Còn nhớ những năm học phổ thông, một tuần có một giờ nhạc lý. Đó là tiết học tôi thích nhất. Tôi còn nhớ hình ảnh của người thầy dạy nhạc, vóc dáng hơi ốm, tóc dài chấm vai đậm chất nghệ sĩ, ôm cây đàn guitar điệu nghệ.
Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: ST |
Còn nhớ những năm học phổ thông, một tuần có một giờ nhạc lý. Đó là tiết học tôi thích nhất. Tôi còn nhớ hình ảnh của người thầy dạy nhạc, vóc dáng hơi ốm, tóc dài chấm vai đậm chất nghệ sĩ, ôm cây đàn guitar điệu nghệ. Giờ học của thầy không căng thẳng, khô khan như những tiết học khác, mà ngược lại, tiếng hát, tiếng đàn làm học sinh phấn khích cả lên.
Thay vì các môn học khác phải học bài, đến giờ nơm nớp sợ giáo viên bộ môn gọi tên mình lên trả bài, thì đến giờ học nhạc, học sinh lại muốn “xung phong” lên hát. Các em đứng hát, thầy ngồi đánh đàn. Âm nhạc như sợi dây kết nối sự đồng điệu của thầy và trò. Rời ghế nhà trường đã mấy mươi năm nhưng “hương vị” của giờ học nhạc vẫn còn dư âm trong tâm hồn tôi đến tận bây giờ.
Bọn học sinh chúng tôi tự tin lắm, nếu được thầy chỉ định thì lên đứng giữa lớp giới thiệu ngay: “Sau đây em xin hát bài …” rồi nêu tựa bài hát rành rọt. Có bạn còn nêu lên được cả tựa bài tiếng Pháp và dịch ra tiếng Việt. Thế nhưng, y như rằng bạn nào cũng vậy, không hề biết tên nhạc sĩ sáng tác bài hát.
Mỗi khi đứng lên hát xong, thầy hỏi bài hát đó do ca sĩ nào biểu diễn thì có bạn biết, bạn không, nhưng hỏi ai sáng tác thì không ai trả lời được. Thầy nói: “Các em hát bài nhạc mà không nhớ được tên nhạc sĩ sáng tác bài hát đó thì rất là thiếu sót. Bài hát đó hay và đi sâu vào lòng người chín mươi phần trăm là công lao của người nhạc sĩ đã thai nghén từng nốt nhạc và từng lời bài hát, còn mười phần trăm là nhờ chất giọng ca sĩ thể hiện.
Sau này nếu các em hát bài nhạc nào thì trước tiên là phải biết nhạc sĩ sáng tác nhé, để thôi ông nhạc sĩ buồn lắm đó!” Từ đó, mỗi khi nghe một bài hát yêu thích tôi hay tìm hiểu người sáng tác, cả về hình dáng lẫn tiểu sử,…
Chính vì vậy mà lần đầu nghe bài hát “Mùa xuân đầu tiên” từ chiếc radio cũ kỹ của ba tôi, tôi nhất định phải biết người sáng tác. Phải như bây giờ thì dễ, chỉ cần lên mạng là biết ngay, nhưng lúc ấy không có internet, với lại báo chí cũng chưa tới được những vùng xa xôi, hẻo lánh.
Tôi nghĩ ra một cách, đợi đến chương trình ca nhạc thì nghe cho kỹ lời người giới thiệu. Thế là mỗi ngày, đợi ba nghe xong phần tin tức, tôi đón nghe chương trình ca nhạc. Nhưng phải đón đợi nhiều lần đài mới phát lại ca khúc đó.
Cuối cùng tôi cũng biết được nhạc sĩ Văn Cao là tác giả. Tôi biết ông là một nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác nhiều ca khúc để đời, trong đó có bài “Tiến quân ca”- Quốc ca của Việt Nam.
Thông thường những bài ca xuân hay sôi động, rộn ràng. Riêng bài “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao thì khác hẳn: trầm lắng, bồi hồi, bâng khuâng,… Càng nghe ta càng thấy có gì đó như nghẹn ngào, cảm động, thậm chí là bùi ngùi, se sắt.
Cũng chỉ là mùa xuân theo én về, cũng chỉ là mùa bình thường thôi, với khói bay, với tiếng gà gáy trưa và hình ảnh đoàn tụ của những người con xa mẹ, qua nốt nhạc của nhạc sĩ Văn Cao, một mùa xuân thanh bình, yên ả đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng. Và có lẽ ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của ông là bài hát luôn thức dậy trong hồn ta mỗi độ tết đến xuân về. Đấy chính là cái tài của người nhạc sĩ.
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…”
Tôi cảm nhận ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao là một ca khúc “đẹp” cả phần nhạc và lời; và một bài hát “đẹp” tất yếu phải được tạo ra từ con người có một tâm hồn “đẹp”. Xin cảm ơn nhạc sĩ đã để lại cho đời những ca khúc rất tuyệt vời!
THANH HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin