Cho chim "dìa" xây tổ

07:02, 14/02/2021

Khi chúng tôi tới xã Tân Mỹ (Trà Ôn), hỏi đường vào nhà ông Hai Chìa (Lê Văn Chìa) thì được hỏi ngược lại "nhà ông Hai Chìa cho chim dìa ở phải hông" rồi chỉ chúng tôi đi theo hướng Mặt trời mọc, cuối đường quẹo hướng Mặt trời lặn, qua cầu số 1 tới cầu số 2 rẽ trái…

(VLO) Khi chúng tôi tới xã Tân Mỹ (Trà Ôn), hỏi đường vào nhà ông Hai Chìa (Lê Văn Chìa) thì được hỏi ngược lại “nhà ông Hai Chìa cho chim dìa ở phải hông” rồi chỉ chúng tôi đi theo hướng Mặt trời mọc, cuối đường quẹo hướng Mặt trời lặn, qua cầu số 1 tới cầu số 2 rẽ trái… Đầu đường, có tấm bảng mới dựng “Khu bảo tồn đa dạng sinh học- cấm săn bắt” dẫn vào vườn chim nhà ông Hai Chìa.

Ông Hai Chìa trong khu vườn “để um tùm” cho chim cò về trú ngụ.
Ông Hai Chìa trong khu vườn “để um tùm” cho chim cò về trú ngụ.

"Bầy chim biết tui thương tụi nó…”

Đường đan ven con rạch nhỏ, cách hàng trăm mét đã nghe tiếng chim rôm rả riêng một góc trời. Thấy khách bày tỏ “muốn nghe tâm tình về vườn chim”, ông bỏ dở việc sửa chuồng dê sau nhà, vội rửa tay, chỉnh lại chiếc áo sờn vai và nhiệt tình dẫn nhà báo ra vườn “coi tụi nó trước”.

Theo lối nhỏ đầy cỏ, ông bảo: “Đây nè, đi theo tui, lối này ngày mưa hay nắng tui cũng ra vào với tụi nó”.

Khu vườn 20 công đất lọt thỏm giữa ấp Gia Kiết, xung quanh là nhà ở, vườn cam, ruộng lúa. Lão nông hơn 70 tuổi dẫn đường thoăn thoắt qua các mương vườn, cầu khỉ, bụi rậm dây giăng um tùm, chốc chốc quay lại nhắc: “Coi chừng lọt mương nghe bây. Từ từ thôi nghen, chim nhát người, tiếng động mạnh là tụi nó bay tán loạn hà”. Nhưng trên đầu chúng tôi vẫn có những cái đập cánh hốt hoảng bay lên rợp trời cùng tiếng kêu oác oác của bầy chim phát hiện sự có mặt của người lạ.

“Hơn chục năm sống chung rồi mà, sao không hiểu tụi nó cho được!”- ông Hai Chìa bắt đầu câu chuyện, từ vườn nhãn cho trái xum xuê hơn 15 năm trước, khi bầy chim đến “ăn nhờ ở đậu” và ông “thấy thương” thì huê lợi coi như “hổng có gì hết trọi”.

Chúng tôi hỏi cơ duyên ông cho chúng đến và ở lại đây có phải vì ông yêu loài chim cò quá không? Ông cười đôn hậu: “Nói văn hoa vậy là không phải tui đâu à nghe. Khoảng năm 2006, tự nhiên có bầy cò đến ở, tui thấy lạ, nhưng nghĩ nếu đuổi miết thì tụi nó biết đi đâu.

Thiệt tình là tui thấy tội nghiệp. Không có chỗ ở, tui sợ tụi nó bị người ta bắt mần thịt. Nghĩ mà tội nghiệp tấm thân của tụi nó, nên tui quả quyết “tụi bây ở đây với tao, tao canh chỗ ở cho, tao cho tụi bây miếng đất ở”.

Một lời như đinh đóng cột, thế là vườn trồng dâu Hạ Châu, nhãn da bò dành để cho chim về ở. Mấy bận định cải tạo vườn nhãn bị chổi rồng, lại sợ chặt cây động vườn, bầy chim bay đi, nên ông bỏ mặc cho cỏ dại mọc rậm rạp. Còn đối với bầy chim, vườn của ông đã thành vùng đất lành cho chúng về trú ngụ, làm tổ sinh sôi.

 

Tổ chim non trong vườn.
Tổ chim non trong vườn.

Khẽ vạch mấy đám cỏ lau, bước sâu vào vườn chim, chúng tôi không tài nào đếm xuể tổ chim đang đẻ trứng, mới nở hoặc những chú chim đã đủ lông đủ cánh bắt đầu chuyền cành tập bay. Vườn này có cò trắng, cò ốc, vạc, cồng cộc… nhiều nhất là vạc.

“Vạc lớn họng nhất vườn, nó mở miệng là kêu inh ỏi, đi kiếm ăn thôi chớ về nói chuyện om sòm”- ông Hai Chìa bảo đã quen nhịp sinh học của bầy chim trong vườn mình. Sáng tụi nó đi kiếm ăn, chiều xế xế là chim bay về “mỗi đàn có tới trăm con, cứ bay qua bay lại đùa giỡn, rum trời cả xóm”.

Mùa này cò ốc, cò trắng đã di cư hơn một nửa, chừng tháng 2- 3 lại trở về. Ông bảo năm nào cũng ghi lại ngày chim bay đi- bay về. Như năm 2019 chim đi ngày 1/11, thì năm 2020 này chim đi ngày 20/11. Lúc đông đúc cả đàn có 5.000- 6.000 con cò trắng, cò ốc… giờ nhóng chừng 3.000 con.

Đất lành nên mỗi năm vườn ông Hai Chìa hình như chim về đông hơn. “Nhất là mấy con vạc, nó ở được rồi rủ bạn nó về ở chung”- ông Hai Chìa chỉ lên ngọn cây có con cồng cộc đen trùi trũi bảo: “Cô chú thấy hông, nãy giờ nó mãi nhìn theo mình, vì những con chim nó biết tui thương tụi nó”.

Và những nỗi niềm đau đáu

Một chòi canh giữ chim trên mái nhà của ông Hai.
Một chòi canh giữ chim trên mái nhà của ông Hai.

Tiếp tục dẫn chúng tôi đến “căn cứ”- ngôi nhà của người cháu nhưng đã đi Bình Dương làm ăn, ông Hai Chìa cất cái chòi lá trên sân thượng canh chim.

“Đó, cồng cộc nó mới đi kiếm ăn về đó”- ông Hai Chìa chỉ chúng tôi- “Mỗi loài có đặc tính khác nhau, thấy cưng lắm. Như tới mùa sinh sản cò trống đi kiếm mồi, cò mái ở lại tổ giữ con. Cồng cộc mẹ đi kiếm mồi, mấy con non bay chập chững, lông cánh loe hoe, chỉ chờ mẹ về đút cho ăn.

Nhưng bữa nọ, chim mẹ bay đi kiếm ăn thì bị bắt không về được nữa. Bầy cồng cộc đợi mẹ đôi ba ngày đành nhảy xuống kiếm ăn. Tụi nó chưa được dạy cách tìm mồi, nên đói meo, run rủi lang thang lạc vô nhà tui. Tui đành kiếm tép cá cho nó ăn, nuôi bốn năm tháng cứng cáp mới bay đi”.

Con rạch trước nhà ông lúc nào cũng đặt vài ba cái dớn để có mồi nuôi tụi nó. “Mà con cò cũng õng ẹo lắm, cá không ăn, chỉ đòi ăn tép thôi. Tuy chim nhát người nhưng không hại nó thì nó thân thiện hơn con gà, con vịt. Thấy tui cho ăn là tụi nó sà xuống liền hà.

Những đêm vườn bị động, có người rình vào bắt trộm, tui nghe tiếng chim kêu thất thanh ngay đầu giường như cầu cứu. Nhiều lần như vậy, thương quá”- ông Hai Chìa nói chim trời cũng gần gũi được con người.

Trong vườn ông làm mấy cái chòi canh trộm. Nghe động là cầm đèn rọi liền. Có đêm phải đem theo “đồ nghề” đi vòng vòng đến khuya. “Đồ nghề” chỉ là cái ná thun, vài viên đạn bi, đèn pin và số điện thoại của công an xã để gọi hỗ trợ khi cần.

Đàn chim chỉ có thể an toàn hơn trong khuôn viên vườn nhà, “nhưng khi bay ra ngoài kiếm ăn thì không quản nổi”- ông Hai Chìa nói luôn đau đáu tìm cách nào để bảo vệ đàn chim tốt hơn.

Ngoài bắn súng hơi, người ta còn dùng đủ thứ bẫy, giăng lưới để bắt chim. Mới đây, hàng rào lưới B40 mấy chục triệu đồng đã được ông đầu tư để hạn chế “người ta vào vườn bắt chim”.

Khi chúng tôi vào nhà, ông châm trà nóng và góp phần vào câu chuyện còn có bà Lê Thị Thôi- vợ ông Hai. Bà cũng “thương bầy chim lắm. Tui kêu ổng đốn cây nhãn này cho trống tầm nhìn, chiều chiều vợ chồng ăn cơm coi chim về, coi tụi nó nói nói, la la. Tuổi già mà, vậy là đủ vui rồi”.

Phút thảnh thơi của ông bà Hai Chìa bên cây kiểng quanh nhà, bà Hai cũng tạo hình cây cảnh theo đủ hình dáng chim, cò.
Phút thảnh thơi của ông bà Hai Chìa bên cây kiểng quanh nhà, bà Hai cũng tạo hình cây cảnh theo đủ hình dáng chim, cò.

Dẫu vậy, trong tâm tư của người phụ nữ đã từng buôn bán ở chợ thị trấn Tam Bình, rồi về với ông làm vườn nuôi 3 người con tốt nghiệp đại học, đi làm đàng hoàng, nhưng giờ vườn lại không cho huê lợi gì… cũng thoáng chút nghĩ ngợi.

Mà “có người kêu tụi tui bắt chim bán cho có thu nhập, tui cười nói là vợ chồng tui ăn cơm với rau được rồi chứ ai làm vậy”- bà Hai bảo cũng như ông, bà thương vì sợ chim không có chỗ ở, chứ không tính toan lợi lộc gì. “Vợ chồng tui chưa biết ăn thịt con chim nào. Chim chết con nào là đem chôn con đó”- bà Hai nói rất thương.

Chuyện cơm áo gạo tiền đôi lúc làm câu chuyện chùng xuống, nhưng hễ nói về bầy chim thì ông bà Hai hào hứng lên liền, còn kể hàng xóm “hay mắng vốn: bầy chim của ông Hai đậu kín ruộng, giậm lúa của tui nằm gãy rập luôn hà”.

Nói vui vậy thôi, chớ bà con chòm xóm cũng thương vợ chồng ông và đã thương luôn mấy con chim sống cùng xóm nhỏ! 

Khi ông Hai gọi có kẻ trộm vào vườn, địa phương lập tức đến hỗ trợ ngay

Ông Trần Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ- cho biết: Xã Tân Mỹ có được vườn chim thiên nhiên như vầy vui lắm. Ông Hai Chìa rất có tâm huyết bảo vệ đàn chim này, sẵn sàng bỏ không vườn cây ăn trái để chim có chỗ ở.

Khi ông Hai gọi điện thoại thông báo có kẻ trộm vào vườn thì địa phương lập tức cử lực lượng công an xã đến để hỗ trợ canh giữ và bắt trộm. Vừa qua, khi phát hiện trường hợp người dân bắn và bắt trộm chim, địa phương đã lập biên bản yêu cầu không săn bắt để bảo vệ đàn chim.

Địa phương cũng có đề xuất kiến nghị đến các ngành chức năng, UBND tỉnh nhưng do đây không phải là loài chim quý hiếm nên chưa có biện pháp bảo vệ. Địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ ông Hai và mong muốn cấp trên sẽ có giải pháp hỗ trợ để bảo tồn vườn chim.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh