Cô Bùi Lê Xuân Trang và câu chuyện "Xương rồng không gai"

04:11, 18/11/2020

"Xương rồng không gai" là câu chuyện có thật, cảm động người xem bởi tình cảm thầy trò, bạn bè của tập thể lớp 11A1 Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) vừa đạt giải đặc biệt cuộc thi "Thầy cô trong mắt em" do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. "Mảnh đất" tràn đầy tình yêu thương của cô Bùi Lê Xuân Trang, của lớp 11A1 đã giúp "Cây xương rồng không gai" tỏa sáng.

 

Các bạn và cô thăm chuồng cút nhà bạn Thái Quyên.

Cô Trang là cầu nối gắn kết, yêu thương các thành viên trong lớp.

“Xương rồng không gai” là câu chuyện có thật, cảm động người xem bởi tình cảm thầy trò, bạn bè của tập thể lớp 11A1 Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) vừa đạt giải đặc biệt cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. “Mảnh đất” tràn đầy tình yêu thương của cô Bùi Lê Xuân Trang, của lớp 11A1 đã giúp “Cây xương rồng không gai” tỏa sáng.

“Cây xương rồng không gai”

Cô Bùi Lê Xuân Trang là giáo viên dạy môn Vật lý, chủ nhiệm lớp 11A1 năm học này và cô đã đi dạy được 15 năm. Ngay tuần lễ sinh hoạt đầu năm, cô Xuân Trang đã cho các em học sinh viết sơ yếu lý lịch cụ thể để cô hiểu rõ hoàn cảnh từng em.

Khi xác định những hoàn cảnh khó khăn, cô trực tiếp nói chuyện với các em và đến tận nhà thăm hỏi. Cô Xuân Trang chia sẻ: “Tôi không hỏi thăm về hoàn cảnh, tính cách của học sinh với các giáo viên khác vì như vậy sẽ áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên học sinh khi chưa tiếp cận và biết rõ hoàn cảnh các em”.

Trong đó, Nguyễn Thái Quyên là một trường hợp khá đặc biệt. Em được cô giáo Xuân Trang đặt biệt danh là “Xương rồng” vì Quyên không hòa nhập với các bạn, lúc nào cũng như mang đầy gai nhọn quanh mình. Quyên hớt tóc nam và từng xin cô Trang không mặc áo dài đi học, không chào cờ mỗi thứ hai,… Đến lớp học, Quyên không nói chuyện với ai, không phát biểu, không tham gia phong trào, hoạt động gì.

Những năm học THCS, Quyên luôn là học sinh giỏi nhưng sang THPT thì Quyên học “chậm” và thường xuyên đi trễ, không tiếp xúc với bạn bè và hầu như không chia sẻ với bất kỳ ai. Dù đã học chung nhau cả năm học lớp 10 nhưng cả lớp không ai biết nhà và hoàn cảnh của Quyên ra sao.

Em như một cây xương rồng mọc đầy gai nhọn tự bảo vệ mình. Em Lê Quang Lượng- bạn học cùng lớp- ngày nào cũng cho Thái Quyên quá giang đến lớp nhưng lại không biết nhà bạn. Lượng nói: “Vì bạn không có xe đạp, thường đi trễ nên từ giữa lớp 10, em cho bạn Thái Quyên có giang nhưng Thái Quyên nói em chờ bạn ở đầu đường, bạn sẽ đi bộ ra. Em cũng không biết là Quyên đi bộ bao xa nữa”.

Cô Trang và các bạn trong lớp đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh của Thái Quyên. Căn nhà nhỏ, tạm bợ với bốn vách tôn, đứng từ trước cửa đã nhìn thấy hết trong nhà không có món đồ nào giá trị. Muốn vào được nhà, phải qua những con đường đất ngoằn ngoèo.

Cha mẹ em sau nhiều lần gây gổ thì ly hôn, Thái Quyên cùng mẹ và 3 em tuổi mầm non về gần nhà ngoại cất một căn chòi nhỏ. Thái Quyên phải gánh vác chuyện gia đình phụ mẹ, hàng ngày chăm em, cơm nước, giặt giũ.

Mẹ Thái Quyên từng còn có ý định cho bạn nghỉ học để giữ em, nhưng do hiếu học bạn vẫn duy trì đến lớp, nhưng thường xuyên đi trễ do giữ em buổi sáng cho mẹ đi chợ. Cô và các bạn đến thăm nhà, Thái Quyên đón cô và các bạn bằng những giọt nước mắt: “Em không ngờ cô và các bạn quan tâm em đến vậy, em sợ các bạn chê em nghèo, sợ các bạn cười gia đình em…”.

Cô và cả lớp quyết định dùng số tiền quỹ khuyến học của lớp hỗ trợ Thái Quyên. Nhưng hỗ trợ bằng hình thức nào? Tặng bạn một số tiền cũng không đủ để bạn xoay xở trong năm học, ngược lại có thể khiến Quyên mặc cảm.

Vậy là, Diễm Huỳnh đã góp ý: “Mình hỗ trợ bạn nuôi con gì dễ chăm sóc không ảnh hưởng đến việc học của bạn được không?” Nói là làm, 100 con cút được cô và bạn Diễm Trinh chạy xe hơn 60km mua về vì dễ nuôi. Cô và các bạn còn tặng luôn chuồng nuôi cút, giúp ráp chuồng và tặng cả thức ăn.

Sau ngày đó, Thái Quyên đã mở lòng với các bạn cùng lớp, không tự ti như trước và các bạn trong lớp yêu thương, gắn bó với bạn hơn, lớp 11A1 đoàn kết trong việc học và cả các phong trào. Mới đây nhất trong phong trào làm lồng đèn trung thu, các bạn cùng đạt giải nhất trường.

Cô Nguyễn Thị Thuận- mẹ của Thái Quyên- nói: “Hồi học cấp 2, Quyên năm nào cũng nhất lớp hết, cũng tại gia đình làm bé bị ảnh hưởng. Được cô quan tâm giúp đỡ như vầy, tôi mừng lắm”.

Cô Trang trong mắt học trò

Từ câu chuyện có thật và rất cảm động ấy, tập thể 11A1 đã bắt tay nhau dựng lại câu chuyện, mỗi nhóm phụ trách những công việc khác nhau và cùng tạo nên tác phẩm. Em Nguyễn Thị Diễm Huỳnh- học sinh đại diện lớp- cùng cô Trang ra Hà Nội nhận giải cho biết: “Em và cô đều không dám tin lớp mình đạt giải đặc biệt, vì các clip trình chiếu đều rất hay, rất chuyên nghiệp. Lớp em chỉ quay bằng điện thoại và hình ảnh thông thường thôi. Em đã khóc thật lớn khi biết lớp mình giải đặc biệt, rồi cô trò ôm nhau mừng”.

Em Nguyễn Thị Ngọc Hằng- Lớp phó phong trào của lớp cũng là người nghĩ ra ý tưởng làm clip dự thi- nói tiếp lời bạn: “Ngồi ở nhà xem live chương trình, em hồi hộp quá chừng, tim muốn nhảy ra ngoài, khi còn 2 nhóm tác giả và tuyên bố nhóm kia đạt giải nhất em mừng quá, vậy là lớp mình đạt giải cao nhất, giải đặc biệt rồi”. Số tiền thưởng có được từ cuộc thi, lớp đã quyết định trích một phần mua BHYT, đóng 50% học phí còn lại cho Thái Quyên.

Dù mới chủ nhiệm 11A1 hơn 2 tháng nay nhưng với tình yêu thương học trò, cô Trang hiểu được những hoàn cảnh trong lớp, tâm lý học sinh để có thể quan tâm và dẫn dắt các em phát triển đúng hướng, thể hiện hết khả năng của mình.

Các bạn và cô thăm chuồng cút nhà bạn Thái Quyên.
Các bạn và cô thăm chuồng cút nhà bạn Thái Quyên.

Cô Trang thường chia sẻ với học trò tự ti: “Chúng ta không chọn được nơi mình sinh ra, nhưng người ta nhìn mình là qua cách mình sống thế nào”. Cô đã giúp Quyên thoát khỏi mặc cảm, tự ti vì hoàn cảnh của bản thân và hòa nhập cùng các bạn. Cô Trang cho rằng “làm cô giáo chủ nhiệm cực nhưng vui và không bị tụt hậu”. Cô không chỉ dạy mà còn dõi theo học trò ở các hoạt động ngoài lớp, quan tâm ý kiến, cảm xúc và các “comment” của học sinh trên mạng xã hội. Để từ đó, cô biết được các em cần gì, thích gì, quan tâm gì và dễ bị ảnh hưởng bởi cái gì?

Ngọc Hằng chia sẻ: “Cô chủ nhiệm của em rất tâm lý, luôn lắng nghe, quan tâm, chăm lo cho học sinh hết mực. Cô Trang đã dùng trái tim ấm áp, đầy nhiệt huyết của mình để dạy và yêu thương học trò như những đứa con của mình. Chính cái nồng ấm, trái tim nhiệt huyết ấy đã dạy cho học trò chúng em biết lắng nghe, biết sẻ chia với mọi người- đặc biệt là những người bạn trong lớp của mình”.

Thái Quyên rưng rưng nước mắt khi nói về cô: “Cô tốt lắm luôn. Cô cứ như mẹ của em vậy”. Với Huỳnh, cô chủ nhiệm “hiểu chúng em cần gì, cô không gây áp lực nhưng tạo cho chúng em hứng thú học tập và học tốt nhất. Cô không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh mà còn biết cá tính từng bạn. Rồi cô biết từng học sinh có khả năng gì”.

Xin mượn 4 câu thơ trong đoạn kết của lớp 11A1 gửi cô Trang và những người thầy nhân ngày 20/11 gần kề: “Có một nghề bụi phấn dính đầy tay/ Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất/ Có một nghề không trồng hoa trên đất/ Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”.

Thương hoàn cảnh của Thái Quyên, các thầy cô trong trường cũng hỗ trợ em. Khoe chiếc xe đạp mới cá tính, Thái Quyên nói: “Chiếc xe đạp này do thầy hiệu trưởng Trần Quang Huy tặng cho em đó. Ngày đầu tiên đem xe đạp về nhà, em muốn ôm xe ngủ luôn á!”

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh