Hột lúa nhọc nhằn, hột lúa thảnh thơi…

09:02, 12/02/2021

Làm ruộng từ thời "con trâu đi trước, cái cày theo sau" cho đến khi máy móc hiện đại được đưa vào sản xuất, thời nào mà không "có bão tháng bảy, có mưa tháng ba". Dù trải bao ngọt bùi, đắng cay thì hột lúa vẫn nảy mầm lên xanh rồi lại vẹn nguyên chở nặng mùa vàng. Và trong những lần dầm mưa dãi nắng đó, có hột nhọc nhằn, hột lại thảnh thơi…

 

Làm ruộng từ thời con trâu đi trước, cái cày theo sau” cho đến khi máy móc hiện đại được đưa vào sản xuất, thời nào mà không có bão tháng bảy, có mưa tháng ba”. Dù trải bao ngọt bùi, đắng cay thì hột lúa vẫn nảy mầm lên xanh rồi lại vẹn nguyên chở nặng mùa vàng. Và trong những lần dầm mưa dãi nắng đó, có hột nhọc nhằn, hột lại thảnh thơi…

Cơ giới hóa giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Cơ giới hóa giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Một thời ruộng sâu, trâu nái”

Đã qua rồi cái thời con trâu là đầu cơ nghiệp”. Làm ruộng bây giờ được cơ giới hóa nhiều khâu nên con “dí”, con “thá” đã từ lâu không còn nghe gọi đến tên mình. Nếu như con trâu không còn mang cái ách để kéo cày, bừa, trục, cộ lúa thì thúng, nia, vòng gặt, mê bồ cũng lùi vào ký ức. Khoa học kỹ thuật được đưa vào đồng ruộng đã làm ra những hột lúa thảnh thơi hơn nhiều so với cách nó được làm ra trên cùng một mảnh ruộng cách đây nhiều năm về trước.

Lão nông Lê Văn Sáu (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) năm nay đã 80 tuổi, cả đời ông gắn liền với mảnh ruộng và cây lúa. Ông là một nông dân rất đỗi bình thường, làm lúa cũng chỉ đủ ăn. Dạo còn khỏe, thường thấy ông chạy chiếc Cub 50 ra thăm ruộng, vì đường sá bây giờ đã thông thống rồi.

Nhưng ông vẫn hay chân đất cuốc bộ đường ruộng, tay cầm cây sào tre chống qua mấy cây cầu bắc ngang kinh nội đồng. Ông có thói quen thăm ruộng mỗi ngày để canh nước nôi, phòng sâu rầy gây hại. Nhưng cũng nhiều khi ông ra ruộng chỉ để coi lúa nở bụi, trổ bông hoặc chỉ tiện tay nhổ vài ba cây lúa lộn, cỏ đuôi chồn, rồi về.

Làm lúa bây giờ khỏe ru, bởi một mình ông mần 6 công lúa vẫn… dư sức qua cầu! Con đông nhưng không ai nối nghiệp nhà nông nên ông bà Sáu đành bám ruộng, hổng lẽ bỏ không, cho thuê lại tiếc. Nói là làm lúa chứ bả có biết lúa thóc ra làm sao đâu, tới vụ đếm tiền thôi, không tin hỏi bả thử coi”- ông Sáu pha trò kiểu bác Ba Phi để thấy việc nhà nông mình bây giờ cực mười phần hết bảy còn ba.

Mà thiệt vậy, có khi cả vụ lúa bà Sáu không phải mất công ra tới ruộng lần nào. Phần vì tuổi tác đã cao, lại thêm mấy việc đồng áng như rải giống, giặm lúa, rải phân, xịt thuốc đã thuê nhân công. Thu hoạch thì có máy gặt đập liên hợp. Lúa bao vận chuyển ra tới lộ lớn rồi cân ký bán lúa tươi. Nhiều khi làm ruộng mà không biết lúa nhà mình hột tròn hay hột dài là vì lẽ đó.

Cũng với việc canh tác 6 công lúa, nhưng nếu cách đây vài chục năm, cái thời cần ruộng sâu, trâu nái” thì lại là một câu chuyện rất khác. Khi đó, cứ mỗi vụ thu hoạch, cả gia đình ông Sáu cộng thêm bà con lối xóm đi mần vần công độ chục người.

Thường đi từ sáng sớm tới quá nửa khuya, lúa hột mới về tới nhà. Phần vì ruộng ông chẳng phải bờ xôi ruộng mật. Vậy nên trong nhiều năm ông vẫn giữ cách làm ruộng theo lối lão nông tri điền”, làm theo kinh nghiệm, lấy công làm lời. Cái sự lam lũ của nghề nông theo đó mà cứ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Cực trầy vi tróc vảy. Đã vậy mà lúa gạo làm ra cũng chỉ đủ ăn, số để chăn nuôi. Có bán cũng để trang trải tiền phân, thuốc từ đầu vụ. Dôi ra chút đỉnh thì dành cho đám tiệc. Cần sắm sửa gì đó thì phải đợi heo vô tạ.

Khó khăn là vậy nhưng cũng có cái lý để những nhà nông như ông Sáu quyết sống chết với mưa nắng ruộng đồng. Bởi đâu có nghề nào làm đủ ăn mà chỉ cực đôi ba bữa nửa tháng, rồi nông nhàn tới mấy tháng, rảnh tay để chăm sóc vườn tược, chăn nuôi, lo chuyện nhà cửa, giỗ chạp.

Máy móc thay trâu

Rồi một ngày, con trâu cũng được tháo ách nghỉ ngơi, thảnh thơi nằm nhơi cỏ. Việc đồng áng nhường lại cho máy móc cày, xới. Dấu hiệu cơ giới đầu tiên giúp giải phóng sức lao động là sự xuất hiện của cỗ máy siêu to khổng lồ” mang tên máy cày Liên Xô MTZ 80 mã lực, với tiếng máy nổ rầm vang, hì hục nhả khói ngoài đồng.

Tụi con nít vẫn hay xách nơm, quảy đục lội theo máy cày, máy xới để bắt cá, bắt ếch, sình bùn lấm lem từ đầu tới chân. Rồi thì máy xới Styer 768 sản xuất tại Áo nhỏ gọn hơn cũng bắt đầu góp sức. Nhỏ gọn nữa là những loại máy xới tay cải tiến thay trâu bừa, trục, đánh đường nước,… khỏi sợ mắc lầy.

Từ khi ruộng đồng có máy móc thay trâu, những người nuôi trâu kéo cày như chú Nguyễn Văn Dũng (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) thêm rảnh chuyện cày thuê. Trâu chỉ còn cày ruộng nhà. Mà sức trâu đâu sánh được với động cơ, nên cái cày, cái bừa, cái trục cũng tới hồi bỏ xó. Và cũng giống như bao hộ nuôi trâu khác, lần hồi, chú Dũng cũng nghĩ đến chuyện bán trâu, phá bờ mẫu, bờ vùng để máy móc vào đồng. Bởi theo chú Dũng: Máy móc hiệu quả gấp bội”.

Thức thời, anh Nguyễn Văn Dám cũng gom góp sắm một cái máy xới để xới cánh đồng nhà Trung Hiệp hàng trăm mẫu. Tới vụ không phải chạy đâu xa, chỉ đồng nhà là công chuyện mần không xuể. Xem ra, sắm máy cày, máy xới thì cứ mần ăn được dài dài, bởi hầu như khâu này chưa có máy móc nào thay thế.

Không như cái máy suốt lúa của anh Nguyễn Văn Dùng (Ba Dùng ở Trung Hiệp) thì đã qua thời hữu dụng từ lâu, khi mà máy gặt đập liên hợp bắt đầu phát huy ưu thế vượt trội của nó. Nhưng buổi đầu xuống ruộng, gặt đập liên hợp cũng kén cá chọn canh, ngán ruộng lầy, lúa sập.

Người dân còn chê gặt đập liên hợp làm đổ lúa hột, lại khó lấy rơm nên nhiều người vẫn chọn máy suốt. Cũng nhờ vậy mà anh Ba Dùng còn làm ăn được. Nhưng cũng không được lâu, gặt đập liên hợp ngày càng được cải tiến, khắc phục những nhược điểm trước đó và đã ăn đứt máy suốt. Rồi cái thùng suốt của anh Ba Dùng trùm mền từ đó.

Đống sắt vụn giờ cũng đã bán ve chai mấy kiếp rồi. Bỏ nghề thùng suốt, anh Ba Dùng tham gia lớp tập huấn chọn tạo giống lúa để toàn tâm toàn ý cho mảnh ruộng nhà mình. Bởi theo anh, nhà nông mình giờ phải đổi mới thôi, chứ “trâu chậm uống nước đục”, biết chừng nào khá lên được”.

Thế nhưng trên một số vùng bưng trũng có máy gặt đập nhưng vẫn cần “sức kéo” của con trâu để “cộ” lúa. Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN
Thế nhưng trên một số vùng bưng trũng có máy gặt đập nhưng vẫn cần “sức kéo” của con trâu để “cộ” lúa. Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN

Vài năm trở lại đây, khi mà sức khỏe đã giảm đi nhiều, gia đình ông Sáu quyết định cho thuê mảnh ruộng, rồi người ta lên liếp trồng cây. Tuy vậy, mỗi khi khỏe ông lại hỏi chuyện ruộng đồng có ai thăm, lúa cắt chưa, có trúng không, công được nhiêu giạ.

Chợt hay, thảm lúa chín vàng đã hằn sâu trong tâm thức bao thế hệ. Cho dù hột lúa được làm ra theo cách nào đi nữa, thì những mùa vàng trĩu bông vẫn là những mùa thương nhớ. Bởi nghiệp nhà nông dẫu lắm nhọc nhằn nhưng ký ức ruộng đồng vẫn hiển hiện qua lời thì thầm của lão nông Lê Văn Sáu, ngay cả khi ông đang mơ màng trong giấc thảnh thơi…

Đẩy mạnh cơ giới hóa hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Vĩnh Long định hướng 10 năm tới, những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đều được cơ giới hóa đồng bộ và tiến tới tự động hóa. Trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ áp dụng máy ở khâu làm đất đạt 100%, chăm sóc 95%, thu hoạch 90%, chế biến 80% đối với các sản phẩm cây trồng chủ lực của tỉnh. Vùng sản xuất quy mô lớn có áp dụng máy móc khâu làm đất đạt 75%, trồng cây 50%. Trong lĩnh vực thủy sản, đối với nuôi trồng thủy sản thì các ao nuôi quy mô công nghiệp đạt 90% diện tích nuôi có sử dụng máy móc.

Hiện cây lương thực của tỉnh được cơ giới hóa cao các khâu làm đất, bơm tưới, vận chuyển, thu hoạch, dụng cụ sạ, máy phun thuốc. Cơ giới hóa khâu phơi sấy, bảo quản hiện chỉ ở mức trung bình (50%), riêng tỷ lệ sử dụng máy cấy rất thấp, chỉ khoảng 20%.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh