Đi để thêm yêu đất nước hình chữ S

07:01, 02/01/2021

Trong đôi mắt của những người đã đi dọc dài đất nước và ra nước ngoài thì càng đi nhiều, càng thấy đất nước mến yêu vô cùng tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Với họ, những chuyến đi mang đến nhiều trải nghiệm và còn là những chuyến "tìm về" để thêm yêu vẻ đẹp của đất nước hình chữ S.

(VLO) Trong đôi mắt của những người đã đi dọc dài đất nước và ra nước ngoài thì càng đi nhiều, càng thấy đất nước mến yêu vô cùng tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Với họ, những chuyến đi mang đến nhiều trải nghiệm và còn là những chuyến “tìm về” để thêm yêu vẻ đẹp của đất nước hình chữ S.

Ông Nguyễn Việt Thắng và đoàn lưu lại khoảnh khắc đẹp khi đặt chân lên đỉnh Fansipan.
Ông Nguyễn Việt Thắng và đoàn lưu lại khoảnh khắc đẹp khi đặt chân lên đỉnh Fansipan.

Quê hương mình đẹp làm sao!

Thường có các chuyến du lịch trong nước và ngoài nước, ông Nguyễn Việt Thắng ở Phường 1 (TP Vĩnh Long)- nguyên Giám đốc Công ty Công trình công cộng Vĩnh Long- cho rằng “không nơi nào đẹp như quê hương mình”. 

Trong đó, “tôi đặc biệt ấn tượng với thiên nhiên hùng vĩ Tây Bắc, Đông Bắc với rất nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản văn hóa và di tích cách mạng”- ông nói vậy và xuýt xoa: “Cảm giác đặt chân lên đến đỉnh Fansipan với độ cao hơn 3.100m rất tuyệt, nhất là vào mùa thu.

Phía trên là bầu trời xanh cao vợi, dưới chân mây bay bồng bềnh nên cứ ngỡ mình… là tiên. Riêng bờ biển Việt Nam từ vịnh Hạ Long đến Hà Tiên thì đẹp đến nao lòng”.

Ông cho biết thêm, các con của ông mong muốn ba mẹ còn khỏe thì đi đây đi đó nên từ ngày về hưu, ông cùng vợ thường “đi du lịch 3- 4 chuyến/năm để hiểu thêm về cảnh sắc, văn hóa, lịch sử của đất nước mình và mở mang ở nước ngoài”.

Những chuyến “phượt” miền Tây cho Huy và nhóm bạn nhiều trải nghiệm đẹp.
Những chuyến “phượt” miền Tây cho Huy và nhóm bạn nhiều trải nghiệm đẹp.

Theo ông, càng đi nhiều, càng thấy đất nước mình vô cùng tươi đẹp với thiên nhiên hùng vĩ, trù phú, nhiều nơi còn giữ nét hoang sơ. Nếu được đầu tư, khai thác đúng mức và hợp lý những tiềm năng của thiên nhiên ban tặng thì du lịch Việt Nam sẽ càng phát triển mạnh.

Làm nghề tự do và thường “lên lịch đi” khi có thời gian rảnh, Trần Quốc Huy (xã Thanh Bình- Vũng Liêm) hào hứng cho biết: “Hầu như bánh xe em đã lăn hết các tỉnh miền Tây và một số tỉnh- thành trên cả nước. Có đi mới biết cảnh sắc tuyệt vời và nhiều điều hay nên sau mỗi chuyến đi thì “bỏ túi” được nhiều thứ lắm!”

Huyên thuyên như không kể xiết về những địa điểm đã “check in”, Huy xởi lởi: “Việc thích tìm tòi khám phá đã tạo cho em động lực, thôi thúc em đi. Trong tương lai gần, em muốn đặt chân đến “nóc nhà Đông Dương” và sang các nước Đông Nam Á”.

Cũng theo Huy, trong các lần “phượt”, em và các bạn đều lên kế hoạch cẩn thận. Ưu tiên ghé thăm các di tích văn hóa, lịch sử, các khu lưu niệm để hiểu thêm về đất nước mình; tri ân, tưởng nhớ tiền nhân. Đồng thời, tìm địa điểm lý tưởng để khám phá, trải nghiệm, đắm mình vào cảnh sắc thiên nhiên.

Không riêng Huy, nhiều bạn trẻ thường “xê dịch” cho hay, qua mỗi chuyến đi, thấy mình hiểu thêm một chút và lớn thêm một chút nên… càng đi càng háo hức.

Đi để góp nhặt và truyền cảm hứng

Anh Thành Thượng tại Mũi Kê Gà (Bình Thuận).
Anh Thành Thượng tại Mũi Kê Gà (Bình Thuận).

Đã đi dọc dài đất nước với các hành trình theo chân Bác hay hành trình biển đảo quê hương… “chủ yếu đi bằng xe máy và tự thiết kế tour”, ThS. bác sĩ Nguyễn Thành Thượng- giảng viên Trường CĐ Vĩnh Long- nói rằng anh quan tâm đến “giá trị cốt lõi của những chuyến đi”.

Đó là: đến địa điểm nào để tìm hiểu về phong tục, tập quán, con người và văn hóa... Qua chuyến đi, mình học được gì, chia sẻ được gì cho học trò và người thân, bạn bè.

Anh Thượng với các chuyến “đi để góp nhặt” bằng xe máy.
Anh Thượng với các chuyến “đi để góp nhặt” bằng xe máy.

Trong các hành trình dọc miền Nam- Bắc, anh tâm đắc nhất là hành trình “Theo chân Bác”. Đến Nghệ An, anh thăm nơi Bác sinh ra, nghe câu chuyện về Bác và gia đình, nơi làm việc của các vị thân sinh… Qua đó, thấy được tinh thần hiếu học và tình yêu nước nồng nàn.

Đến hang Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) thấy hang rất tối, chỉ có một tấm ván để ngã lưng, mới thấy, điều kiện làm việc gian khó nhưng Bác vẫn lạc quan: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”(*).

Ra Hà Nội, anh tìm đến ngôi nhà số 48 Hàng Ngang- nơi Bác viết bản Tuyên ngôn độc lập; viếng Lăng Bác, đến Khu di tích Đá Chông (K9)… Đến Huế, anh đến nhà số 112 Mai Thúc Loan- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống khi theo gia đình vào Huế; đến làng Dương Nỗ (huyện Phú Vang)- nơi lưu dấu thời niên thiếu của Bác...

Anh Thượng chụp ảnh lưu niệm với trẻ em vùng cao trong một chuyến đi.
Anh Thượng chụp ảnh lưu niệm với trẻ em vùng cao trong một chuyến đi.

Anh Thành Thượng tự hào, nhờ theo chân Bác nên anh có nhiều hình ảnh về những di tích của Bác theo mốc thời gian. “Những bài học kết nối từ các chuyến đi thực tế, tìm hiểu và cảm nhận giúp bản thân nhận thức sâu sắc nhiều điều cần học Bác. Từ đó, phấn đấu nhiều hơn. Rồi đi dạy học trò, mình cũng truyền cảm hứng đó”- anh Thành Thượng tâm sự.

Anh cũng tâm đắc những hành trình biển đảo quê hương, hành trình viếng nghĩa trang liệt sĩ dọc dài đất nước: “Khi ra đảo, tôi tranh thủ trò chuyện cùng các anh chiến sĩ, với người dân để hiểu hơn về đời sống nơi biển đảo. 

Đến nghĩa trang, tôi thăm mộ liệt sĩ, tìm gặp người quản trang… để thấm thía hơn sự hy sinh máu xương của ông cha cho hôm nay hòa bình, no ấm”.

Cứ thế, những chuyến đi cho anh nhiều cảm xúc: ngây ngất trước sự hùng vĩ của núi đồi, choáng ngợp với sự hoang sơ nơi biển đảo và “xúc động tận trái tim” với câu chuyện đời người, những tấm gương anh hùng, cao quý.

Anh Thành Thượng cho biết thêm, trong bán kính 300- 400km, anh thường đi xe máy để chủ động thời gian, dễ lân la vào xóm làng, trò chuyện với người địa phương,…

Theo anh Thượng, để “thu nhặt” nhiều nhất trong từng chuyến đi, cần có sự chuẩn bị kỹ càng, tham khảo các thông tin liên quan nơi mình muốn đến và lên kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, cần chuẩn bị tốt về sức khỏe, sắp xếp công việc hợp lý và dự trù chi phí...

Cho rằng mình “đã đi nhiều nơi trong và ngoài nước” nhưng theo ông Nguyễn Việt Thắng “có chút rào cản về tuổi tác và sức khỏe”. Do đó, chú khuyên những người trẻ “nên sắp xếp đi nhiều, đi đúng nghĩa để mở mang tầm nhìn, thêm kiến thức, để thêm yêu đất nước mình và ra sức dựng xây”.

(*) Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” của Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh