà đời sống đồng bào Khmer Vĩnh Long ngày càng chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày. Về các phum sóc những ngày mừng năm mới Chol Chnam Thmay, chúng tôi cảm nhận nhiều niềm vui mới.

Chùa Kỳ Son đón Chol Chnam Thmay.
Chùa Kỳ Son đón Chol Chnam Thmay.

Tết vui no ấm

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 25.000 người dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 2,1% dân số. Toàn tỉnh có 2 xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn là xã Tân Mỹ (Trà Ôn) và xã Loan Mỹ (Tam Bình). Tại chùa Kỳ Son (ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ), không khí tết rộn ràng.

Ông Trần Văn Thảo- Bí thư kiêm Trưởng ấp Sóc Rừng- cho hay: “Tết này tuy không náo nhiệt như những năm chưa có dịch COVID-19, nhưng cũng rất vui vì bà con làm nông trúng mùa, được giá”. Nói rõ ra thì “chưa có năm nào giá lúa cao như năm nay- tới 140.000 đ/giạ, mà lại bội thu năng suất mỗi công cỡ 8 tấn”- ông vui vẻ nói.

Thời gian qua, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhiều công trình phúc lợi được quan tâm xây dựng và phát triển.

Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh đã giảm còn 9,2%; toàn tỉnh có 4/8 xã có đông đồng bào Khmer đạt chuẩn nông thôn mới và giữ vững 19/19 tiêu chí. Song song đó, công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện.

Sinh ra và lớn lên ở lung Bà Hy (ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình- TX Bình Minh), ông Kim Doi (74 tuổi) cũng nghèo như cái lung này. Mới năm trước, căn nhà lá ọp ẹp nên ông Kim Doi không ngủ được mỗi khi trời mưa.

Đôi mắt của ông đã bị mù hơn 23 năm, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Nay thì trong căn nhà tường mới xây, ông mò mẫm từng viên gạch, lần mò vách tường đi lại riết rồi mọi ngóc ngách trong nhà đối với ông trở nên thân thuộc. “Con cái đều ở trong lung Bà Hy, nghèo, mần mướn hết. Tui có mơ cũng hổng nghĩ mình được ở nhà tường như vầy”- ông Kim Doi nói.

Chúng tôi thấy trong nhà có mớ dây lác đã được chẻ sẵn, lá chuối một nắng dẻo dai sẵn sàng để gói bánh tét cúng ông bà. Ông Kim Doi nói: “Nhà có 4 người nhưng tui gói 3kg nếp lận, đây là tết lớn nhất trong năm của người Khmer mà”.

Phát biểu tại buổi họp mặt Tết Chol Chnam Thmay, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đề nghị: Các cấp ủy đảng, chính quyền, UBMTTQ tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, các vị chức sắc, chức việc Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh, tham mưu đề xuất kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có liên quan đến dân tộc, tôn giáo; thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer, tạo điều kiện để đồng bào nâng cao đời sống vật chất, tham gia sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định pháp luật.

Thay áo mới nông thôn

Là địa bàn có 100% hộ đồng bào Khmer sinh sống, bộ mặt nông thôn ấp Cần Súc (xã Loan Mỹ) như được thay áo mới. Đời sống nông hộ được nâng lên, nhiều căn nhà mới khang trang thay cho những căn nhà lá trước đây. Trong tổng số hơn 280 hộ đồng bào Khmer trong ấp, hiện chỉ còn 6 hộ nghèo và 20 hộ cận nghèo. Là địa phương vùng sâu, nhưng hiện tại 100% hộ dân của ấp Cần Súc đều có nước sạch sử dụng.

Phấn khởi hơn khi giờ đây, toàn bộ các tuyến đường ấp đều được trải nhựa hay lót đan, xe chạy bon bon. Đặc biệt, tuyến đường nhựa đi qua địa bàn ấp được Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ 90 triệu đồng lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời, không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện an toàn hơn trước, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương mà còn góp phần thay đổi diện mạo làng quê.

Ông Thạch Chưng- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Cần Súc- cho biết: “Tháng 6 năm ngoái, đường đan được làm, đi lại dễ dàng. Thương lái vô nhiều, hàng nông sản của nông dân bán có giá hơn”.

Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước quan tâm đầu tư cho các vùng dân tộc. Trong ảnh: Trường Tiểu học Phù Ly.
Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước quan tâm đầu tư cho các vùng dân tộc. Trong ảnh: Trường Tiểu học Phù Ly.

Cuối năm 2020, xã Trà Côn được đầu tư 350 triệu đồng kéo điện cặp kinh Xà Rinh (ấp Ngãi Lộ A, dài 700m). Quẹo trái rồi quẹo phải trên những con đường đan uốn lượn theo nếp vườn, băng vào giữa đồng ấp Ngãi Lộ A, chúng tôi đến nhà chú Thạch Út.

Cũng vì nhà giữa đồng nên hộ chú Thạch Út và các hộ lân cận trước nay không có điện sử dụng. Chú Út chỉ tay rặng dừa xa xa: “Trước đây tui xin câu đuôi mấy nhà xóm, biết là bậy lại không an toàn nhưng vẫn bấm bụng làm”. Giờ chú không còn lo mưa gió, điện tới “nhà tuốt trong đồng”, chú cười thật tươi: “Hồi Tết Nguyên đán tới giờ, coi ti vi, quạt mát đã quá”.

Tết Chol Chnam Thmay hay còn gọi là Tết đón năm mới của người Khmer là lễ lớn và được mong đợi nhất trong năm. Tết diễn ra trong 3 ngày: Ngày thứ nhất gọi là “Maha Songkran”, đây là ngày mọi người đến chùa dâng hương, cúng tế tổ tiên. Ngày thứ hai gọi là “Virak Wanabat”, đây là ngày mọi người sẽ bố thí cho những người bất hạnh, cơ nhỡ. Ngày thứ ba gọi là “Tngay Leang Saka”, đây là ngày mọi người dùng nước thơm để tắm Phật, trẻ nhỏ dùng nước thơm để rảy lên người các bậc trưởng bối, họ cho rằng làm như thế sẽ đem đến sự trường thọ và hạnh phúc.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh