Giỗ Tổ Hùng Vương- niềm tự hào cội nguồn dân tộc

07:04, 21/04/2021

Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, chủ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương- cho rằng: vì tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nên tổ chức lễ quy mô đơn giản. Tuy nhiên, vẫn bảo đảm tính nghiêm trang của một ngày lễ quan trọng của đất nước.

 

Nghi thức dâng hoa khai lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của lãnh đạo tỉnh ngày 20/4/2021.
Nghi thức dâng hoa khai lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của lãnh đạo tỉnh ngày 20/4/2021.

Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, chủ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương- cho rằng: vì tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nên tổ chức lễ quy mô đơn giản. Tuy nhiên, vẫn bảo đảm tính nghiêm trang của một ngày lễ quan trọng của đất nước.

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp ngày giỗ Tổ đã bớt đi phần hội, nhưng không vì thế mà ý nghĩa ngày lễ nhạt phai trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam.

Người dân Việt Nam dù có sống nơi đâu trên Trái đất này, khi nghe đến hai tiếng “đồng bào”, không khỏi rưng rưng mà nhớ về đất mẹ. Khó có thể tìm một từ tương đương ở một ngôn ngữ nào trên thế giới, nghĩa đồng bào nó thâu tóm trọn vẹn hồn cốt và lý giải cội nguồn dân tộc.

Một truyền thuyết rất gần gũi, có giá trị cốt lõi của đạo lý nguồn cội tổ tiên. Cũng chính trên vùng đất thiêng Phú Thọ các vua Hùng đã dựng nên một đất nước thuở sơ khai. Các vua Hùng cũng sẽ rất tự hào về lớp cháu con sau này đã gìn giữ và mở mang một nước Việt Nam “đàng hoàng, tươi đẹp” như hôm nay.

Chính từ “đồng bào” đã định vị trong tâm thức, văn hóa truyền thống người Việt một ngày giỗ Tổ hàng năm mùng 10/3 âm lịch. Chính trường văn hóa này đã tạo nên tính cố kết cộng đồng bền chặt, vững bền; điều này được thể hiện từ trong lòng mỗi người, từ trong đơn vị nhỏ nhất của xã hội là gia tộc cho đến làng xã và quốc gia.

Một hệ thống thờ cúng tổ tiên là nét văn hóa, là truyền thống đặc trưng của người Việt Nam. Hiểu được điều này, người phương Tây, ngoại quốc mới hiểu được cụm từ “cửu huyền thất tổ” trên bàn thờ mỗi gia đình ở nước ta.

Đó là một thể thống nhất trong đạo lý cội nguồn; đó cũng là lý do mà trải qua mấy ngàn năm, trải qua bao nhiêu cuộc xâm lược dù có kéo dài bao lâu, dù có quy mô bao lớn, dù có hung bạo, tàn độc thế nào thì dân tộc này vẫn là một khối không thể tách rời. Một khối thống nhất từ trong mối quan hệ tổ tiên, nòi giống thì không có thế lực nào có thể tách rời được. Vì lẽ đó mà ngày giỗ trong mỗi gia đình có giá trị biết bao và ngày Quốc giỗ lại càng thiêng liêng, biết mấy tự hào.

Dâng hương và dâng cúng phẩm vật lên bàn thờ Quốc Tổ.
Dâng hương và dâng cúng phẩm vật lên bàn thờ Quốc Tổ.

Ý nghĩa này càng thiêng liêng, càng được tôn thờ sống chết khi ông cha ta bắt đầu “mang gươm mở cõi” về phương Nam. Có lẽ tên gọi Việt Nam (nghĩa là vượt về phương Nam) đã bắt đầu có từ lúc này, càng rời xa đất Tổ thì sự hướng vọng càng trở nên thường trực hơn, cần thiết hơn; điều này đã tạo cho đình làng Nam Bộ mang một hàm văn hóa phổ quát và đặc thù riêng.

Đình làng trở thành nơi thờ cúng Thành hoàng, các bậc Tiền hiền mở cõi và cũng là bàn thờ Quốc Tổ của cộng đồng làng xã. Người dân Vĩnh Long đã có nhiều hình thức thờ cúng các vua Hùng theo cách riêng đó một cách đáng trân trọng. Những ý nghĩa thiêng liêng này rất cần thiết truyền đạt thấu đáo cho các thế hệ trẻ, để họ hiểu thật sự và biết tự hào về nguồn cội tổ tiên.

Có thể nêu điển hình đình làng Kỳ Hà ở xã Phú Đức (Long Hồ), mà theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên gốc tên gọi đầy đủ của đình là: “Bàn thờ Quốc Tổ- đình Kỳ Hà”.

Đây là ngôi đình khá độc đáo gắn liền với những câu chuyện thú vị về nhóm người từ làng Kỳ Hà ngoài Quảng Nam đã có 2 đợt di cư bằng đường biển vào đây khá sớm so với lịch sử hình thành Long Hồ dinh.

Một trong những ngôi đình có thờ Quốc Tổ Hùng Vương sớm nhất còn có thể kể đình Long Thanh (Phường 5- TP Vĩnh Long). Kế đó là các đình làng như: đình Bình Phú (xã Mỹ An- Mang Thít), đình Bình Long (xã Đồng Phú- Long Hồ), đình Tân Hạnh (xã Tân Hạnh- Long Hồ), đình Tân Hoa (phường Tân Ngãi- TP Vĩnh Long)…

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh, thì cụ Mai Phùng Võ sinh thời đã từng đề xuất nên có một bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương của tỉnh giúp cho việc tổ chức ngày giỗ Tổ hàng năm được trang nghiêm, cũng là đáp ứng sự kỳ vọng, cúng bái giỗ Tổ hàng năm vào dịp mùng 10/3 âm lịch.

Đoàn hát bộ Đồng Thinh diễn trích đoạn bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt.
Đoàn hát bộ Đồng Thinh diễn trích đoạn bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt.

Theo ông Phan Văn Giàu- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì ngày 24/7/2007, Ban Giám đốc sở đã liên hệ với Ban Quản lý Di tích đền Hùng ở Phú Thọ, tạo điều kiện để cung thỉnh “Đất- Nước” từ đền Thượng về an vị, thì linh vị Quốc Tổ Hùng Vương của đình Long Thanh đã được cung thỉnh về bàn thờ Quốc Tổ của tỉnh Vĩnh Long, tại Bảo tàng tỉnh.

Từ đó, ban quản lý tất cả các đình làng đều tập trung về Giỗ Tổ cùng một địa điểm. Như vậy, sau bàn thờ Quốc Tổ ở Rạch Sỏi (Kiên Giang) được lập từ trước năm 1975, thì Vĩnh Long là một trong những địa phương sớm có bàn thờ Quốc Tổ cấp tỉnh ở ĐBSCL.

Từ đó đến nay, hàng năm cứ vào ngày giỗ Tổ khuôn viên Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long- nơi có gian thờ Quốc Tổ đã trở thành nơi hội tụ đông đảo người dân trong tỉnh, về đây dâng hương ngưỡng vọng, dâng cúng lên bàn thờ các vua Hùng những sản vật địa phương. Sau khi lãnh đạo tỉnh thực hiện các nghi thức, nghi lễ trang trọng khai lễ, là phần hội vui vầy rộn rã biết bao, để cùng nhắc nhớ và càng làm đậm đà hơn truyền thống tri ân cội nguồn dân tộc.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh