Trước đây, từ Năm Căn ra đến đất Mũi Cà Mau bằng tàu cao tốc xé nước xuyên rừng đước đối với chúng tôi là hành trình thật khó quên. Còn hiện nay, đường Hồ Chí Minh mới mở nối tuyến xe chạy thẳng ra tới biển, lướt qua những cánh rừng đước bạt ngàn…
Vỏ lãi xé nước giữa sông, rạch chằng chịt ở Đất Mũi Cà Mau. |
Trước đây, từ Năm Căn ra đến đất Mũi Cà Mau bằng tàu cao tốc xé nước xuyên rừng đước đối với chúng tôi là hành trình thật khó quên. Còn hiện nay, đường Hồ Chí Minh mới mở nối tuyến xe chạy thẳng ra tới biển, lướt qua những cánh rừng đước bạt ngàn…
Rừng đước lấp lánh nắng
Buổi sáng ở TP Cà Mau, nghe bác tài thông báo không còn cách trở đò giang, xe đã chạy một mạch ra tới đất Mũi nên chúng tôi thong thả ăn sáng, uống cà phê. Hơn trăm cây số trên con đường mới mở bị cuốn hút bởi những rừng đước bạt ngàn đối với chúng tôi cảm thấy “cũng gần”, khi xe dừng bánh, đất Mũi hiện ra trong ánh nắng chói chang trải tràn trên những rừng đước xanh thẫm.
Khu du lịch Đất Mũi hôm nay, ngoài hình tượng con tàu “mũi tàu ta đó”, mốc tọa độ GPS 0001 rất quen thuộc, thì du khách đã có thể “chụp hình lia lịa” khi đi dọc theo bờ kè chắn sóng với những điểm check in thú vị như cột mốc điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, đền thờ Lạc Long Quân, tượng Mẹ Âu Cơ, Cột cờ… Và nếu có “đi lạc trong rừng đước”, đã có những biểu tượng mới cá thòi lòi, ốc len định hướng.
Khi chúng tôi “đi tùm lum” đã được trưởng đoàn hướng dẫn tới điểm “con cua” để tập trung xuống đò đi vào điểm du lịch sinh thái giữa rừng đước. Có hàng chục điểm sinh thái mở bến đón khách ven các con rạch, tạo điểm thu hút cho du khách khi đến miệt Đất Mũi.
Những điểm du lịch homestay hầu hết do nông dân tận dụng lợi thế sẵn có rừng đước, như chủ hộ du lịch sinh thái Quách Văn Ngãi giới thiệu các loại hải sản tươi sống, còn cho chúng tôi biết ở đây có lưu trú qua đêm kết hợp tìm hiểu đời sống hoang dã.
Đường xuyên rừng đước mát rượi. |
Những điểm du lịch sinh thái rừng ngập mặn thừa thắng xông lên từ năm 2019, khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, chủ yếu thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển và một phần nhỏ huyện Năm Căn, diện tích khoảng 20.100ha.
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, tăng chuỗi giá trị kết hợp giới thiệu văn hóa, ẩm thực... là con đường du lịch Cà Mau đang hướng tới. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2025, không chỉ đưa Khu Du lịch Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm du lịch lớn nhất của tỉnh, mà còn trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng ĐBSCL.
Đối với chúng tôi, du lịch sinh thái trải nghiệm có sức hút mạnh mẽ. Dù chưa lội sình bắt cua, thụt cá thòi lòi, ba khía… mà chỉ đi cầu khỉ xuyên rừng tràm “chọc ghẹo” những con còng, thòi lòi thập thò dưới những chang đước như chân nơm, mọc tua tủa quanh gốc, bám sâu vào lòng cũng thấy rất đã.
“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát/Sau hàng dừa nước mái nhà ai”- ở đây, người dân rành “sáu câu” thứ tự mở đất này. Từ câu thơ này suy ra tương ứng là độ mặn, lợ, ngọt của nước; độ dẽ, độ thuần của đất. Chỗ nào trồng tràm là đất đã thuần, dân kéo đến ngụ cư, rồi từ đó mới ra hàng dừa nước hay vườn xoài, mít, mận,… Đước trưởng thành, cái gì của đước cũng đều làm ra tiền cả: làm đũa, làm giá võng, đồ mỹ nghệ, cột nhà, đóng móng, lấy than…
Chúng tôi nhận thấy người dân vùng Đất Mũi cũng đã tận dụng lợi thế của rừng đước cùng biết bao câu chuyện đời sống lẫn truyền thuyết “lấn biển” để “dụ” khách đến đây và ở lại đây. Trong thời gian chờ đợi chủ nhà nấu nướng thức ăn, khách có thể nằm võng thư giãn nhìn rừng đước hoặc mượn chủ nhà cần câu cá. Có nhiều loại cá phi, cá đối, cá nóc… đi cả bầy “giựt đã tay”, nếu may mắn bạn có thể câu dính con cua kình càng nữa.
Du khách chọn hải sản tươi sống và được chủ hộ chế biến theo nhu cầu. |
Giữa bao la là gió
Không phải lần đầu đi dọc miền nắng gió ven biển miền Tây, nhưng chúng tôi luôn đầy cảm giác khoan khoái giữa bao la là gió. Gió thổi tung giồng cát, gió làm xoay chuyển turbin cánh quạt điện gió Bạc Liêu…
Theo cung đường ra phía biển, chúng tôi đi qua những cánh đồng lúa, cây ăn trái ngút ngàn. Có thể nhận thấy sự thích nghi của các loại cây trồng khi nguồn nước ngọt từ sông Hậu dần chuyển lợ và mặn khu cửa biển Trần Đề.
Vùng cây ăn trái, lúa tốt tươi các huyện Châu Thành, Kế Sách, Long Phú đã thay thế cho những cánh đồng mía, vuông tôm kéo dài xuống Trần Đề đến Vĩnh Châu. TX Vĩnh Châu từ lâu rất nổi tiếng là vùng đất của hành tím, không chỉ có gió phóng khoáng trên cánh đồng, mà khoảng 45km đường ven biển qua Vĩnh Châu còn tuyệt đẹp với đầy bất ngờ.
Để cảm nhận gió lớn cỡ nào, chúng tôi đã đến cánh đồng điện gió Bạc Liêu- điểm tham quan rất thu hút du khách. Từ cách xa chục cây số, đã có thể nhìn thấy những trụ turbin lắp cánh quạt quay đều như những chong chóng khổng lồ in trên nền trời. Đường cầu dẫn ra các turbin gió đưa khách tới gần hơn và chạm tay vào “gã khổng lồ” hiên ngang trên biển cả.
Anh Lư Dũng- đồng nghiệp ở Báo Bạc Liêu- hồ hởi cho chúng tôi biết Nghị quyết của Tỉnh ủy xác định một trong những mục tiêu chính của tỉnh là: “Kinh tế biển trở thành thế mạnh và là trụ cột kinh tế chính, mở rộng không gian kinh tế ra biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Trong đó, đặc biệt chú trọng tập trung đầu tư phát triển các dự án Điện gió theo quy hoạch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4 dự án Nhà máy điện gió là: Bạc Liêu giai đoạn III tại xã Vĩnh Trạch Đông và xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu); Hòa Bình 1 tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình); Đông Hải 1 và Đông Hải 2 tại xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải). Phấn đấu đến năm 2020 sản lượng điện gió của các nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 882 triệu kWh.
Điện gió tiên phong khai phá vùng biển bãi bồi của ĐBSCL đã và đang tạo động lực cho những dự án điện gió và cả những dự án khai phá nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được đánh giá rất nhiều tiềm năng vùng biển miền Tây. Từ điện gió, Bạc Liêu cũng xác định rõ lợi thế so sánh về du lịch để “nối tour” đến Nhà Mát, tham quan vườn nhãn cổ thưởng thức bánh xèo, nhà Công tử Bạc Liêu hay du lịch tâm linh viếng Mẹ Nam Hải, Nhà thờ Tắc Sậy,…
Theo số liệu khảo sát năng lượng gió của Tổ chức thế giới (GTZ), tại ĐBSCL tiềm năng gió ở những vùng ven biển và ngoài khơi rất cao, dễ khai thác, đặc biệt là khu vực tỉnh Bạc Liêu, với tốc độ gió trung bình từ 7-8 m/giây.
Đặc sản mang hương vị nắng miền biển mặn mòi. |
Việc triển khai một dự án trên thềm lục địa ven biển trong điều kiện sóng to gió lớn và chưa có một mô hình mẫu nào trước đó, đã thể hiện quyết tâm, sáng tạo của con người. Để xây dựng được các móng trụ turbin trên biển và lắp đặt các turbin gió nặng hàng trăm tấn với chiều cao mỗi trụ hơn 82m, chiều dài cánh quạt 40m không phải là chuyện dễ làm.
Giữa bao la là gió, những trụ điện gió to đùng đã mọc lên giữa biển nước mênh mông, mỗi ngày… quạt ra tiền tỷ và hòa vào điện lưới quốc gia.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin