Rong ruổi ở chợ nổi, lặn lội đến tận cùng ngõ hẻm tìm chiếc bánh quê, luôn đau đáu để phố sáng đèn, để đường hoa rực rỡ sắc hương… nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng cho rằng nghệ thuật là nghiệp, sưu khảo là duyên. Kết tình duyên nghiệp bên bờ sông Hậu, trọn cuộc đời ông thắm tình đất, tình người miền Tây.
Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng luôn đau đáu bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa địa phương. |
Rong ruổi ở chợ nổi, lặn lội đến tận cùng ngõ hẻm tìm chiếc bánh quê, luôn đau đáu để phố sáng đèn, để đường hoa rực rỡ sắc hương… nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng cho rằng nghệ thuật là nghiệp, sưu khảo là duyên. Kết tình duyên nghiệp bên bờ sông Hậu, trọn cuộc đời ông thắm tình đất, tình người miền Tây.
Chắp bút “vẽ” quê hương
Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng sinh ra ở Phụng Hiệp (Hậu Giang), trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Thuở nhỏ học tại quê nhà, đến năm lớp 10, ông chuyển lên Sài Gòn học.
Vừa tròn 20, Nhâm Hùng sôi nổi tham gia hoạt động văn nghệ, báo chí yêu nước trong phong trào đấu tranh học sinh, sinh viên. Ông từng 3 lần bị bắt đi tù tại các khám Chí Hòa, Tây Ninh, Long An. Những ngày tháng gian khó để lại trong ông nhiều kỷ niệm và tình cảm dành cho đất nước, quê hương được bồi đắp từng ngày.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhâm Hùng về công tác tại quê nhà, luân chuyển qua nhiều ban ngành trong lĩnh vực văn hóa. Ông từng giữ nhiệm vụ Đội trưởng Đội Thông tin lưu động tỉnh Hậu Giang, Chủ nhiệm nhà văn hóa huyện Phụng Hiệp. Ông chính là tác giả của mô hình thuyền văn hóa nổi tiếng của Phụng Hiệp một thời.
Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng luôn đau đáu bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa địa phương. |
Năm 1994, sau thời gian công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô đến khi nghỉ hưu năm 2009. Hơn nửa đời người cống hiến cho sự nghiệp văn hóa- văn nghệ, Nhâm Hùng trở thành cái tên uy tín được giao trọng trách thiết kế đường hoa xuân TP Cần Thơ, “cầm cân nảy mực” ở Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, đạo diễn cho nhiều sự kiện văn hóa…
Nhâm Hùng còn nổi tiếng là nhà biên khảo văn hóa với hàng chục đầu sách: “Tìm hiểu đất và người Hậu Giang”, “Phong Điền địa linh nhân kiệt”, “Cần Thơ phố cũ nét xưa”, “Chợ nổi ĐBSCL”… Theo ông, người biên khảo cần sự dấn thân, trải nghiệm; cần vốn tư liệu và kiến thức phong phú; cần có tư duy tổng hợp, khái quát vấn đề.
“Nhưng cần nhất vẫn là tình yêu, tâm huyết của người viết biên khảo dành cho vùng đất đó. Có khi tôi ở lại làng xóm, con kinh nào đó gần tuần lễ chỉ để tìm ra cách giải thích địa danh nghe sao thân thuộc. Mỗi lần cầm trên tay kỷ vật trăm năm, nghe một câu chuyện hay về vùng đất, tôi sung sướng như mình vừa “chạm mặt” người xưa. Người viết biên khảo cũng cần sự trung thực, cẩn thận, trách nhiệm.
Bởi vài mươi năm hay trăm năm sau, hậu thế sẽ soi rọi vào những trang viết của mình để làm căn cứ khi nghiên cứu lịch sử, văn hóa một vùng đất. Mình làm ẩu hay sai sót là có tội với tiền nhân, có lỗi với hậu thế”- ông chia sẻ.
Ở tuổi ngoài 70, người ta ấn tượng với ông bởi sự linh hoạt, gần gũi và vốn kiến thức uyên bác. Một mình rong ruổi khắp xóm, khắp làng, Nhâm Hùng đi để biết, để học những điều mới, để nhớ một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết… Và cuối cùng, với nỗi niềm “ôn cố tri tân”, ông cầm bút phác thảo lại bức tranh quê hương cho con cháu mãi sau này kho tàng kiến thức, tư liệu lịch sử phong phú, chân xác.
Giấc mơ với chợ nổi và chiếc bánh quê
Chợ nổi một thời là biểu hiện cho sự sung túc của vùng sông nước ĐBSCL, trở thành nét văn hóa độc đáo, thu hút khách du lịch. Giao thông đường bộ phát triển, nhu cầu mua bán trên sông giảm đi, chợ nổi đối diện cảnh xế chiều, thậm chí là chuyện tồn vong... Những người làm văn hóa luôn đau đáu tìm cách để chợ nổi “không chìm” và Nhâm Hùng cũng không ngoại lệ.
Những sự kiện văn hóa ở chợ nổi không thiếu bóng ông và ở những hội thảo bảo tồn chợ nổi, ông luôn đưa ra những đề xuất đầy tâm huyết: bảo tồn hoạt động giao thương và văn hóa chợ nổi, đề xuất tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp, đờn ca tài tử… đúng chất gốc chợ xưa hòa trong bối cảnh chợ nổi ngày nay.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của ông là lần “mang cả chợ nổi ra Hà Nội”: “Ở Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, giữa hồ nước, chúng tôi có chiếc ghe, có cô gái mặc áo bà ba và để du khách trải nghiệm chợ nổi. Không quen không khí lạnh ngoài Bắc, nhưng dù lạnh bao nhiêu thì chúng tôi vẫn thấy hạnh phúc bởi chúng tôi mang ra được hình ảnh quê nhà để giới thiệu với bạn bè gần xa”- soạn giả Nhâm Hùng chia sẻ.
Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng là người thiết kế đường hoa TP Cần Thơ nhiều năm liền. |
Soạn giả Nhâm Hùng cũng là một trong những người đề xuất ý kiến tổ chức và tạo nên thành công của Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ: “Qua 7 lần tổ chức, lần đầu thấp thỏm với 3.000 người dự thì lần 7 thu hút hơn 600.000 lượt khách”. Ông chia sẻ: “Tôi lớn lên với dòng hồi ức về bánh lá, cốm nổ mà bà, mà mẹ hay làm. Sau này lớn lên tôi đi chợ Cái Vồn (Vĩnh Long) tìm bánh lọt, đi chợ Vị Thanh (Hậu Giang), lên tới chợ Trảng Bàng (Tây Ninh) tìm bánh tráng… Phải làm sao mới bảo tồn, phát triển, làm mới cái bánh quê hương, thậm chí là mang sang nước ngoài”.
Những chiếc bánh giản dị gắn liền với đời sống của người dân quê, hình ảnh mẹ đi chợ mua bánh về cho con, hình ảnh cô gái bán bánh ở bến xe gắn với tiếng rao, văn hóa làm bánh, văn hóa bán bánh và thưởng bánh… được Nhâm Hùng yêu thương viết trong quyển “Tìm hiểu bánh dân gian Nam Bộ”.
Dù ở bất kỳ vai trò nào, những tác phẩm, kịch bản chương trình của Nhâm Hùng cũng đầy ắp hơi thở cuộc sống và hình ảnh quê nhà. Ông làm việc không ngừng nghỉ và luôn mong mỏi khôi phục, bảo tồn lại được những nét đẹp văn hóa dân tộc. Chắt chiu viết nên hàng chục quyển sách, để thành hình một đoạn đường hoa rực rỡ, để chiếc bánh quê còn mãi vị ngọt… ông phải nhớ và yêu biết bao mảnh đất này!
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin