Qua cầu Cái Tàu Hạ, quẹo trái, theo đường cặp sông đi chừng cây số thì có cầu đúc bắc qua con rạch đủ rộng, tiếp tục quẹo trái: đường về xóm Cửi.
Đại gia đình ông Lê Côn Tòng. |
Qua cầu Cái Tàu Hạ, quẹo trái, theo đường cặp sông đi chừng cây số thì có cầu đúc bắc qua con rạch đủ rộng, tiếp tục quẹo trái: đường về xóm Cửi. Lần theo xóm nhỏ ven rạch khoảng 3 cây số là đến nhà ông. Người ta quen gọi ông là chú Út Bá.
Thời còn làm việc ở Vĩnh Long, mỗi cuối tuần chú Út Bá đều theo lối này về nhà qua xóm Cửi. Gọi xóm Cửi bởi thời trước có người học được nghề canh cửi mang về tạo cuộc mưu sinh sau truyền thành cả xóm.
Người xóm Cửi sống như ở ốc đảo, cầu qua sông chưa có, chỉ có cầu tạm qua rạch nhưng lúc tắc lúc thông. Những ngày có nước được xuồng máy rước, gặp khi nước cạn phải lội bộ vã mồ hôi như tắm.
Những năm 90 thế kỷ trước, người làng quen thấy người đàn ông cao lớn, phương phi xách cặp đi trước, phía sau là 5 cô con gái tuổi còn đi học, lúc đi lúc chạy mới bắt kịp ông.
Cứ thế mỗi tuần 2 bận cho đến khi ông về hưu vui thú điền viên nơi ấp Phú Thạnh (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành-
Đồng Tháp).
Chuyện kể, có lần khách tìm về nhà ông, đến chân cầu Cái Tàu hỏi đường, người xóm chợ không biết tên ông nhưng khi mô tả: “Ông ấy người cao to, cuối tuần đi về, theo sau là 5 cô con gái đẹp đẹp!” thì… “À, Chú Út Bá!” Theo tay họ chỉ, khách lần theo về xóm Cửi mà trong đầu lảng vảng chút ý tưởng lãng mạn…
Ông ra đời năm 1940, tại ấp Phú Thạnh này, trong một gia đình nông dân nghèo khổ, không ruộng vườn. Cha mẹ phải bán sức lao động để có miếng cơm, manh áo. Mẹ ông 7 lần sinh nhưng chỉ được 3: Chị thứ năm tên Lê Thị Khái, có gia đình ở riêng; anh thứ bảy tên Lê Hoàng Kế, năm 1954 tập kết, 1962 hồi kết công tác ở Quân khu 7, Sài Gòn- Gia Định, hiện vui sống bên con cháu tại huyện Phú Giáo (Bình Dương). Còn ông, tên đầy đủ: Lê Côn Tòng. Nghe cách đặt tên, biết gia đình chuộng chữ.
Năm 14 tuổi, ông đậu bằng tiểu học. Dù khó khăn nhưng cha mẹ vẫn tiếp tục cho học Trường Trung học tư thục TX Sa Đéc. Trong thời gian 4 năm học từ lớp đệ thất cho đến lớp đệ tứ, ông tham gia phong trào học sinh ở TX Sa Đéc bằng việc rải truyền đơn đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất Tổ quốc vào ngày 20/7/1956, đòi đổi bạc xé hai…
Với hình thức chữ in bột bằng mực tím thật đậm, mỗi bản in được 25 trang, sau khi in xong tối lại đi rải xung quanh thị xã, tập trung ở chợ, trước cửa cơ quan Ty Cảnh sát. Rải bằng cách, mỗi xấp truyền đơn đều nhúng nước cho ướt rồi ném lên mái nhà, đến sáng hôm sau trời nắng, tờ nào khô bay xuống đường làm cho làng lính hoang mang, người dân thị xã vô cùng phấn khởi.
Năm 17 tuổi, được sự dẫn dắt của ông Bảy Hoàng- cán bộ nằm vùng của Châu Thành, chàng trai Lê Côn Tòng bắt đầu có ý thức về việc“làm quốc sự“. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông năng nổ thực hiện những công việc do tổ chức phân công như: tham gia làm giấy tờ cho cán bộ ta hợp pháp hóa để dễ dàng hoạt động; tổ chức biểu tình với yêu sách là để giáo sư Oánh dạy về môn Ngữ văn ở lại trường không được chuyển đổi, bởi vì thầy Oánh là cơ sở cách mạng trong phong trào giáo chức, kết quả đạt yêu sách.
“Sau khi tốt nghiệp bằng trung học đệ nhất (cấp II ngày nay) vào năm 1958, tôi chuyển trường về TX Vĩnh Long: Học trường Nguyễn Thông, lớp đệ nhị Trường Lam Sơn. Sau khi thi đậu bằng tú tài I, tiếp tục luyện thi tú tài II (toàn phần). Chỉ còn một tháng nữa là đến kỳ thi, ba má tôi cho biết là đồng chí Sáu Hiếu- Bí thư Huyện ủy Châu Thành- báo là cơ quan Tỉnh ủy cần người phục vụ, đó là ngày 15/8/1960”.
Chàng trai 20 tuổi lên đường theo cách mạng, ngày ly quê Phú Hựu, cảnh tiễn đưa không kém kịch tính:“... Về nhà chuẩn bị mọi thủ tục như đơn xin di chuyển lên Sài Gòn học, được sự chấp thuận của trưởng ấp. Sáng 19/8/1960 ba đưa tôi ra chợ Cái Tàu Hạ mang theo hồ sơ thủ tục tôi lên trình bọn tề xã gồm: Cảnh sát Đôn, đại diện Du và tổng Trí chứng thực hồ sơ, mời tôi uống trà, nói chuyện và bắt tay tôi, chúc tôi học thành tài để trở về phụng sự quốc gia. Điều này là kỷ niệm sâu sắc của đời tôi vì tôi là đối thủ của chúng, đứng trước mặt chúng mà chúng không biết.
Tất cả hồ sơ đó là tạo hợp pháp buộc chúng không làm khó dễ đối với ba má tôi. Khi chứng thực xong, tôi xuống bến tàu đi xã An Khánh và đưa tất cả hồ sơ cho ba tôi, đây là giờ phút thiêng liêng của đời tôi, tạm biệt ba má tôi, gia đình tôi đó là ngày tôi thoát ly gia đình”.
Ông lên đường biền biệt 15 năm. Khi đi là chàng trai tuổi 20, khi về là người đàn ông chững chạc, rắn rỏi tuổi 35. 15 năm kháng chiến ông trải qua các nhiệm vụ: điện báo viên Đài Minh Ngữ; Trưởng Đài Minh Ngữ, ngành trinh sát kỹ thuật, Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Long; Ủy viên Ban Thông tin vô tuyến phụ trách Trường Huấn luyện nghiệp vụ.
Sau giải phóng, ông tiếp tục giữ các chức vụ: Phó Ty Bưu điện Cửu Long; Phó Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Cửu Long; Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long; Tỉnh ủy viên, Ủy viên BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long.
Có lẽ, gây ấn tượng và để lại dấu ấn sâu sắc cho nhiều người là thời gian ông giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 1993-2001.
Khi ông đương nhiệm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, hầu hết cơ sở Hội Nông dân ông đều đến thăm và làm việc. Gặp ai ông cũng hỏi thăm cặn kẽ tình hình đời sống, sản xuất, việc nuôi dạy con cái, chính sách của địa phương và phong trào của hội. Ông đến đâu, nơi đó như được tiếp sức, thổi luồng gió mới vào phong trào của hội cơ sở.
Lời phát biểu của ông như lời thông cảm, sẻ chia những nỗi khó khăn bức xúc của nông dân. Đối với cán bộ, ông tận tình động viên, hướng dẫn. Đâu chỉ cơ sở, ông còn xuống tới ấp để xem cảnh sinh hoạt, sản xuất, cuộc sống của hội viên nông dân ra sao. Nhiều cán bộ cấp chi hội mến ông, nhà có tiệc mừng, nhớ đến ông cũng gửi thiệp mời dự. Ông vẫn đi, anh tài xế than:“Kiểu này chắc chết!”
Có nhiều chi hội trưởng nông dân, đã qua 20 năm nhưng vẫn nhắc về ông với một tình cảm trân quý. Còn nhớ, ngày sinh nhật thứ 70 do các con ông tổ chức, nghe tin, có nhiều người là cán bộ hội ở xa cũng về thăm. Thế mới biết ông đi mà cái tình còn để lại... 20 năm đã qua, vẫn có người khoe: “Tôi còn giữ thẻ hội viên có chữ ký ông Lê Côn Tòng”.
Ông là người hào sảng, giọng nói khúc chiết, ấm áp, chân thành. Nghe ông, người ta tin lời ông nói. Nhớ những lúc mời ông giảng bài cho cán bộ hội, ông chuẩn bị đề cương bài giảng chu đáo, cập nhật kiến thức mới và luôn liên hệ thực tế cơ sở để nhận xét đánh giá vấn đề và đề xuất giải pháp tốt nhất có thể. Cán bộ hội từng được tiếp xúc với ông cảm thấy vinh dự khi nhắc về một lãnh đạo ngành mình.
Trong giao tiếp, ông tạo nên phong cách ấn tượng, mọi người quen gọi: Phong cách Út hay phong cách Út Bá. Phong cách ấy được quy gọn mấy từ: Hứa thì phải làm, hẹn phải đúng giờ, rượu uống phải đầy ly.
Xét về ngũ thường, đó là trọng chữ tín. Người làm việc cùng ông chưa ai phát hiện ông thất hứa bao giờ. Thời ông làm đại biểu HĐND, những vấn đề ưu tư, bức xúc mà người dân tìm đến để trình bày, đề đạt nguyện vọng, ông chăm chú lắng nghe, hỏi và ôn tồn giải thích những vấn đề bằng hiểu biết của mình.
Trong phiên họp hội đồng hay đảng bộ, ông là người thường có ý kiến đóng góp, phản biện- nhất là những vấn đề liên quan đến nông dân. Người cùng thời vẫn còn nhớ câu nói dõng dạc của ông vang trong nghị trường:“Kẻ nào xem thường nông dân là xem thường cha mẹ nó...!”
Nếu ai đã được cái hẹn của ông, yên tâm, hẹn là đến, đến phải đúng giờ. Người đối diện cảm thấy mình được trọng thị khi người hẹn có mặt đúng giờ. Tác phong này là một bài học quý để lại trong không ít học trò của ông. Có người phải trải qua thực tế không mấy dễ chịu mới lĩnh hội ý nghĩa của bài học này.
Với tính cách hào sảng, quảng giao, ông được nhiều người mến, nhất là những người cùng ngành. Trong làm việc thì nghiêm túc- thậm chí nghiêm khắc- nhưng khi kết thúc thì cởi mở thân tình. Trong những dịp bế giảng lớp học hoặc tổng kết phong trào, ai cũng muốn mời ông ly rượu cảm cái ân tình. Ông luôn nhận lời nhưng không cho phép uống nửa ly, dù ly loại nào.
(Mời xem phần tiếp theo trên VLCN kỳ tới)
Bài, ảnh: LÊ MINH HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin