Giấc mơ sô- cô- la bên sông Tiền

06:02, 13/02/2021

Mấy mươi năm định cư ở nước ngoài, ông Bùi Durassamy (sinh năm 1951) ấp ủ dự định "trở về và làm việc gì đó cho quê hương Việt Nam" và ông đã làm được điều đó khi ở tuổi "thất thập cổ lai hy".

 

Bơ ca cao, sô- cô- la được đóng gói bắt mắt.
Bơ ca cao, sô- cô- la được đóng gói bắt mắt.

Mấy mươi năm định cư ở nước ngoài, ông Bùi Durassamy (sinh năm 1951) ấp ủ dự định “trở về và làm việc gì đó cho quê hương Việt Nam” và ông đã làm được điều đó khi ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Trong khuôn viên nhà xưởng mát mẻ, rộn tiếng chim hót giữa vườn cây, ông Durassamy chia sẻ với chúng tôi về hành trình hiện thực hóa giấc mơ “sô- cô- la made in Việt Nam” có hạnh phúc, có bùi ngùi… và luôn đong đầy tình yêu đất nước.

“Vì tôi là người Việt Nam”

Ông Durassamy lý giải ngắn gọn như vậy về duyên cớ ông về Việt Nam mở xưởng, tự mày mò chế tạo các loại máy và từng bước hoàn thiện các khâu chế biến, thiết kế bao bì, đóng gói… để cho ra đời các sản phẩm bơ, bột và sô- cô- la từ trái ca cao chín ngoài vườn.

Ông Durassamy cho biết, ông có cha là người Ấn Độ, mẹ là người Việt Nam. Ông sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng đã cùng gia đình định cư ở nước ngoài hơn 40 năm.

Tốt nghiệp kỹ sư ở Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ (nay là ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh), khi sống ở nước ngoài, ông từng làm việc cho các công ty sản xuất linh kiện tàu ngầm, xe lửa, máy bay... “Tôi làm cho các công ty khoảng 7 năm thì ra mở hãng, lấy tên Can-Am Metalworks. Hãng có 3.000- 4.000 nhân công”- ông Durassamy nói.

Khi đến tuổi hưu, ông Durassamy bán hãng xưởng ở Canada với mong muốn tìm về quê mẹ và dự định “đi đi về về giữa Việt Nam và Canada”. “Khi về đây, tôi đi vòng vòng thấy nông dân trồng ca cao bán giá thấp, có người đốn bỏ. Đó là lý do tôi dấn thân vào làm sô- cô- la”- ông Durassamy trải lòng.

Với kiến thức về thực phẩm đã học thêm khi ở nước ngoài, ông quyết định mở xưởng làm sô- cô- la ở xã Long Định (Châu Thành- Tiền Giang). Bà Kim Nguyệt- vợ ông- can ngăn vì mấy mươi năm ở nước ngoài ông đã làm việc cật lực rồi. Tuy nhiên “bản thân là người Việt Nam, mong muốn trở về làm việc gì đó có ý nghĩa cho quê hương đã nung nấu từ lâu, tôi nghĩ đã đến lúc, nên hạ quyết tâm”- ông Durassamy tâm sự.

“Sự hiểu biết sẽ làm giàu đẹp quê hương”

Ông Durassamy tìm mua một số máy móc của nước ngoài và bắt tay vào thiết kế, chế tạo thêm nhiều loại máy làm sô- cô- la mà ở Việt Nam chưa có. Theo đó, ông vẽ hình rồi tìm thuê thợ làm máy. Ròng rã cả năm trời ông Durassamy cứ “uống cà phê, ăn sáng xong là ra ngồi trong mấy tiệm hàn, tiệm sắt… để chỉ thợ làm các chi tiết máy” và rất nhiều ngày ông phải ở xưởng đến tận khuya để nghiên cứu vận hành, chỉnh sửa các thiết kế sao cho phù hợp.

Bên cạnh nhà xưởng tự thiết kế, nhiều loại máy tự chế tạo thì tất cả các công đoạn chế biến trái ca cao cũng do ông mày mò “mấy tháng trời” để hoàn thiện. Mẻ sô- cô- la đầu tiên thành công, ông Durassamy hét to: “Thành công rồi” và đem mời những nhà vườn trồng ca cao.

Trái ca cao chín từ vườn sau nhiều công đoạn sẽ trở thành món sô- cô- la vừa ngon vừa sang trọng.
Trái ca cao chín từ vườn sau nhiều công đoạn sẽ trở thành món sô- cô- la vừa ngon vừa sang trọng.

Là một trong những nhà vườn trồng xen ca cao dưới tán dừa, từng chán nản vì “giá cả bấp bênh, có lúc chỉ 1.000 đ/kg và nhiều hộ phải đốn bỏ”, hiện chị Nguyễn Thị Mỹ Dung đã trở thành người thu mua ca cao; phụ trách sản xuất và du lịch của xưởng Kimmy’s Chocolate. Chị nhớ rõ những ngày đầu làm sô- cô- la vất vả nhưng “được nếm sô- cô- la từ loại trái cây tự tay mình trồng thì rất vui”. “Chú Chín đã làm sống dậy vùng trồng ca cao này”- chị Dung xúc động nói về ông Durassamy.

Đưa chúng tôi đi một vòng từ vườn ca cao xum xuê trái chín đến nhà xưởng, chị Dung say sưa giới thiệu các công đoạn chế biến ca cao và các loại thành phẩm. Chị cho hay, từ trái tươi tới thành phẩm là phải “làm quần quật ít nhất 20 ngày”. Tuy vất vả nhưng chị đã “yêu nghề lúc nào không hay”.

Cũng là người thưởng thức hương vị sô- cô- la từ mẻ đầu tiên, ông Trần Văn Hầu ở cùng xã vui vẻ nói: Từ khi ông chín mở xưởng, ca cao có giá hơn, nhiều người trồng lại. Tôi chưa từng nghĩ rằng ở đây sẽ có xưởng làm sô- cô- la ngon như vậy. Cũng đâu ai nghĩ sẽ có ngày khách du lịch tới tham quan, có cả khách nước ngoài; không khí làng quê cũng thay đổi hẳn.

Hiện Kimmy’s Chocolate có dòng ca cao sữa và ca cao đắng với các loại nhân (hạt điều, macca…) và bột ca cao để uống, bơ ca cao để dưỡng da. “Với mẫu mã bắt mắt, chất lượng đã được kiểm định, chứng nhận, sô- cô- la Kimmy’s sẵn sàng vào siêu thị hay đi nước ngoài”- ông Durassamy cho biết.

Ông Durassamy bên sản phẩm sô- cô- la Kimmy’s: “Tôi vui vì đã làm được một việc nhỏ cho quê hương”.
Ông Durassamy bên sản phẩm sô- cô- la Kimmy’s: “Tôi vui vì đã làm được một việc nhỏ cho quê hương”.

Ông Durassamy chia sẻ, từ ngày mở xưởng ông đã đầu tư khoảng 1 triệu USD và “thấy rất vui vì đã đem về vùng đất miền Tây của quê hương “cái nghề” và các loại máy móc để làm sô- cô- la”. Đã dọn sẵn con đường, ông mong có người đủ “tâm và tầm” thay ông viết tiếp giấc mơ, đưa sô- cô- la “made in Viet Nam” đi xa hơn. Theo ông, “để thành công cần học để có kiến thức và học làm người tử tế. Sự hiểu biết không chỉ làm ra tiền mà còn góp phần làm cho dân giàu nước mạnh”.

Thu hút nguồn lực trí thức kiều bào

Việt Nam hiện có trên 500.000 chuyên gia, trí thức kiều bào ở khắp các vùng lãnh thổ và châu lục trên thế giới. Theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, cộng đồng trí thức người Việt Nam tại các nước về cơ bản rất quan tâm và mong muốn đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học- công nghệ. Bộ Kế hoạch- Đầu tư mong muốn có thể thu hút được khoảng 1.000 trí thức, nhà khoa học đang sinh sống, học tập ở nước ngoài đóng góp cụ thể hơn trong từng lĩnh vực đất nước đang cần.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh