Xóm bầu cải vào vụ tết

11:12, 24/12/2020

Không gian xanh mướt, mát mắt, trong lành báo hiệu cho một mùa xuân nữa sắp về. Chúng tôi đi dọc Đường tỉnh 904 tìm về xóm bầu cải ở ấp Nhất và ấp An Thới (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình). Vài tuần trở lại đây, xóm bầu cải này đã vô vụ tết.

 

 

Video: Xóm bầu cải nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân

 

Xóm bầu cải bắt đầu vào vụ bầu hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2021

Xóm bầu cải bắt đầu vào vụ bầu hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2021

 

Không gian xanh mướt, mát mắt, trong lành báo hiệu cho một mùa xuân nữa sắp về. Chúng tôi đi dọc Đường tỉnh 904 tìm về xóm bầu cải ở ấp Nhất và ấp An Thới (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình). Vài tuần trở lại đây, xóm bầu cải này đã vô vụ tết.

Rộn rã xóm bầu cải

Những khoảng đất trống quanh nhà được bà con ở đây tận dụng để bầu cải, bầu hoa. Khung cảnh nhộn nhịp, tất bật của bà con xóm nghề hiện ra trước mắt. Hiện xóm bầu cải này có khoảng 21 hộ làm nghề trải dài ở ấp Nhất và ấp An Thới. Mỗi tháng cung cấp vài ngàn thiên cây giống (mỗi thiên 1.000 bầu) cho người làm rẫy ở địa phương và vùng lân cận.

Ông Lê Văn Sơn đang chuẩn bị vô bầu để trồng hoa vạn thọ.
Ông Lê Văn Sơn đang chuẩn bị vô bầu để trồng hoa vạn thọ.

 Ông Lê Văn Sơn- Trại giống Hai Sơn (ấp Nhất) nhớ lại: “Hồi xưa xóm bầu cải chỉ có vài hộ làm nghề, đếm được, trong đó có gia đình tui, chủ yếu bầu các loại rau, cải bẹ xanh, cải bắp, cải làm dưa, ớt...”. Ông nói tiếp: “Tính ra, gia đình tui làm nghề này đến đây đã 3 đời rồi, nói chung không giàu có gì nhưng cũng đủ ăn đủ mặc- ông Sơn nói.

“Tiếng lành đồn xa” của người dân xóm nghề này còn giữ được “từ xưa đến nay” là bầu cây con theo phương pháp truyền thống, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, nên cây giống phát triển tốt, thương lái chở bán khắp tỉnh- thành miền Tây.

Khoảng 4 năm nay, bà con xóm bầu cải còn chủ động bầu thêm các giống hoa vạn thọ, mai thọ, cát tường,…nhằm “thích ứng” thị trường và nhu cầu của khách hàng. Những ngày cận tết bà con ở đây còn chuyển sang buôn bán hoa chậu để phục vụ thị hiếu khách hàng.  “Mấy năm nay bà con ở đây còn trồng hoa chậu. Riêng gia đình tôi, năm nay sẽ vô khoảng 10.000 chậu hoa vạn thọ, mai thọ, cúc các loại bán tết.” – ông Sơn cho biết thêm.

Công việc bầu cải tuy nhẹ nhành nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng khâu.

Công việc bầu cải tuy nhẹ nhành nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng khâu.

 Trời ửng nắng, chị Võ Thanh Trinh (ngụ ấp Nhất) cũng như bao bà con khác ở xóm bầu cải lại tất bật với công việc vô bầu, xuống giống, tưới nước, nhổ cỏ… Từ đầu tháng 9 âm lịch chị phải xuống giống cho kịp tết. Bình quân mỗi tháng chị Trinh bán vài chục thiên ớt, cải các loại, giá mỗi thiên khoảng 100.000- 250.000 đồng.

Cũng như mọi năm, để chuẩn bị tết, chị tận dụng hết 300m2 đất trước nhà để xuống giống khoảng 50 thiên cải và hoa. Do gần nhà, nên “vừa lo công việc nhà vừa chăm sóc thấy cũng tiện”. “Từ giờ tới tết là mần suốt, không ngơi tay đâu. Độ chừng rằm tháng Chạp là bà con vô hoa chậu để đầy vườn luôn, nhìn vui như tết vậy đó”- chị Trinh cười- cho hay.

Xóm bầu cải đã cải thiện thu nhập cho nhiều hộ dân, có hộ vươn lên khá giàu

Xóm bầu cải đã cải thiện thu nhập cho nhiều hộ dân, có hộ vươn lên khá giàu

 

Các hộ dân nơi đây chủ yếu là bầu các cây con như cải các loại, ớt, so đũa, ớt .... Dịp tết này, nơi dây bầu thêm các loại hoa như vạn thọ, cúc....

Các hộ dân nơi đây chủ yếu là bầu các cây con như cải các loại, ớt, so đũa, ớt .... Dịp tết này, nơi dây bầu thêm các loại hoa như vạn thọ, cúc....

 Tạo việc làm lao động nhàn rỗi

Công việc làm ăn của xóm bầu cải ngày càng thuận lợi nên nhu cầu thuê mướn người phụ giúp cũng tăng theo, đã tạo ra công ăn việc làm cho gần 100 lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Chị Nguyễn Thanh Thi (ấp Nhất) đang vô bầu thuê, vui vẻ cho biết: “Chị làm công ở đây 3 năm rồi. Nếu mình làm hết ngày được 150.000 đồng, còn làm 1 tiếng đồng hồ thì 15.000 đồng”.

Người chăm sóc cần phải hiểu giai đoàn sinh trưởng của cây để đưa ra biện pháp chăm sóc tốt nhất.

Người chăm sóc cần phải hiểu giai đoàn sinh trưởng của cây để đưa ra biện pháp chăm sóc tốt nhất.


“Ăn theo” xóm bầu cải, các hộ dân sinh sống xung quanh đây cũng “sống được” nhờ nghề khoanh bầu bằng lá chuối. Anh  Lê Văn Cang ở (ấp Ngã Cái) cho hay, đôi chân không lành lặn do tai nạn lao động khiến anh xoay xở cuộc sống khó khăn, rất may anh được biết đến công việc khoanh bầu cho xóm bầu cải.

 “Tôi khoanh bầu vầy mười mấy năm rồi đó, nhờ nghề này mà có tiền trang trải cuộc sống. Mỗi ngày 2 vợ chồng tôi khoanh được khoảng 5 thiên bầu, mỗi thiên tui được 23.000 đồng, thu nhập hơn 100.000 đồng mỗi ngày”- anh Cang cũng cho hay, trên địa bàn ấp Ngã Cái hiện có khoảng 10 hộ làm nghề khoanh bầu. Bà con đa phần tranh thủ sau khi lo công việc đồng án thì ra vườn hái hoặc xin lá chuối ở các vùng lân cận về rồi khoanh bầu kiếm thêm thu thu nhập.

“Bà con làm rồi mang đến, vợ chồng tui sẽ gom lại giao cho trại giống. Ngày thường giao khoảng 20 thiên, mấy tháng này thì 40 thiên mà vẫn chưa đủ để hàng nữa đó”- anh Cang cho biết thêm.

Song song nghề bầu cải, nghề khoanh bầu cũng dần hình thành phục vụ cho xóm bầu cải.
Song song nghề bầu cải, nghề khoanh bầu cũng dần hình thành phục vụ cho xóm bầu cải.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng- Cán bộ Nông nghiệp xã Ngãi Tứ, thì xóm bầu cải ở 2 ấp diện tích gần 7.000m2. Hàng năm, nhất là vào dịp gần tết, bà con nơi đây sản xuất rộ các bầu hoa vạn thọ, hoa cúc,... với số lượng lớn phục vụ cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Xóm bầu cải đã tạo công ăn việc làm cho 93 lao động thường xuyên trong xã, giúp bà con nơi dây cải thiện thu nhập và cũng có hộ ăn nên làm ra từ nghề bầu cải.

TẤN TÂN- NGỌC LIỄU (thực hiện)

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh