Mấy mươi năm xa cách, nay tôi trở về thăm lại quê hương, nơi tôi được sinh ra và ngày ngày ngon giấc bên cánh võng trưa hè.
Mấy mươi năm xa cách, nay tôi trở về thăm lại quê hương, nơi tôi được sinh ra và ngày ngày ngon giấc bên cánh võng trưa hè.
Vừa bước xuống xe đò là đã có mấy chiếc xe ôm trờ tới. Nhưng không, tôi muốn được bách bộ trên đường làng dù giờ đây đã được bê tông hóa. Được sãi bước chân, hít thở bầu không khí trong lành của trời quê thật là hạnh phúc, dễ chịu.
Làng quê giờ đã nhiều thay đổi. Cầu khỉ không còn nhưng tôi vẫn mường tượng cái cảnh cả bọn té cầu ướt loi ngoi, lấm lem tập vở hôm nào. Đình làng đây rồi! Đình làng vẫn như ngày nào: cổ kính, trầm mặc mà sừng sững như thách thức với thời gian. Nhà thầy Toàn? Nếu không có hàng cau thẳng tắp như tranh vẽ là tôi đã không nhận ra căn nhà lợp ngói đỏ tươi kia là của thầy.
Tiếc rằng nhà đã khóa cửa, nếu không tôi đã ghé viếng thầy để được nghe lại những lời dạy bảo. Bạn bè ngày cũ: anh em thằng Tường, thằng Tận, con Thêu, con Thùa chắc đã có gia đình?...
Cái tin má Tư đã qua đời làm tôi xúc động, bàng hoàng. Bên mộ má, tôi thắp nén hương mà nghe khóe mắt mình cay cay. Khói vo tròn rồi ngoằn ngoèo phả vào bức ảnh đen trắng trước ngôi mộ.
Trong hình, má mĩm cười nhưng bằng ánh mắt buồn buồn, xa xăm. Trong phút chốc, lòng tôi chợt ấm lại tựa hồ đang được má vỗ về trong vòng tay ấm áp. Ngày ấy, tôi là thằng bé được má thương yêu nhất. Má Tư đã cao tuổi nhưng trong xóm ai cũng đều thích gọi là “má Tư” bởi má là “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Chồng và con má đều đã hy sinh. Má sống một mình song không cảm thấy cô đơn vì xung quanh má còn những láng giềng tốt bụng và đám học trò của chúng tôi sớm thăm, tối viếng.
Hàng ô môi dưới bến sông nhà má là những nhân chứng của một thời chiến tranh ác liệt; cây cụt đọt, cây gãy cành, cây bọng gốc,… song hễ vào dạo tháng 4, sau những cơn mưa đầu mùa lất phất là chúng lại nở rộ, làm thắm cả một góc trời quê.
Rồi đến khi trái chín, chúng đen kịt, lủng lẳng đầy cành như những khúc côn lắc lay trong gió. Má bẻ xuống chia cho cả xóm để cùng thưởng thức món trái cây bình dị của đồng quê.
Nhớ hồi nhỏ, chính má Tư là người đã tập tành cho tôi ăn trái ô môi. Má róc hai nên hông rồi bóp theo đường sống, gỡ ra: Những thỏi ô môi như những đồng tiền tròn, kéo nhựa, mùi khó ngửi nhưng ăn vào vị ngọt như đọng mãi ở bờ môi…
Giờ tôi trở về đây, cũng đúng vào lúc mùa ô môi thắm nhất, đẹp nhất nhưng má Tư đã không còn. Bên gốc ô môi, tôi chợt như thấy lại cái dáng còm còm của má, rồi bất chợt lại thèm những thỏi ô môi tròn tròn, kéo nhựa mà ngọt lịm của má năm nào.
Nguyễn Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin