Rưng rưng chén cơm gạo lúa mùa

04:03, 16/03/2021

Mấy ngày nữa là ruộng lúa mùa cạn của anh Tư Việt (Lê Quốc Việt) ở Châu Thành (Kiên Giang) thu hoạch đợt chót.

 

Thu hoạch lúa mùa bằng cái vòng gặt.
Thu hoạch lúa mùa bằng cái vòng gặt.

Mấy ngày nữa là ruộng lúa mùa cạn của anh Tư Việt (Lê Quốc Việt) ở Châu Thành (Kiên Giang) thu hoạch đợt chót. Anh tổ chức cắt lúa đêm trăng, rồi đờn ca nhảy múa, rồi khuya khuya thế nào cũng có nồi cháo và rượu đế ngâm rau đắng đất.

Cái thứ rượu gì mà càng uống càng tỉnh, có lẽ do chất đắng giải nghễ, nên câu chuyện cứ kéo dài về mải miết tận đêm khuya. Những câu chuyện cảm động về hột gạo lúa mùa ngày xưa. Nghe mà nhớ thương một thời đất đai quê nhà giàu có biết bao nhiêu là giống cỏ cây bản địa xoay quanh những cánh đồng lúa mùa cạn miệt thứ, lúa mùa nổi miệt trên bạt ngàn của xứ đồng bằng.

Theo dõi từng bước đi của ruộng lúa Tư Việt, sau mấy năm lận đận giờ có chút tiếng tăm, giờ cũng “nở nồi” làm homestay sinh thái, làm nơi giao lưu nghiên cứu của giới khoa học, các bạn sinh viên trẻ, có cả những em học sinh phổ thông mà mừng dữ lắm. Khác với khu vực Tri Tôn (An Giang) có cả khu vực mấy trăm mẫu nhiều hộ nông dân cùng làm, cùng cất trại, cùng sống với nhau đông vui thành xóm ruộng và hú hí, sẻ chia nhau đủ chuyện trên trời, dưới đất.

Ruộng lúa mùa cạn của anh Tư Việt nó “mồ côi” lạc lõng giữa những đám lúa cao sản ngắn ngày. Phải nói là nể phục anh sát đất, cái chí, cái gan của anh không phải dạng vừa. Mà sự hy sinh của anh cũng xứng đáng lắm, hột gạo lúa mùa cũng xứng đáng lắm và nó phải được hồi sinh mạnh mẽ ngay trên xứ đồng bằng này.

Không chỉ là câu chuyện chén cơm, mà ruộng lúa mùa sẽ làm sống lại cả một hệ sinh thái khác nào báu vật ông trời đã ban tặng cho người đồng bằng. Chính con người “phụ rẩy” đi ngược lại thiên nhiên để rồi cái giá phải trả là không hề rẻ.

Không giúp anh được gì ngoài việc lâu lâu a lô đặt chục ký gạo lứt lúa mùa Tư Việt. Mỗi lần gọi vẫn giọng reo vui chân tình và nụ cười sảng khoái rặt chất miền Tây. Mà mỗi lần bưng chén cơm lúa mùa là mỗi lần “ăn” vào lòng những nỗi niềm rưng rưng ruộng lúa, chái bếp, mâm cơm ngày xưa.

Nhớ bếp củi nấu cơm bằng nồi gang dày cui lên lớp cơm cháy vàng ươm, giòn rụm. Nhớ ngoại dặn đổ nước vừa 2 lóng tay, cơm sôi chắt nước là vừa, không như nồi cơm điện nấu gạo thơm ngày nay hơi già lóng tay là nhão nhoẹt liền. Nồi cơm lúa mùa không thơm ngào ngạt như những giống gạo ngày nay, cái mùi đầm đầm nhẹ nhàng hít hơi thật sâu nó quê quê như mùi khói, mùi rơm.

Nó không thơm ngào ngạt mà như mang cả đậm đà tình đất, tình quê. Chính cái lúc nhóm lửa, thổi lửa bằng cái ống thổi bằng trúc lâu ngày nó mòn lẵn, láng bóng, tiếng thổi phù phù ngọn khói ngún lên mang mang chái bếp. Nhiều thứ, nhiều hình ảnh góp nhặt lại, mà nên nỗi thân thương mỗi lần được bưng chén cơm gạo lứt lúa mùa.

Câu chuyện lúa mùa cạn của Tư Việt giờ thì hết “mồ côi” rồi. TS. Nguyễn Văn Kiền- CEO của Mekong Organics (Úc)- cho biết đã nhận nguồn tài trợ và giải ngân 2 lần cho dự án hà hơi tiếp sức ruộng lúa của Tư Việt.

Nhờ vậy mà anh có đủ chí, đủ gan, đủ hứng khởi tiếp tục đeo đuổi một giấc mơ đẹp cho đồng bằng.

Anh Tư Việt (ngồi trước) trên ruộng lúa mùa cạn ở Kiên Giang.
Anh Tư Việt (ngồi trước) trên ruộng lúa mùa cạn ở Kiên Giang.

Cảm ơn những con người đủ dũng khí, đủ tình yêu đeo đuổi câu chuyện lúa mùa miền Tây, để tạo nền, tạo luận cứ, luận chứng cho TS Kiền thuyết phục các tổ chức nông nghiệp, nông lương trên thế giới tài trợ những dự án lớn khôi phục lúa mùa cho một số nước Đông Nam Á dọc theo dòng chảy Mekong. Mà trước mắt là một số khu vực ở Myanmar, Lào và Campuchia.

Niềm hy vọng về cuộc hồi sinh lúa mùa cho cả khu vực, cũng là niềm hy vọng về nước, về hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, giàu có dọc theo đường đi của dòng Mekong. Mang về sự mát dịu tốt tươi, giữa những nỗi lo khô khát của hạn mặn triền miên của nỗi ám ảnh về biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên khắc nghiệt.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh