Với mong muốn tìm ra sản phẩm thay thế những sản phẩm nhựa dùng một lần, sinh viên Lưu Vĩnh Mến và Tạ Linh Phụng- Khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường ĐH Cửu Long- đã thực hiện đề tài "Thiết kế, chế tạo máy ép đĩa mo cau và khắc hoa văn cho sản phẩm". Đề tài này vừa đạt giải nhất giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020".
Lưu Vĩnh Mến và Tạ Linh Phụng với những chiếc đĩa mo cau hoàn chỉnh. |
Với mong muốn tìm ra sản phẩm thay thế những sản phẩm nhựa dùng một lần, sinh viên Lưu Vĩnh Mến và Tạ Linh Phụng- Khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường ĐH Cửu Long- đã thực hiện đề tài “Thiết kế, chế tạo máy ép đĩa mo cau và khắc hoa văn cho sản phẩm”. Đề tài này vừa đạt giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020”.
Đam mê nghiên cứu khoa học
Tạ Linh Phụng và Lưu Vĩnh Mến là 2 sinh viên ngành cơ khí, khóa 17 và cùng có niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Theo Phụng, khu vực xung quanh Trường ĐH Cửu Long có nhiều rác thải nhựa, chủ yếu là sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần vì đây là khu vực có Khu công nghiệp Hòa Phú và tập trung đông học sinh sinh viên. Nhiều lần các bạn sinh viên ra quân “gom rác thải nhựa” nhưng đâu lại vào đấy. Từ thực tế đó, 2 bạn muốn tìm một sản phẩm thay thế nhựa. Phụng cho hay: “Tụi em chọn mo cau vì em thấy mo cau bền và thường chỉ được đốt bỏ như rác”.
Quá trình từ ý tưởng đến những chiếc máy hoàn chỉnh ra đời là quá trình lao động miệt mài đầy mồ hôi và những đêm trăn trở. Phụng chia sẻ: “Từ khi lên ý tưởng đến khi sản phẩm hoàn chỉnh cũng ngót nghét 1 năm trời với rất nhiều lần thất bại”. Mến cười, nói tiếp lời bạn: “Giống như ăn và ngủ cùng với đề tài, mỗi công đoạn, mỗi lần không thành công thì đêm đó lại không ngủ được, thao thức nghĩ xem sai ở chỗ nào. Vậy rồi, hôm sau lại mày mò tiếp”.
Sản phẩm là cả quá trình tìm tòi nghiên cứu với sự động viên và hướng dẫn của ThS. Cao Văn Thi. |
Việc ép mo cau thành chiếc đĩa và khắc hoa văn tưởng chừng như đơn giản nhưng lại lắm khó khăn. Nếu nhiệt độ không đủ thì sau khi ép xong không giữ được hình dáng đĩa, nếu nhiệt độ quá cao sẽ làm cháy hoặc phồng vọp sản phẩm. Sau nhiều lần làm thử ở những nhiệt độ khác nhau, đã có chiếc đĩa mo cau hoàn chỉnh, với thiết kế hoa văn là bản đồ Việt Nam.
Sau thời gian tìm tòi học hỏi, cùng với sự hướng dẫn, động viên của thầy hướng dẫn thực hiện đề tài là ThS. Cao Văn Thi, máy ép đĩa mo cau và in hoa văn trên mo cau ra đời. Máy được chế tạo phải đạt năng suất 45 cái/giờ và đảm bảo các điều kiện an toàn khi vận hành. Giá thành mỗi chiếc đĩa mo cau hoàn chỉnh khoảng 2.000đ. Nếu được chế tạo hàng loạt, với công suất lớn hơn giá thành sẽ thấp hơn. Mến cầm chiếc đĩa trưng bày, giới thiệu: “Nếu đựng những thức ăn khô như bánh, kẹo thì có thể sử dụng vài tháng. Ngoài ra, đĩa này có thể rửa bằng xà bông nhưng phải phơi nắng”.
Thành quả của say mê
Máy ép đĩa mo cau và khắc hoa văn cho sản phẩm tích hợp các công đoạn ép đĩa mo cau, khắc hoa văn và cho ra sản phẩm hoàn thiện. Mo cau khô sau khi được vệ sinh sạch bụi bẩn được trải phẳng, để khô nước. Ngay thời điểm này, máy sẽ có nhiệm vụ ép tấm mo cau nhờ hệ thống ép, sau đó đĩa mo cau sẽ được chuyển đến bộ phận khắc hoa văn theo mẫu đã thiết kế.
Nói về đề tài, ThS. Cao Văn Thi chia sẻ: “Đã có một số cơ sở sản xuất dụng cụ đựng thức ăn từ mo cau. Tuy nhiên những máy này được nhập khẩu từ nước ngoài về sử dụng. Chúng tôi mong muốn làm ra một sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam phục vụ cho mọi người”.
Ông nói thêm: “Tôi chỉ là người hướng dẫn còn tất cả các công đoạn do 2 bạn trực tiếp thực hiện. Tôi nghĩ vấn đề của giảng viên là khích lệ sinh viên nghiên cứu khoa học, cho các em say mê những môn học của mình và ứng dụng nó vào thực tế cho ra đời những sản phẩm có ích cho mọi người”.
Hiện tại, Mến và Phụng đang học tiếng Nhật với mong muốn được sang Nhật Bản làm việc với vai trò kỹ sư. Mến nói: “Ngoài việc có thu nhập tốt, em mong muốn sang Nhật làm việc để học hỏi những công nghệ mới ở đất nước đó để nâng cao kiến thức của mình”.
Không chỉ đạt giải nhất với đề tài của mình, 2 bạn còn đạt giải thưởng phụ là video ấn tượng nhất. |
Mong muốn của Mến và Phụng là được triển khai đề tài ra thực tế nhằm góp phần bảo vệ môi trường, lan tỏa thông điệp và mong muốn của mình đến mọi người với những sản phẩm thân thiện. Ngoài làm đĩa nhựa, máy khi thay khuôn có thể làm hộp, muỗng,… bằng mo cau. Dự định trong thời gian tới, nhóm sẽ sử dụng chuối cây- chuối có buồng đã bị đốn bỏ- phơi khô để làm sản phẩm.
Niềm say mê nghiên cứu, sáng tạo cùng với những kiến thức của ngành học đã giúp Mến và Phụng cho ra đời “đứa con tinh thần” của mình. Có thể, đó chưa phải là một sản phẩm hoàn thiện nhất nhưng ý nghĩa bảo vệ môi trường với những chiếc đĩa mo cau và những sản phẩm bằng mo cau trong tương lai là điều rất đáng trân trọng.
Năm 2020, giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” đã thu hút 461 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia. Năm 2019, sinh viên Tô Hiếu Hòa- Trường ĐH Cửu Long với đề tài “Thiết kế và chế tạo máy thu gom đánh tơi phân trùn quế” đạt giải nhì giải thưởng này. |
Bài, ảnh: VĨNH PHÚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin