Sau đôi lần lỗi hẹn, tôi có dịp "xách ba lô lên và đi" để chạm vào giấc mơ Tây Bắc. Bức tranh vùng cao mộc mạc, tinh khôi mang lại cảm giác yên bình. Tôi say sưa ngắm nhìn và tự hỏi mình "còn bao nhiêu góc trời tổ quốc xinh tươi đang vẫy gọi?". Ngâm nga mấy câu thơ của Chế Lan Viên trong Tiếng hát con tàu: "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu…"- nghe trỗi dậy những háo hức, say mê về những "cuộc đi" đến những vùng miền xa xôi tổ quốc.
Sau đôi lần lỗi hẹn, tôi có dịp “xách ba lô lên và đi” để chạm vào giấc mơ Tây Bắc. Bức tranh vùng cao mộc mạc, tinh khôi mang lại cảm giác yên bình. Tôi say sưa ngắm nhìn và tự hỏi mình “còn bao nhiêu góc trời tổ quốc xinh tươi đang vẫy gọi?”. Ngâm nga mấy câu thơ của Chế Lan Viên trong Tiếng hát con tàu: “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu…”- nghe trỗi dậy những háo hức, say mê về những “cuộc đi” đến những vùng miền xa xôi tổ quốc.
Núi rừng Tây Bắc đầy hoa
Cô bạn tên Nguyễn Thị Ưng ở Hà Nội cho biết đã đi Mộc Châu 3 lần nhưng lần này đi tiếp vì muốn “tìm săn hoa”. Và vì “đi săn” nên Ưng luôn cụ bị máy ảnh bên mình, chăm chỉ chụp cảnh vật khi đoàn dừng chân ở một địa điểm đầy hoa nào đó.
Anh hướng dẫn viên tên Đại huyên thuyên: Đặc trưng của mùa này là mùa hoa mận, hoa cải, hoa tam giác mạch đang hiện hữu tại xứ sở Mộc Châu sương mù. Để đến đó, chúng ta di chuyển hơn 200km trên cung Tây Bắc, đường khá nhỏ và một nửa là đường đèo dốc nhưng khung cảnh ven đường khá đẹp. Hầu hết du khách đi cung đường này là để khám phá cảnh đẹp và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào anh em người Thái, người Mường. Còn cơ sở vật chất hạ tầng thì không thể so sánh với Sapa hay Hạ Long…
Khung cảnh núi đồi đầy hoa vùng Tây Bắc. |
Xe lướt qua những bản làng ẩn hiện phía xa xa với những đồi cỏ xanh, đồng hoa cải vàng và những rừng hoa mận trắng... Tôi mơ hồ nhận ra khung cảnh lãng mạn trong bài hát “Nhà em ở lưng đồi” do ca sĩ Thùy Chi thể hiện.
Anh lái xe tâm lý đúng lúc phát bài này, giọng hát trong trẻo của Thùy Chi vang ngân: “Nhà em ở lưng đồi/ Nơi chim rừng thánh thót/ Bầu trời xanh dịu ngọt/ Gió tràn về mênh mang/ Nhà em giữa nắng vàng/ Con suối tràn bờ đá/ Hương rừng thơm mùa hạ/ Đường chiều về quanh co...”
“Mình đi Tây Bắc mà? Tây Bắc có gì vui?”- anh Đại tiếp tục giới thiệu: Tây Bắc mỗi mùa có những đặc trưng riêng. Gần tết có hoa cải, hoa mận, đến tết có hoa đào, ra tết bắt đầu mùa thu hoạch hoa cải vàng. Riêng Mộc Châu, ngoài mùa hoa mận, hoa cải thì còn mùa mận chín vào tháng 5- 6 rất đẹp.
Trong đó, thung lũng mận Nà Ka là thung lũng mận đẹp nhất và lớn nhất của huyện Mộc Châu. Du khách tha hồ vào tận trong vườn, hái được bao nhiêu thì mang về bấy nhiêu.
Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Bên cạnh “tắm mắt” và “check in” ở những thung lũng hoa rực rỡ sắc màu, du khách có thể dừng chân bên đồi chè, hóa thân thành những chàng trai, cô gái của bản làng. Trong đó, đồi chè trái tim là những đồi chè đẹp bậc nhất ở phía Bắc. Và ở mỗi điểm đến, du khách có thể lân la tìm hiểu đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng rẻo cao.
Những nếp nhà sàn ở Mai Châu bảng lảng giữa đồng lúa, nương ngô và con suối nhỏ… Một người dân ở đây cho biết, người lớn tuổi ở đây vẫn căn dặn con cháu khi cất nhà thì phải cất nhà sàn để giữ gìn nét văn hóa truyền thống.
Trong đó, dòng suối đổ về Mai Châu chảy qua rất nhiều bản, người ta gọi đó là con suối nguồn. Nó đã ăn vào trong nếp sống và văn hóa của người Mai Châu rồi. Ngày nay, người dân vẫn tắm giặt, vẫn quăng chài, câu cá và tới mùa vẫn đi soi lươn, đuổi chuột… Đặc biệt, dòng suối không có rác. Người Thái giữ cho nhau bởi người ta bảo xóm trên làm bẩn là không hay.
Những bản làng bình dị ở Mai Châu. |
Bên cạnh dòng suối đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt của người dân thì ngày nay, dù đời sống đã có nhiều thay đổi, cư dân bản địa vẫn quen sống gần gũi với thiên nhiên “người này chặt tre thì có người khác trồng vào, bởi vì cây tre ở đây rất hữu dụng”. Và đặc biệt, “người dân sống theo kiểu du lịch cộng đồng cùng đưa nhau phát triển chớ không quá cạnh tranh”.
Ấn tượng với bức tranh thiên nhiên vùng cao xinh đẹp và đời sống người dân bình dị, chú Hoàng ở Hà Nội cảm tác bài thơ: Núi rừng Tây Bắc đầy hoa/Tím ban ngơ ngác đậm đà xe duyên/Đào ta đỏ đẹp dịu hiền/Mận rừng mộc mạc trắng tinh ghen hờn/Yêu nhau dân dã gì hơn/Về đây chung mãi tâm hồn trẻ trung”.
Cũng ở Hà Nội, bác Võ Trọng Tân (87 tuổi)- cho biết, bác đã đi nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Trong đó, đã đến vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc nhiều lần, có nơi đã đi rồi lại quay trở lại. Và đi đến đâu, bác cũng đến tận nơi, kể cả leo tới những ngọn núi cao hay vào hang sâu, trò chuyện với người dân địa phương để tìm hiểu vẻ đẹp, văn hóa, lịch sử của nơi đó.
Chuyến hành trình 2 ngày 1 đêm khép lại, người người lưu luyến chia tay, hẹn ngày gặp lại. 30 người từ các vùng miền cả nước gặp nhau trong chuyến hành trình “trải nghiệm một phần rất nhỏ của Tây Bắc” nên thật tình tôi cho rằng việc gặp lại chỉ là “hy vọng mong manh”.
Vậy mà, một bác trong đoàn chuẩn bị xuống xe lại nói một câu đầy hy vọng: “Tôi tin rằng những người cùng mục đích thì thường gặp nhau”.
Chuyến hành trình cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp, đáng nhớ. Tôi thầm nghĩ, phải chăng, dù ở lứa tuổi nào thì “đi để mở mang tầm nhìn, thêm hiểu biết” không chỉ để thỏa đam mê hay mà còn là bổn phận và trách nhiệm.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin