Ráng chiều vừa tắt, trời sụp tối, từng bó đuốc nhấp nháy len lỏi đi giữa vườn cây vào đến đình làng. Không phải "coi cọp" chui dưới gầm sân khấu như ngày xưa nhưng người ta vẫn còn đu ngoài cửa sổ đình mà nghe hát bội. Những người sinh ra trên đồng đất rưng rưng chạm vào ký ức. Những người chưa từng nghe thì thích thú vô cùng trải nghiệm đốt đuốc xem hát bội ở Vĩnh Long.
Du khách trải nghiệm đốt đuốc ở cù lao An Bình. |
Ráng chiều vừa tắt, trời sụp tối, từng bó đuốc nhấp nháy len lỏi đi giữa vườn cây vào đến đình làng. Không phải “coi cọp” chui dưới gầm sân khấu như ngày xưa nhưng người ta vẫn còn đu ngoài cửa sổ đình mà nghe hát bội. Những người sinh ra trên đồng đất rưng rưng chạm vào ký ức. Những người chưa từng nghe thì thích thú vô cùng trải nghiệm đốt đuốc xem hát bội ở Vĩnh Long.
Ngọn đuốc mang câu chuyện cuộc sống
Ngày xưa khi chưa có điện thì đuốc là nguồn ánh sáng chính để soi rọi trong đêm. Ở miền Tây sông nước thì người ta làm đuốc từ lá dừa khô. Trước mùa mưa nhà nào cũng lo bó đuốc, phơi khô, gác lên giàn để dành.
Nhiều lúc tiện tay rút lá từ bó lá dừa dùng để nhóm bếp, lấy 2 nắm lá dừa trở đầu nhau, buộc bằng 3,4 nút dây dừa để đi những đoạn đường gần. Đuốc có nhiều cỡ tùy theo độ dài của chót lá dừa. Khi bó đuốc người ta khéo léo “gói” thêm lá dừa rời vào giữa để đuốc tròn, đẹp hơn, cháy tốt, bền hơn. Bó đuốc đẹp phải tròn, nút bó đều đặn, hai đầu được chặt bằng và cũng bó vừa tay không quá chặt cho đuốc dễ cháy.
Tay đong đưa ngọn đuốc, quơ quơ chút ánh sáng heo hắt để soi đường mà đi tới. Khi cầm đuốc phải chú ý đến hướng gió, nếu lửa yếu thì cầm đuốc ngược gió là lửa bùng lên, cũng chú ý sao cho tàn tro không bị gió thổi bay vào người khác. Nút dây là điểm quan trọng, để đuốc không bị tắt khi đến chỗ nút chặt thì nới hoặc mở ra. Hoặc nếu đuốc cháy mau quá nguy cơ chưa đến nơi đã hết đuốc thì điều chỉnh nút dây chặt lại chút để kiềm chế ngọn lửa…
Có người lỡ đường ghé ngang xin đuốc thì chủ nhà vui vẻ đem ra cho. Chủ nhà nhiệt tình còn nài cho khách thêm một cây đuốc nhỏ để phòng hờ cho chắc, không bị thiếu dọc đường. Tụi con trai choai choai hò hẹn nhau lấy đuốc đi soi đồng, bắt ếch nhái. Một quy ước “bất thành văn” của miền sông nước là đuốc trở thành ám hiệu để gọi đò. Những chiếc đò dọc chạy trong đêm khuya trên sông hễ thấy bến nào có ngọn đuốc quơ là ghé vào rước khách.
Bó đuốc không chỉ soi đường mà siết chặt tình anh em, nghĩa xóm tình làng nơi quê nghèo nhưng lúc nào cũng “tối lửa tắt đèn có nhau”… Ngọn đuốc lá dừa gắn bó với con người từ lúc sắp chào đời cho đến khi giã từ nhân thế.
Soi đường nghe tiếng hát bội quê nhà
Từ năm 2016, những người làm du lịch Vĩnh Long đã cho khách trải nghiệm đốt đuốc xem hát bội. Du khách được cầm đuốc lá dừa đi len lỏi trên đường làng đến đình An Thành (cù lao An Bình- Long Hồ) để xem hát bội.
Trước cổng đình, các bô lão với trang phục áo dài, khăn đóng đón tiếp, sau đó khách được xem cách đốt đèn măng sông, thắp hương kính bái các bậc tiền nhân có công lập làng, lập ấp. Những vở diễn kinh điển như: Tống tửu Đơn Hùng Tín, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, Thuyết Đường, San hậu…
Người xem chỉ cần nhìn vào nhân vật là có thể biết được diễn viên đang diễn vai nào từ cách trang điểm, tô vẽ trên gương mặt, từ hình dáng đến màu sắc, cả trang phục, điệu bộ, cử chỉ… Mỗi vở diễn đều gửi gắm tính giáo dục, đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đạo lý làm người.
Một cảnh hát bội phục vụ khách du lịch tại Vĩnh Long. |
Bà Phan Yến Ly- Trưởng Phòng Phát triển sản phẩm khối du lịch quốc tế Saigon Tourist- nhiều lần đến Vĩnh Long để khảo sát, kết nối du lịch và bà ấn tượng mạnh với trải nghiệm đốt đuốc đi xem hát bội ở cù lao An Bình.
Theo bà: “Chúng tôi đã từng đưa khách của Saigon Tourist đến Vĩnh Long trải nghiệm đốt đuốc đi xem hát bội. Đốt đuốc lá dừa rất hay, đặc biệt ở cả ý nghĩa triết lý trên đường cầm bó đuốc đi. Hiểu người xưa đã khó khăn vất vả như thế nào, thế hệ trẻ sẽ suy nghĩ như thế nào để tiếp nhận giá trị văn hóa tinh thần ấy và tiếp tục duy trì, phát triển nó. Hướng dẫn viên phải nghiên cứu để thuyết minh cho khách thấy hát bội độc đáo ở chỗ nào, việc cầm đuốc ý nghĩa ra sao”.
Góp ý cho sản phẩm du lịch này, ông Nguyễn Văn Mỹ- Giám đốc Công ty TNHH Lửa Việt- cho rằng cần phải đặt an toàn của khách quan trọng hàng đầu, chú ý đến hướng gió, cũng chú ý sao cho tàn tro khi đốt đuốc không bị gió thổi bay vào người khác.
Từng có ý kiến đề xuất muốn hát bội được biết đến rộng rãi thì xây dựng nhà hát để dễ dàng phục vụ du khách. Tuy nhiên những tuồng tích thấm đẫm đạo lý làm người của những con người dân quê mộc mạc chỉ thật sự ý nghĩa khi cất lên ở võ ca hay sân đình. Trong không gian văn hóa đình làng Nam Bộ, giới trẻ hôm nay ít nhiều biết được những giá trị di sản văn hóa mà ông cha đã để lại, nhớ về một thời các bậc tiền nhân đi mở cõi. Để những người không sinh ra trên đồng đất cũng được một lần sống trong không gian ký ức quê nhà.
Theo ông Nguyễn Khắc Khoan- Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Vĩnh Long, đốt đuốc đi xem hát bội ở Vĩnh Long được thử nghiệm, định hướng sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh để đưa vào phục vụ khách du lịch và liên kết với các sản phẩm du lịch các tỉnh- thành vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật này. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin