Đi qua một mùa nước nổi, sẽ thấy giàn bếp đã treo lủ khủ các loại khô, từ khô cá chạch, đến khô cá lóc, cùng với nhiều hủ mắm cá lóc, cá sặt, cá trèn… sắp hàng trên kệ. Còn hàng khạp da bò trên cái gò đất sau hè đã đầy mắm cá linh, nhiều đến độ không ngã nào ăn hết, thường nấu nước mắm xong còn đem cho người này, người nọ.
Con trâu còn tham gia vào việc vận chuyển cá trên đồng. |
Đi qua một mùa nước nổi, sẽ thấy giàn bếp đã treo lủ khủ các loại khô, từ khô cá chạch, đến khô cá lóc, cùng với nhiều hủ mắm cá lóc, cá sặt, cá trèn… sắp hàng trên kệ. Còn hàng khạp da bò trên cái gò đất sau hè đã đầy mắm cá linh, nhiều đến độ không ngã nào ăn hết, thường nấu nước mắm xong còn đem cho người này, người nọ.
Nước “giựt”, lại tiếp tục chuyện cá mắm mùa giáp tết, cái xứ mình coi như cá mắm quanh năm, mỗi mùa có cái thú riêng của nó.
Khi cánh đồng như nghiêng chắt nước đổ về sông, những đợt cá lũ lượt đâm đầu trắng lưới không cách nào gỡ hết ngay trên đồng, mà phải cuốn những tay lưới nặng trĩu về treo lên những cây sào trước sân, phải cả nhà đông người xúm lại mà gỡ, cá linh thời điểm này phải dùng lưới 4 phân trở lên, tức con cá đã lớn tương đương 3 ngón tay, cá mè vinh con cả bàn tay.
Thời đó, những loại như cá éc coi như bỏ, cá rô biển rất ít ai ăn nhưng giờ đều đã trở thành đặc sản. Những chiếc vó trên các sông nhỏ, kinh rạch trong đồng và những người giăng lưới, quăng chài những ngày cá chạy phải tính cả trăm ký, còn những hàng đáy lớn phải tính cá tấn. Cá nhiều quá nên phải làm khô, làm mắm để trữ lại lâu dài được.
Mùa đồng khô những tháng cuối cùng trong năm là lúc các chủ đìa, những chủ đống chà lớn trên sông tính chuyện làm ăn lớn, coi như vụ thu hoạch lớn trong năm rủng rỉnh tiền xài tết. Nhưng chuyện mê đắm nhất là những đoàn người đổ xô về các lung, bàu đầy cỏ lút đầu khai thác cá tạo nên cảnh tượng vô cùng nhộn nhịp trên đồng. Những đứa nhỏ tầm 10 tuổi là cũng có thể vác nơm theo người lớn kiếm 5- 6 ký cá lóc, cá trê là chuyện bình thường.
Cánh đồng khác nào “mâm đặc sản” của miền quê xưa. |
Những chiếc đìa lớn, bàu cỏ lâu đời trở thành nơi trú ngụ lâu năm của các loài cá, lươn, cùng với đám cá mới lên đồng theo mùa nước nổi, làm cho lượng cá trong lung đìa tăng lên số lượng lớn sau khi nước “giựt” đi. Các chủ đìa lớn, có nhiều đìa phải thuê mướn người làm, giao kèo với lái sau khi cá vận chuyển bằng ghe xuồng hoặc cộ ra đường bằng trâu, bò hay sức người mang ra ngoài sông lớn chuyển qua các ghe đụt đưa đi những chợ xa.
Việc này đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức nên các chủ đìa lớn sẽ có lịch xoay vần không trùng nhau và điều này cũng thuận lợi cho đội quân bắt hôi mà đa phần là đám nhỏ. Sau khi chủ đìa bắt xong cho hôi, cả đám con nít nhảy ào xuống mò bắt những con cá sót lại, chiến lợi phẩm thu được từ bắt hôi có khi ăn không hết, phải đem chợ nhỏ bán hoặc làm khô để dành tết.
Những ngày người ta hẹn nhau đi nơm cá rất vui, nhất là ở những lung, bàu rộng hàng chục, có khi hàng ngàn công đất. Cá rút về đây trú ngụ nhiều vô kể. Đi nơm phải đem theo 1 cái dao yếm, rựa hoặc lưỡi hái để dọn cỏ.
Sướng nhất là mỗi lần nơm nghe đâm “bựt bựt” là biết có cá, dừng lại mò bắt, đa số người ta bắt cá lóc, kế đến là cá trê và rô đồng. Hồi đó, người ta chuộng cá trê vàng hơn con trê trắng, giờ thì giống trê vàng gần như rất hiếm. Đây chính là loại cá để bà con người Khmer chế biến nên món prahok op hảo hạng (mắm bồ hóc loại thượng hạng).
Lúc này phần lớn cánh đồng vẫn còn lúa, một số nơi canh tác lúa mùa sớm thì mới thu hoạch trước tết. Trên những mảnh ruộng chưa ráo hẳn, có nơi trũng nhiều vạt đất còn nước lĩnh lãng, chính là nơi bao nhiêu cá nó dồn về đó.
Tụi nhỏ sẽ đi theo các bờ mẫu, móc thành những cái hố nhỏ thiệt láng gọi là đắp tàu, rồi gom rơm lại đốt theo hướng gió. Cá rô đồng sẽ tìm đường lóc về một hướng dưới gió chúng trườn vào các hố nhỏ trên bờ mẫu mà mắc cạn ở đó.
Bắt cá kiểu này không nhiều nhưng nó vô cùng thú vị. Sau đợt cá giác chạng vạng, thì sáng sớm sẽ đi thu hoạch cá lần nữa. Ngoài thiên nhiên đã quá nhiều cá, người khai thác thì thô sơ lại không nhiều nên cá tôm trở nên quá nhiều.
Hơn nữa, việc canh tác lúa mùa cũng chính là sự cộng hưởng tuyệt vời tạo nên môi trường trú ngụ và nguồn thức ăn dồi dào nuôi dưỡng bầy cá mập ú trong 3 tháng nước tràn đồng. Nên mùa cá lúc này thu hoạch vừa nhiều lại vừa loại cá ngon, khi chúng cũng bắt đầu mùa ôm trứng sinh sản.
Dù mải mê với chuyện cá mắm, nhưng mọi người vẫn không thể bỏ qua với đặc sản chuột đồng. Đi đặt rập, đào hang hay đâm chuột trong các hàng tre, hàng dừa cùng với những con chó ta tinh khôn, cứ chịu đi ra đồng, ra vườn là có chuột. Một món ăn ngon dù cho có chế biến cách nào chúng vẫn ngon.
Chuột được khai thác quanh năm và chế biến nhiều món ngon- chuột nướng lu. |
Từ chuột nướng, chuột khìa, chuột kho rịu, chuột nấu canh chua bứa- một món ăn giàu chất dinh dưỡng mà thiên nhiên ban tặng cho người nghèo ngày xưa, khi mà thịt heo ít có ai dám ăn thường xuyên.
Cánh đồng coi như là cả một “mâm đặc sản” của miền quê. Đây là nơi cung cấp nồi cơm và hàng trăm món ăn ngon thú vị, hấp dẫn ngay từ lúc đánh bắt cho đến lúc lên mâm cơm. Vậy nên cánh đồng nó gắn bó thân thương với những đứa trẻ ngay từ lúc tuổi chưa lên mười. Những cánh đồng vô tận sản vật và bất tận niềm vui.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin