5 năm mang sách đến gần độc giả

05:01, 12/01/2021

Đường sách TP Hồ Chí Minh tròn 5 tuổi vào ngày 9/1/2021. Không gian đậm chất văn hóa giữa lòng thành phố là kỷ niệm, là địa chỉ thân thương của nhiều thế hệ sinh viên, những người yêu sách trong và ngoài nước.

Đường sách TP Hồ Chí Minh tròn 5 tuổi vào ngày 9/1/2021. Không gian đậm chất văn hóa giữa lòng thành phố là kỷ niệm, là địa chỉ thân thương của nhiều thế hệ sinh viên, những người yêu sách trong và ngoài nước.

Không gian đường sách là nơi tổ chức nhiều chương trình, sự kiện văn hóa lớn nhỏ.
Không gian đường sách là nơi tổ chức nhiều chương trình, sự kiện văn hóa lớn nhỏ.

Đường sách Nguyễn Văn Bình tọa lạc tại Quận 1, dài hơn 100m từ đường Hai Bà Trưng đến Nhà thờ Đức Bà. Ngày đầu xây dựng, đường sách có 19 gian sách, 2 quán cà phê sách, 2 gian bán vật phẩm lưu niệm. Đến nay, đường sách đã lấp đầy không gian với cây xanh rợp bóng, các chỗ dừng chân với ghế nghỉ, nơi ngồi đọc sách, khu mua bán sách cũ, mô hình xe buýt sách, trạm chờ đọc sách, bảng tra cứu thông tin…

5 năm qua, đường sách đã tổ chức gần 1.200 chương trình, sự kiện lớn nhỏ với khoảng 11,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu của các đơn vị có gian hàng đạt 181 tỷ đồng, 3,5 triệu sách được bán ra, trong đó có hơn 57.000 tựa sách mới. Không chỉ thu hút giới trẻ mà có khi cả gia đình cha mẹ ông bà con cháu cùng nhau đến đường sách.

Trong các sự kiện, nhiều văn nghệ sĩ, tác giả, cả những Việt kiều khi về Sài Gòn cũng đều chọn đường sách làm nơi gặp gỡ công chúng. Và nếu bạn đang cần tìm những cuốn sách cổ không được tái bản nữa và dường như đã bị “mất tích” trên thị trường thì đường sách chính là một địa điểm lý tưởng để tìm.

Giữa tất bật, nhộn nhịp của một thành phố công nghiệp, đường sách đã trở thành khoảng lặng để mọi người có thể dừng chân tận hưởng bình yên bên những góc cà phê yên tĩnh, vừa nhâm nhi cà phê thơm ngon, vừa thưởng thức những trang sách vẫn còn thơm mùi giấy.

Bạn Yến Nhi- sinh viên Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn- chia sẻ: “Dù đi một mình nhưng chưa bao giờ có cảm giác phải ở đường sách một mình, bởi luôn có những người đọc sách bên cạnh. Tôi yêu những cơn gió mát rượi thổi qua vòm me xanh. Tôi yêu những hiệu sách nhỏ luôn đầy ắp những quyển sách đầy mê hoặc. Thỉnh thoảng còn nghe tiếng chuông nhà thờ ngân nga khiến tim rung lên những nốt nhạc thư thái, bình yên. Nhờ có đường sách mà tôi đọc sách nhiều hơn, yêu sách hơn”.

Trong trang lưu bút ở đường sách, bạn sẽ bắt gặp thật nhiều mảng đời đã từng trôi qua, ghé lại và mượn tạm đường sách như một chỗ tâm tình. Một bạn sinh viên đã viết: “Mỗi lần tâm tư rối bời là tớ lại đến đây, để đọc, để học những điều mới từ sách, để cho tâm hồn tớ an yên hơn. Sách như một liều thuốc kỳ diệu cho trí óc và cả con tim tớ. Cảm ơn đường sách đã đến và dành tặng những thân thương cho kẻ mộng mơ này”.

Và thật xúc động khi bắt gặp “lời chào” của người bà đến từ Thanh Hóa: “Chào các cháu! Bà Mai Thị Thụy- 77 tuổi đến từ Nông Cống, Thanh Hóa. Đây là lần đầu tiên bà đến với TP Hồ Chí Minh. Và bây giờ bà đang có mặt ở đây. Bà rất vui! 19/11/2020”…

Điều vô cùng tích cực là sự lan tỏa của đường sách. TP Hà Nội và một số tỉnh thành đã học tập kinh nghiệm để xây dựng đường sách, phố sách ở địa bàn của mình. Việc làm đó đã góp phần trong việc đưa sách đến với công chúng, phát triển văn hóa đọc, hình thành các tụ điểm, không gian văn hóa phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân.

Tìm đến góc nhỏ giữa Sài Gòn để đọc, để học điều thú vị từ sách.
Tìm đến góc nhỏ giữa Sài Gòn để đọc, để học điều thú vị từ sách.

Đường sách TP Hồ Chí Minh còn truyền cảm hứng cho cả… Myanmar. Việc di dời những người bán sách vào một khu riêng biệt tại Yangon năm ngoái nhận được sự hưởng ứng tích cực khuyến khích văn hóa đọc trong bối cảnh hàng loạt nhà sách phải đóng cửa.

“Đường sách ở TP Hồ Chí Minh (Việt Nam) và thành phố sách Paju ở Seoul (Hàn Quốc) đã truyền cảm hứng cho chúng tôi có một con đường sách của riêng mình”- Trang Frontier dẫn lời ông U Myo Aung- Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản và phát hành sách Myanmar.

5 năm là chặng đường không quá dài nhưng đủ để đường sách truyền cảm hứng sách ngày một gần hơn với độc giả. Đường sách trở thành nơi lưu dấu ký ức Sài Gòn, là điểm dừng chân để sống thật chậm giữa lòng thành phố “chuyển động” không ngừng.

 Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh